Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Sông Hồng là nhân chứng cho tình yêu của chúng tôi

Vũ Thị Minh Huyền 27/08/2024 15:04

“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình /Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”… (Trở về dòng sông tuổi thơ - Hoàng Hiệp)

bds5.png
Ảnh minh hoạ

Mỗi lần nghe những giai điệu da diết chứa chan tình quê của người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp, trong tôi lại trào dâng niềm thương nhớ dòng sông tuổi thơ quê mình. Sông Hồng - con sông trong dân gian gọi là Thủy tổ của người Việt, chính là tác nhân quan trọng kiến tạo nên đất Thăng Long-Hà Nội. Trải qua hàng ngàn năm, sông Hồng vẫn lặng lẽ "gánh" nước nuôi dưỡng những vùng đất nó đi qua, bồi đắp văn hóa cho đời sống tinh thần cư dân hai bên bờ và là nhân chứng lịch sử cho những thăng trầm của đất Thăng Long-Hà Nội.

Rất nhiều người gắn bó và yêu quý con sông Hồng ngay từ khi còn nhỏ. Tôi cũng vậy. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuổi thơ tôi gắn bó với sông Hồng nên tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp bên dòng sông thơ mộng ấy. Nó cũng chính là nhân chứng cho mối tình đầu của tôi. Với tôi, dòng sông quê nhà là sâu nặng nhất, đã chảy suốt một đời, trĩu nặng những ân tình, chưa bao giờ cạn vơi nỗi nhớ. Tháng 8 về đã làm thức dậy cả một bầu trời ký ức trong tâm trí tôi về dòng sông mang nhiều hoài niệm.

Tôi học ngành sư phạm tiếng Trung Quốc tại trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội. Anh là một người nghiêm túc, chỉn chu, quyết đoán, làm việc tới nơi tới chốn, nói đi đôi với làm, sống giản dị và lạc quan. Anh học ở 1 trường trong quân đội vì mẹ anh, anh trai anh, em gái anh đều theo học và làm việc trong môi trường quân đội. Chúng tôi vô tình quen nhau nhân dịp anh đến dự sinh nhật của bạn thân tôi. Sau lần gặp gỡ ấy, anh đã để ý tôi và viết thư cho tôi, chia sẻ với tôi về cuộc sống của sinh viên trong quân ngũ, về lý tưởng, hoài bão của anh.

Tôi ấn tượng mãi về lần hẹn hò đầu tiên của hai đứa, anh chủ động đưa chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên cho tôi xem để tôi biết rõ anh là ai và thể hiện sự nghiêm túc muốn tìm hiểu tôi. Anh cũng đề nghị tôi cho anh xem chứng minh thư nhân dân và thẻ sinh viên của tôi. Sau khi xem xong, anh chính thức đề nghị tôi cho anh cơ hội làm bạn với tôi để tìm hiểu tôi. Tôi buồn cười vỡ bụng vì sự nghiêm túc đến khô khan của anh. Mới tập tành tán gái mà đặt vấn đề cứ như là chuẩn bị kết hôn đến nơi làm tôi cũng phải nghiêm túc theo. Tôi cứ lo lắng anh cứng nhắc, khô khan quá sẽ không hợp tính cách ưa lãng mạn của tôi. Nhưng càng tiếp xúc với anh thì tôi nhận ra sự thật không phải vậy. Anh cũng rất tình cảm, lãng mạn, biết chiều chuộng tôi, đặc biệt rất chung thủy. Khi đã chính thức nói tìm hiểu tôi là anh không cho bất kỳ cô gái nào có cơ hội lại gần anh, anh cũng không tán tỉnh ai ngoài tôi.

Thời điểm ấy, cả hai đều chưa có điện thoại di động, anh lại học trong môi trường quân đội nên càng bị quản lý nghiêm ngặt. Chúng tôi ít có dịp gặp nhau, chỉ hay trao đổi tình cảm qua thư tay. Cuối tuần, anh thường gọi về số điện thoại bàn của nhà tôi để nói chuyện. Anh sẽ báo trước thời gian nào anh được về thăm nhà, thăm tôi. Nhà bố mẹ anh ở Hà Nội nên lần nào anh về thăm gia đình cũng hẹn gặp riêng tôi, anh lại đưa tôi đi ngắm sông Hồng cùng anh. Bờ sông đó chứng kiến bao lần hờn giận và cũng là nơi tôi nhận lời tỏ tình đầu tiên. Chúng tôi đã cùng trưởng thành với những chiều hè ven sông ngai ngái phù sa, ngọt ngào hương ngô mát dịu. Mỗi buổi sáng, khi ánh bình minh đang lên, mặt sông đón ánh mặt trời lung linh như một dải thảm vàng rực rỡ trải khắp trên sông. Mùa nước cạn, ngô đậu nhuộm xanh bãi bồi phù sa đi qua còn vương bụi phấn trên mái tóc. Dòng sông quê soi bóng tuổi sinh viên bằng những buổi chiều bơi lội thỏa thích giữa làn nước mát. Vào những ngày hè, chúng tôi lại cùng nhau đi chèo thuyền, lúc ngồi buồn thả những chiếc thuyền giấy trôi theo dòng nước miên man không biết sẽ về đâu. Có lúc chúng tôi cùng nắm tay nhau đi bộ, đi thả diều bằng con diều giấy anh tự làm, để lòng sông khi ấy sóng cứ hát lao xao, cho gió thổi miên man.

Trong những ngày hè, khi chiều buông xuống, chúng tôi thường ngủ trên rơm rạ ven sông bởi gió mát vô cùng. Khi mùa đông về, chúng tôi thường đốt lửa ven sông để sưởi ấm, để nướng những con tôm, con cá và ăn vội khi chúng còn dính đầy bùn đất. Với tôi, sông đẹp nhất vẫn là vào mùa xuân. Vạn vật như được hồi sinh, dòng sông cũng thay màu áo mới. Mặt nước không còn ngầu đục như mùa hè với những trận mưa ầm ào xối xả hay mùa đông lạnh lẽo giá băng mà trở nên xanh trong êm đềm soi bóng đôi bờ. Làn sương buổi sớm mỏng manh giăng mắc như tấm khăn voan dịu dàng e ấp cho sông thêm thơ mộng hữu tình. Những khóm lục bình xanh non nở hoa tím biếc, dập dềnh trên mặt nước. Chỉ tiếc là ngày xưa không có điện thoại di động, việc chụp ảnh chưa được thịnh hành như bây giờ nên chúng tôi không lưu lại được những khoảnh khắc đẹp bên nhau. Mãi đến rất lâu sau này khi đã có gia đình, thi thoảng tôi mới ra bãi đá sông Hồng để chụp ảnh và thư giãn sau mỗi dịp công việc quá căng thẳng.

Cuộc sống bên dòng sông lúc êm đềm phẳng lặng với nhịp sống lao động giản dị, với ước vọng về hạnh phúc lứa đôi chan chứa tình yêu. Mấy năm sinh viên lặng lẽ trôi qua cùng với tình yêu trong trẻo và những ước mơ tuổi trẻ của chúng tôi. Những năm tháng trong quân ngũ, xa nhà, nhớ người yêu, có những lúc anh cảm thấy yếu đuối và nản lòng nhưng khoảng cách địa lý dường như không làm hai trái tim xa cách nhau. Trong suốt ngần ấy năm yêu nhau, chưa một ngày nào chúng tôi ngừng nhớ nhau. Và cũng chưa một lần tôi quên ngày sinh nhật của người yêu, mỗi dịp như vậy tôi lại mang hoa, quà tới đơn vị thăm anh.

Theo thời gian, chúng tôi tốt nghiệp đại học, đi làm, tình yêu của chàng sỹ quan trẻ và cô giáo ngày một mặn nồng. Anh về nhận công tác ở một đơn vị quân đội, tôi về công tác ở một trường đại học công lập. Mỗi người một công việc, nhưng cả hai đã biết sắp xếp thời gian để dành cho nhau những phút giây tình cảm. Dẫu biết rằng cuộc sống còn rất khó khăn, vất vả để vượt qua nhưng cả hai vẫn quyết tâm đến với nhau. Năm năm yêu nhau, cũng có nhiều lúc giận hờn, trách móc, có lúc đòi chia tay nhau nhưng bằng tình yêu chân thành, cả hai đã khép lại hành trình bằng một đám cưới thật hạnh phúc. Cuộc sống bước sang một trang mới khi cả hai về chung nhà, vì đã yêu nhau một thời gian dài và quá hiểu về nhau nên chúng tôi hiếm khi xảy ra mâu thuẫn. Cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng, nếu biết yêu, biết vun đắp cho tình yêu, thì dù có khó khăn bao nhiêu ai cũng đều có thể vượt qua được. Hạnh phúc không phải bỗng dưng mà có, nó chỉ được tạo dựng bởi tình nhân ái và sự thủy chung. Hãy luôn bằng lòng và cảm thấy mãn nguyện với những gì mình đang có.

Sau này, khi đã là vợ chồng, có con chung rồi, thi thoảng anh vẫn chở tôi ra bờ sông Hồng ngắm bình minh, hoàng hôn, cùng anh đi dạo và ôn lại những kỷ niệm thời yêu nhau. Tình yêu thời sinh viên của chúng tôi không có những chuyến đi du lịch sang chảnh, không được đến những nơi ăn chơi nổi tiếng, không được đi nhà hàng đắt đỏ hay quán cafe sang trọng, chỉ đơn giản là anh chở tôi đi chơi bằng xe đạp nhưng đi khắp các con phố ở Hà Nội mà không bao giờ kêu mệt. Cứ mỗi dịp anh được về thăm nhà, chúng tôi lại lang thang cùng nhau, cùng làm mọi việc bên nhau rất tình cảm, hạnh phúc. Mỗi lần tạm biệt anh để anh quay trở về trường học tiếp, hai đứa lại thổn thức nhớ thương, chờ đến ngày anh được nghỉ phép. Hồi ấy không có điện thoại di động, không có Facebook, Zalo để có thể gọi video như bây giờ nên mọi nhớ nhung đều phải kìm nén trong lòng, tình yêu vì thế mà cũng trở nên da diết, đong đầy cảm xúc, khát khao bỏng cháy hơn.

Mỗi lần có dịp hai đứa đi qua cầu Long Biên, tôi đều bảo anh dừng lại ngắm nhìn dòng sông và nhìn những cây cầu, cùng nhau hóng mát, thấy bao đổi thay của dòng sông thuở nào. Tôi thích lang thang ngắm nhìn bờ bãi và cây lá ven sông, thích ngắm bốn mùa cây lá phản chiếu trên dòng sông Hồng, thích những mùa hoa lau nở trắng, thích cả những vạt ngô non và khoai lang, thích từng đám lau lách và ngắm những người nông dân đang làm lụng ở đó. Thích nhất là được ngắm mùa hoa cải nở vàng rực bên sông. Mà hầu như với bất cứ ai, khi được cùng người yêu ngồi ngắm sông, thấy lòng cũng thư thái và cảm giác như mênh mang hơn. Đặc biệt, ngắm hoàng hôn và ráng chiều đỏ rực thì khoảnh khắc ấy rất tuyệt. Dù sau này nhiều lúc đi xa Hà Nội nhưng dòng sông Hồng vẫn chảy trong tôi. Nỗi nhớ quê dạt dào như dòng nước mát của con sông thuở trước.

