Võ Quang Diệm - Tình yêu biết mấy cho vừa

Quang Hoài| 29/07/2020 16:12

(Đọc “Bỗng dưng thèm trách mắng” - Tập thơ của Võ Quang Diệm)

Võ Quang Diệm - Tình yêu biết mấy cho vừa

“Bỗng dưng thèm trách mắng” là tập thơ thứ tư của tiến sĩ, nhà báo Võ Quang Diệm, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015. Thời gian như dòng sông năm tháng không ngừng chảy “qua kẻ tay”, 5 năm là một phần 20 của một đời người “bách niên giai lão” có thể “làm khô những chiếc lá” nhưng không thể “làm khô” những cảm xúc chân thành được đọng lắng lại thành những dòng thơ của một người vốn có tình yêu tha thiết và sâu đậm với quê hương xứ sở cũng như với tổ ấm gia đình thân yêu. Đó là cảm nhận của tôi khi đọc lại tập thơ “Bỗng dưng thèm trách mắng” của nhà thơ Võ Quang Diệm. Thơ ra đời cách đây đã 5 năm nhưng vẫn chưa bị lớp bụi thời gian phủ mờ, khá nhiều bài tưởng như mới viết hôm qua. Thật đúng là: Tình yêu biết mấy cho vừa, tình yêu không bao giờ cũ, không bao giờ đủ, nó chính là những “dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào đại trường giang Von-ga, sông Von-ga đổ ra biển lớn” như văn hào Nga Êrenbua đã khẳng định.

Võ Quang Diệm trước hết là một nhà khoa học, nhà tư vấn thiết kế, nhà quản lý và một nhà giáo giảng dạy ở bậc đại học với học vị tiến sĩ bảo vệ tại Đại học Xây dựng Lêningrát năm 1987. Anh đến với thơ bằng tập “Ký ức tình yêu”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2008, cách đây đã 12 năm. Nói như vậy để thấy, thơ Võ Quang Diệm là thơ của một người từng trải và có lưng vốn văn hóa khá dày dặn. Nhưng, như Võ Quang Diệm tự thừa nhận, thơ thường đến với anh qua những “cảm xúc tình cờ”, những cảm xúc bất chợt, nghĩa là đến từ vô thức, chợt hiện bừng phát một cách tự nhiên hơn là từ hữu thức. Có lẽ đó là cái làm nên sự chân tình - phẩm chất hàng đầu tạo nên tuổi thọ của thi ca, như website nhavan.vn đã chỉ ra: “Thơ Võ Quang Diệm đã tạo được cho mình một cái bến mang tên “Chân tình” để níu giữ hồn thơ, trải nghiệm, giao hòa cùng cõi đời biến động”. Cái chân tình ấy là chân tình ở tình yêu mà tôi gọi là “Tình yêu biết mấy cho vừa” xuyên suốt 60 bài thơ trong tập “Bỗng dưng thèm trách mắng” của anh.

Trước hết, tình yêu quê hương xứ sở trong thơ Võ Quang Diệm gắn chặt với nơi anh sinh dưỡng thuở thiếu thời. Đây là giá trị tinh thần nổi bật của tập thơ, khiến nhiều người đọc nhận ra anh dù chưa từng gặp gỡ, từng quen biết trong bức chân dung tâm hồn thấm đẫm tình quê, sâu nặng nỗi quê. Đó là xứ Nghệ thân thương “Chốn quê neo đậu hồn tôi/ Câu thơ ngọt lịm từ lời mẹ ru” và “Hữu tình một thuở, cam go một thời”, một “miền quê đất cằn sỏi đá” là cái “Rốn bão, lũ, gió Lào oi ả/ Đốt cồn lòng đời mẹ, đời cha” nhưng lại là miền đất “địa linh nhân kiệt quê ta? Bao chuyện đời thường hóa thành truyền thuyết/ Chí hiếu học, lòng bao dung, nghĩa hiệp/ Truyền thống quật cường giàu đức hy sinh”. Đó là một miền quê nghèo khó như Xuân Diệu đã chỉ ra “đất hẹp khô rang, đói bao thuở cơm chia phần từng bát”, phải thường xuyên ngoan cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt “Cơn gió nóng trái mùa, chiêm quê mình hạt lép/ Những trận mưa nguồn, cuồng phong, bão táp/ Hằn nỗi nhọc nhằn lên khóe mắt mẹ cha”. Đó cũng là miền quê phải gánh chịu nhiều đau thương tang tóc trong các cuộc chiến tranh khốc liệt: “Có gia đình nào không có người đi chiến trường?/ Có làng quê nào không có người lâm trận?/ Vành khăn tang chẳng kịp phai màu trên những mái đầu bạc trắng/ Những người mẹ, người vợ suốt đời khắc khoải chờ mong”. Tình yêu quê hương được khơi dậy trong tâm hồn Võ Quang Diệm từ miền đất ấy - một miền đất đã tạo nên tính cách người xứ Nghệ “tính cách đậm chất Đồ Nghệ/ Họ nhà cua khí khái, nghĩa tình” như anh đã thừa nhận. Cùng với sự bồi tụ, dung dưỡng qua sự trôi chảy của thời gian và sự kinh lịch của đời người, tình yêu ấy thấm ngấm sâu đậm trong trái tim Võ Quang Diệm. Cái nguyên nhân sâu xa tạo nên tình yêu ấy chính là văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần xứ Nghệ đã lắng bồi sâu đậm trong anh. Anh yêu tha thiết dòng Lam “Nguồn sữa mát ươm mầm hào kiệt”, “Sông làm dịu gió Lào bỏng rát/ Vắt kiệt mỡ màu nuôi những đồng xanh”. Anh nhớ khôn nguôi “Điệu ví dặm quê nhà, dào dạt tình quê/ Là khởi nguồn của mọi sự đam mê”, bởi trong điệu ví ấy có vị mặn của nhút Thanh Chương “Nhút là đặc sản quê nghèo/ Trong hương vị nhút trong veo tình người”, và có vị thơm ngon của tương Nam Đàn “Tương nuôi ông cống, ông nghè/ Nuôi bao danh sĩ vùng quê Nam Đàn”.
Hơn tất cả là ở miền quê ấy anh có người mẹ “Chang chang nắng táp gió Lào/ Tảo tần đời mẹ biết bao nhọc nhằn/ Vai gầy gánh nỗi gian truân/ Ngược xuôi bươn chải, gót chân vẹt đường”. Một người mẹ chăm chút nuôi dạy con cháu làm điều nghĩa nhân, nên người tử tế: “Khuyên con cháu chắt ở đời/ Gieo tâm gặt phúc, rạng ngời tổ tông/ Một đời giữ nếp gia phong/ Vẹn tình hiếu nghĩa, êm trong ấm ngoài”.

Với Võ Quang Diệm, tình yêu quê hương xứ sở trong anh không chỉ có xứ Nghệ, mà còn có cả Hà Nội - quê hương thứ hai, nơi anh sống và làm việc để lại trong anh bao kỷ niệm thân thương với “Hồn sông núi/ Cũng tụ về bên Bác/ Hào khí Thăng Long/ Cuộn chảy đêm ngày” và với “Hồ Gươm xanh/ Lung linh lòng yêu nước/ Nhân sĩ Bắc Hà/ Cảnh báo họa xâm lăng”. Những vùng đất thân yêu của Tổ quốc, nơi anh từng đặt chân đến và cả nước Nga xa xôi, nơi anh bảo vệ luận án tiến sĩ cũng để lại trong thơ anh những cảm xúc chân thành. Đúng như nhà thơ Nhật Bản Basho (Ba-sô) đã viết: “Đất khách mười mùa sương/ Về thăm ngoảnh lại/ Ê-đô là cố hương”, cuộc sống con người khi tuổi đời trôi đi, sự gắn bó với quê hương ngắn lại, thì lại càng cảm thấy yêu cuộc sống hơn và “ngộ” ra rằng chính những nơi mình từng sống cũng là quê hương của mình, “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên) là như vậy.

Thứ hai, nói về tình yêu trong thơ Võ Quang Diệm không thể không nói đến tình yêu của anh đối với tổ ấm gia đình. Tổ ấm gia đình là tế bào cơ bản cấu thành xã hội. Tình yêu quê hương xứ sở hòa quyện với tình yêu tổ ấm gia đình trở thành tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Thấm nhuần chân lý đó, Võ Quang Diệm đã viết bài thơ “Bỗng dưng thèm trách mắng” để giãi tỏ cảm thức về nửa kia của mình “Đêm nay mưa không ngớt/ Gió gào rít từng cơn/ Căn phòng như rộng hơn/ Lòng mình thì trống... vắng/ Trời về đêm chuyển lạnh/ Biết tìm “chăn” chỗ mô?/ Một mình nằm co ro/ Gió sờ lưng lạnh cóng/ Bỗng dưng thèm trách mắng...”. Bài thơ dung dị, như một câu chuyện chân thật mà ý vị sâu sắc, đúng là “Mỗi ngày anh có em/ Lại đầy thêm dang dở” và “Xa em đói tiếng, đói hình/ Trời xanh với chỉ một mình trời xanh” (Hữu Thỉnh) thấm thía đến khôn cùng. Bởi, với Võ Quang Diệm, nửa kia của anh không chỉ “nâng cánh” cho cuộc đời mà còn“nâng cánh” cho thơ:

“Tình em nâng cánh thơ bay
Em và thơ nỗi đắm say cháy lòng”.

Đọc “Bỗng dưng thèm trách mắng” của Võ Quang Diệm, tôi nhận ra chân dung tâm hồn anh từ tình yêu chân thành nói trên. Đó là cái được của tập thơ, cái được về ý, về nội dung. Song, nói đến thơ phải nói đến cả ý và tứ trong mối quan hệ hữu cơ, xoắn bện cấu thành một sinh thể. Tứ chính là nghệ thuật của thi ca, làm nên hồn vía và dư ba lay động lòng người. Đây chính là chỗ còn hạn chế của “Bỗng dưng thèm trách mắng”, hạn chế ở hình tượng nghệ thuật, ở cấu tứ logic, ở các thủ pháp tạo nên giọng điệu và ngôn ngữ kể cả thơ lục bát và thơ tự do. Rất mong Võ Quang Diệm sẽ có những bước tiến mới sau tập thơ thứ tư của mình.
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Võ Quang Diệm - Tình yêu biết mấy cho vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO