Văn hóa – Di sản

Tọa đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng”

Tô Ngọc Oanh 15:41 17/05/2024

Sáng 17/5, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2024.

Năm 2024, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng trên toàn thế giới xây dựng các hoạt động với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa, cung cấp hoạt động trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là nguồn sử liệu gốc, là trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy độc lập của khách tham quan.

z5449547018372_e6e446b22d84596dc4628907367bee5e.jpg
Quang cảnh tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Bảo tàng Hà Nội luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên khi đến tham quan bảo tàng. Trong năm 2023 và tính đến tháng 4/ 2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm như Rước trăng chơi phố dịp Trung thu; trình diễn các nghề thủ công truyền thống: làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng; các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm,...

z5449547018172_a4d73034f1d9a4a23d4ab6787b2669a1.jpg
Ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội phát biểu khai mạc tọa đàm.

“Đồng thời, hưởng ứng tinh thần cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn đối với người khuyết tật, trong những năm qua, Bảo tàng Hà Nội đã dành nhiều chương trình giáo dục có sự tham gia trực tiếp của những người khuyết tật với vai trò người hướng dẫn giáo dục trải nghiệm hoặc người hưởng thụ các hoạt động giáo dục của bảo tàng. Từ đó giúp đỡ tạo thêm việc làm cho người khuyết tật, giúp họ tự tin hòa nhập một cách bình đẳng với cộng đồng”, ông Đặng Minh Vệ chia sẻ thêm.

Tọa đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng” diễn ra trong hai phiên:

Phiên 1: Các tổ chức, diễn giả đã từng phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Hà Nội chia sẻ câu chuyện: ý tưởng, hành trình khi xây dựng chương trình giáo dục; các hoạt động giáo dục đã thực hiện; năng lực và mong muốn khi hợp tác với Bảo tàng Hà Nội tổ chức hoạt động giáo dục.

Phiên 2: Các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học đã/ đang là nhà tổ chức hoạt động giáo dục, nghiên cứu về giáo dục tại bảo tàng chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức các hoạt động giáo dục và gợi ý cho các hoạt động giáo dục trong tương lai của Bảo tàng Hà Nội.

z5449565958909_d3c35a3b07b9a3bdaef144310fdf21c5.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, Đạo diễn, Nhà sản xuất, MC truyền hình Ninh Quang Trường nhấn mạnh để bảo tàng trở thành điểm đến thu hút gắn liền với các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cần hiểu được “cốt lõi” nhu cầu của người đến thưởng thức, từ đó thiết kế những sản phẩm phù hợp, cung cấp lượng thông tin thích hợp và chọn cách kể chuyện sao cho cuốn hút. Tuy nhiên, sau khi đã hiểu rõ những điều đó, một câu hỏi quan trọng lại được đặt ra: “Hiện nay các bảo tàng đã thực sự sẵn sàng tham gia vào quá trình giáo dục hay chưa?” Đây là một vấn đề đáng suy ngẫm để các bảo tàng có thể phát huy “trọn vẹn” vai trò của mình trong việc tổ chức những hoạt động trải nghiệm giáo dục toàn diện.

z5449565949296_d28d479d327d3ab45a956138a46d8c06.jpg
Đạo diễn, Nhà sản xuất, MC truyền hình Ninh Quang Trường chia sẻ tại tọa đàm.

“Bảo tàng và cộng đồng có mối quan hệ tương hỗ sâu sắc. Bảo tàng ra đời để phục vụ cộng đồng, mang lại cho công chúng những giá trị và trải nghiệm quý giá. Tuy nhiên, giá trị đó không chỉ nằm ở những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn thể hiện ở trách nhiệm của những người làm bảo tàng và giáo dục. Đó là làm sao để công chúng có thể cảm nhận, hiểu và lưu giữ ấn tượng tốt về di sản. Để đạt được điều này, cần phải nhìn từ góc độ của công chúng, từ đó đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và trải nghiệm. Đồng thời, cần kết nối với các đơn vị, tổ chức, và doanh nghiệp có liên quan để đưa vai trò của bảo tàng đến gần hơn với công chúng,” bà Lê Thị Liên, cán bộ Giáo dục bảo tàng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khẳng định.

444760575_983128960480282_557763710023987559_n.jpg
Các bạn học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Hà Nội (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Bên lề tọa đàm là các hoạt động trải nghiệm như chơi cờ Mặt trời và giao lưu với tác giả bộ cờ - đạo diễn Ninh Quang Trường, ghép tranh từ vụn vải (Trải nghiệm do HTX Vụn Art sáng tạo), làm móc khóa hình thú nhồi bông (Trải nghiệm do Kym Việt sáng tạo), trải nghiệm đánh trống đồng (bản phục chế) trong trưng bày chuyên đề Tiếng Vọng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO