Trận địa tên lửa Chèm (quận Bắc Từ Liêm)
Trận địa tên lửa Chèm những năm chống Mỹ, là trận địa tên lửa phòng không thuộc Sư đoàn Phòng không 361 (bảo vệ Thủ đô Hà Nội) đặt tại bờ tây sông Nhuệ thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội.
Đầu những năm 1960, đế quốc Mỹ đã có ý đồ dùng không quân đánh ra miền Bắc. Ngay từ những năm đó máy bay trinh sát U2 đã nhiều lần trinh sát Thủ đô Hà Nội. Ngày 13/8/1963, pháo phòng không Hà Nội đã nổ súng bắn hai máy bay trinh sát vũ trang RF1C1 khi chúng bay vào chụp ảnh Hà Nội. Đây là trận nổ súng đầu tiên của bộ đội phòng không Hà Nội. Sau trận đánh này bộ đội phòng không Hà Nội bước vào giai đoạn thời chiến. Hàng loạt trận địa pháo được xây dựng ở các địa phương thuộc bốn huyện ngoại thành Hà Nội. Trận địa pháo 100 ly ở Chèm ra đời vào thời kỳ này.
Ngày 01/5/1965, Trung đoàn tên lửa đầu tiên của quân đội ta phiên hiệu 236 được thành lập, tiểu đoàn 63 là một trong bốn tiểu đoàn hoả lực. Sau hơn hai tháng huấn luyện, ngày 24/7/1965, tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 64 đã hành quân lên Trung Hà đón đánh địch.
Cho đến khi máy bay Mỹ đánh vào kho xăng dầu Đức Giang, ta mới đưa tên lửa về bảo vệ Hà Nội. Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội và chỉ huy Trung đoàn 236 đã cử đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 63 đến Chèm để xem xét trận địa này (ở đây đã có một trận địa pháo 100 ly). Phòng tham mưu Sư đoàn 361 cũng đã tính toán và chọn trận địa này. Trận địa Chèm “cặp díp” với trận địa Cổ Nhuế (Từ Liêm) và trận địa Đại Đồng (Đông Anh). Ngày 28/11/1966 (trước khi máy bay Mỹ mở những đợt tấn công vào một loạt mục tiêu ở Hà Nội trong mấy ngày), Trung đoàn 28 công binh và nhân dân Thụy Phương đã tiến hành đào đắp làm trận địa tên lửa. Ngày 15/1/1967, tiểu đoàn 63 cơ động chiếm lĩnh trận địa Chèm, và tiến hành cuộc chiến đấu dũng cảm, mưu trí bắn hạ nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Trận địa Chèm tham gia những trận đánh tập trung tháng 10 và tháng 11 năm 1967.
Ngày 24/10/1967, địch đánh vào sân bay Nội Bài mở đầu đợt tấn công thứ năm vào Hà Nội. 24 chiếc A4E đánh Nội Bài lần này đều mang nhiễu ALQ súng 10 ly và bom cỡ vừa 220kg. Tiểu đoàn 63 và tiểu đoàn 62 đã nhanh chóng chặn đầu những chiếc A4E đầu tiên. Những loạt đạn đầu tiên không kết quả.
Từng tốp, từng tốp A4E vẫn tiến vào. Lần này D26, D63 cố gắng tập trung hoả lực vào một tốp. Khi đạn tên lửa từ Chèm (D63), từ Cổ Nhuế (D62) phóng lên đã lao trúng vào máy bay của trung tá đại đội trưởng đại đội 151 liên đội 15.
Thừa thắng, D63 lại góp lửa với các tiểu đoàn bạn phóng rất tập trung vào đội hình một tốp của địch. Thêm một chiếc A4E nữa bị bắn rơi.
Ngày 25/10/1967 là một ngày đánh phá ác liệt điển hình. Trận đánh kéo dài từ 7h 27 phút (đợt 1) đến 16h 27 phút (đợt 7) chưa kể những phi vụ trinh sát bắt đầu từ 4h 30 phút, kết thúc 20h 30 phút... Địch đã ném 130 tấn bom phá, 100 quả bom bi mẹ, phóng hàng chục quả tên lửa. Tiểu đoàn 63, tiểu đoàn 62 đã đánh 31 quả đạn để bảo vệ Nội Bài.
Đợt này, trận địa Chèm là một cái chốt vòng trong quan trọng đánh được nhiều hướng, đánh được nhiều trận, bắn rơi nhiều máy bay, có nhiều trận bắn rơi tại chỗ. D63 đã góp phần quan trọng cùng lực lượng phòng không Hà Nội bắn rơi 12 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái.
Đợt tấn công thứ 6 vào Thủ đô Hà Nội của Johnson bắt đầu từ ngày 5 tháng 11. Đánh trả những đợt tấn công này, Hà Nội có những ngày đánh xuất sắc như ngày 18, 19. Chỉ riêng ngày 19, đế quốc Mỹ bị bắn rơi 17 máy bay (Hà Nội bắn rơi 12 chiếc). Vì bị thua đau, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc đợt tấn công sớm hơn dự kiến 4 ngày. Ngày 19/11/1967 nhận thấy trận địa Chèm của tiểu đoàn tên lửa 63 phát huy hoả lực mạnh mẽ trong tất cả các đợt tấn công đánh trả máy bay Mỹ, kẻ địch đã tổ chức một trận đánh vào trận địa Chèm. Mặc dù tiểu đoàn 62 và các đơn vị tích cực bảo vệ, tiểu đoàn 63 vẫn bị tổn thất, thương vong. Tại Chèm máu của cán bộ, chiến sĩ đã đổ.
Tuy nhiên, sự hy sinh của các chiến sĩ không phải là vô ích. Chỉ trong năm 1967, tại trận địa Chèm D63, E236 đã bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống một số giặc lái.
Trận địa Chèm những ngày cuối năm 1972:
Năm 1972, sau khi quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1972, quân giải phóng đã nhanh chóng giải phóng Quảng Trị, Đắc Tô, Tân Cảnh, Lộc Ninh... giáng đòn sấm sét vào chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Trước thế tiến công như chẻ tre của những binh đoàn chủ lực hùng mạnh của quân giải phóng, quân ngụy. Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Ngày 6/4/1972, Nichxơn mở chiến dịch “Lainibichcơ I” ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam và dùng hải quân thả mìn phong toả bờ biển. Đặc biệt lần này đế quốc Mỹ đưa con “chủ bài” B52 đánh ra miền Bắc. Địch sử dụng nhiều loại máy bay, bom đạn và trang bị kỹ thuật điện tử mới. Chúng leo thang ồ ạt phá bỏ những quy luật đánh phá trước đây. Bước đầu gây cho ta không ít khó khăn. Chỉ riêng tháng 4 năm 1972 có 5 trận B52 đánh phá miền Bắc.
Ngày 10/4/1972 ném bom thành phố Vinh.
Ngày 13/4/1972 ném bom sân bay Thọ Xuân.
Ngày 16/4/1972 ném bom Hải Phòng.
Ngày 21/4/1972 ném bom Hàm Rồng.
Ngày 23/4/1972 ném bom thị xã Thanh Hoá.
Ngày 16/4/1972, máy bay chiến thuật đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội.
Năm 1972, bám trụ ở trận địa Chèm là tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 tên lửa.
Do thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường, nên đến tháng 10 năm 1972 có những bước tiến triển trong đàm phán ở Hội nghị Paris. Những bước tiến triển đó dẫn đến việc Nichxơn phải xuống thang, ngày 22/10/1972 ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Nhưng, hiệp định hoà bình không được ký vào ngày 26/10/1972 như Việt Nam và Mỹ thoả thuận. Ngày 7/11/1972, Nichxơn trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 2). Ngay sau khi thắng cử, Nichxơn tráo trở muốn kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh bom đạn. Lầu Năm Góc đã chuẩn bị một kế hoạch tập kích chiến lược bằng máy bay B52, 5 tầu sân bay, lực lượng máy bay chiến thuật trên 1000 chiếc mở màn đêm 18/12, kết thúc đêm 29/12.
Ta đã bắn rơi tổng số 81 chiếc: 34B52, 5F52, 5F111, 21F4, 12A7, 1A6, 2FA5C, 1F105 và bắt sống 44 giặc lái.
Tại trận địa Chèm, tiểu đoàn 77 đã bắn rơi 4 máy bay B52. Ngay trong đêm đầu tiên vào lúc 4h39 phút sáng ngày 19/12/1972, D77 đã bắn rơi một máy bay B52D và rơi tại Thanh Oai,Hà Tây (cũ).
Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, tại trận địa Chèm tiểu đoàn 77 thuộc trung đoàn 257 đã đánh B52 tất cả 12 trận, phóng 24 quả đạn tên lửa, bắn rơi tại chỗ 4 máy bay B52:
4h39 phút ngày 19/12/1972 bắn rơi tại Thanh Oai một B52D. 20h34 phút ngày 20/12/172 bắn rơi tại chỗ một B52.
5h ngày 21/12/1972 bắn rơi tại chỗ một B52.
23h4 phút ngày 27/12/1972 bắn rơi tại chỗ một B52.
Như vậy, năm 1972 tại trận địa Chèm, tiểu đoàn 77 (D77) đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ (1 cường kích và 4 máy bay B52).
Từ tháng 5/1967 đến 30/12/1972 tại trận địa Chèm, các tiểu đoàn đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc:
D63 bắn rơi 15 chiếc máy bay.
D43 bắn rơi 1 chiếc máy bay.
D77 bắn rơi 5 chiếc máy bay (4B52).
Tổng cộng 21 máy bay Mỹ.
Trận địa tên lửa Chèm - một công trình kiến trúc quân sự, một địa danh lịch sử gắn bó với chiến công vĩ đại của dân tộc ta, đặc biệt là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội năm 1972.
“Rồng lửa Thăng Long” bay lên từ trận địa Chèm đã bắn rơi hai chục máy bay, trong đó có 4 pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ.
Lịch sử, nhân dân và quân đội ta mãi mãi ghi công cán bộ, chiến sĩ của các tiểu đoàn phòng không Sư đoàn 361 anh hùng tại trận địa tên lửa Chèm. Di tích Trận địa tên lửa Chèm hiện nay chiếm lĩnh một khu đất rộng, bằng phẳng ở phía nam đê sông Hồng. Do di tích vẫn được sử dụng vào mục đích quân sự (nơi đóng quân, trận địa tên lửa của D77, E257), nên diện mạo của di tích so với trước đây đã biến đổi ít nhiều. Trận địa gồm 4 bệ phóng được đắp luỹ đất bao quanh. Các hầm chỉ huy, khí tài được xây dựng kiên cố và đắp đất cao, trông như những quả đồi thấp.
Lán trại quân đội xưa được thay bằng những dãy nhà gạch cấp 4. Phòng họp, hội trường, nơi trưng bày một số hình ảnh, kỷ vật từ thời đánh Mỹ đã khẳng định giá trị lịch sử của trận địa tên lửa Chèm.
Năm 1995, trận địa tên lửa Chèm đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử. Việc bảo quản và phát huy tác dụng của di tích do Sư đoàn Phòng không 361 đảm nhiệm. Hiện nay di tích vẫn đang sử dụng là trận địa tên lửa phòng không bảo vệ Sư đoàn Phòng không 361 trực tiếp quản lý. Từ nhiều năm nay, tiểu đoàn 64 đã thường xuyên củng cố tôn tạo bảo vệ trận địa và những hiện vật của di tích để phục vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02