Có biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui bên dòng sông quê mẹ đã in đậm trong tâm trí. Vẫn vẹn nguyên hình ảnh con sông như một phần máu thịt của mình. Nguồn nước trong lành ấy đã tưới tắm cho cây cối được xanh cành tốt trái, cho hoa thơm quả ngọt. Sông còn là nơi mưu sinh của bao phận đời cơ cực khốn khó. Sông hào phóng và bao dung như lòng mẹ, chở che, ôm ấp vỗ về những đứa con yêu. Sông còn là ân nhân đã dưỡng nuôi bao phận đời; gắn kết tình làng nghĩa xóm; tắm mát và nâng đỡ cho bao tâm hồn; là nơi lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất, hồn nhiên vô tư nhất của tuổi ấu thơ, là chứng nhân cho những mối tình đầu của chúng tôi. Những lúc chênh chao sóng gió, chỉ muốn tìm về “úp mặt vào sông quê” cho vơi bớt nỗi niềm. Ngắm nhìn sự đổi thay hàng ngày của dòng sông, tự nhiên thấy thèm được ngửi mùi nồng của bùn đất, mùi tanh của rong cỏ ven sông như ngày nào của tuổi thơ ấu. Hoài niệm cứ ùa về xen lẫn bao kỷ niệm của tuổi thơ. Sông ơi, bao giờ trở lại ngày xưa.

Đã 25 năm kể từ ngày tôi học đại học năm thứ nhất, mọi thứ đều thay đổi. Phong cảnh sông nước đẹp đẽ và hữu tình, dòng sông Hồng trở nên thơ mộng và đáng yêu hơn nhiều. Ngoài bãi soi ngoài xa là cả vạt lau đang nở hoa trắng xóa. Bãi giữa như “viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. Tổ hợp cảnh quan cầu Long Biên, bãi giữa sông Hồng trong khung cảnh bình minh và hoàng hôn đã trở thành biểu tượng đặc trưng của thành phố Hà Nội. Các dòng sông đều có vị trí rất đặc biệt trong việc hình thành nên các nền văn minh, tạo nên biểu tượng văn hóa, ảnh hưởng đến nhận thức và lối sống của xã hội. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi sông Hồng là sông Mẹ. Sông Hồng không chỉ là con sông lớn, nuôi dưỡng cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà còn là con sông ẩn chứa rất nhiều yếu tố văn hóa gắn với những nơi nó đi qua, đặc biệt là Thăng Long-Hà Nội.

Ngày nay, mỗi lần đi qua sông Hồng, ta không còn gặp những con đò với tiếng gọi tha thiết, không còn những chuyến phà trên sông mà thay vào đó là những cây cầu bằng bê tông vắt vẻo chênh vênh nối hai bờ thương nhớ. Những khi rảnh rỗi, hai vợ chồng mở nhạc nghe, có những câu hát: “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh, sóng xanh như mắt trẻ, sao giống nhau đến thế” đã làm cho chúng tôi càng nhớ thương da diết về một thời yêu đương cháy bỏng, có nhiều kỷ niệm gắn bó với dòng sông. Nơi ấy chính là quê hương của chúng tôi, là nơi có trái tim cha với những chở che, bao bọc. Là lòng mẹ bao la với những yêu thương tha thiết, vỗ về. Là nơi chứng kiến tình yêu của chúng tôi nảy mầm và lớn dần lên theo năm tháng. Tất cả những điều ấy hội tụ lại thành tình yêu ngọt ngào nâng những bước chân chúng tôi trong suốt cuộc đời.

Tôi yêu dòng sông quê tôi và thiết tha mong mỏi thành phố Hà Nội sẽ xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng. Bên cạnh đó, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và từ thành phố phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh để tận dụng các không gian khoáng đạt của cảnh quan bầu trời, mặt nước, xây dựng các công trình tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân và du khách. Ngoài hệ thống cầu, thành phố sẽ thiết lập các tuyến giao thông ngầm dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ, tổ chức các vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan bình dị, mang hơi thở làng giàu bản sắc và giàu tính chất sinh thái bản địa. Để làm được điều đó, thành phố nên tập trung vào các nhiệm vụ: quy hoạch và kiểm soát không gian; Thiết lập cơ chế, chính sách phục vụ cho quản lý sau quy hoạch; Quy trình thực hiện theo giai đoạn. Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; Thực hiện quy chế quản lý, vận hành, duy tu, duy trì.

Sông Hồng và những cây cầu cùng hai bờ của nó đáng ra có thể đẹp hơn, sạch sẽ và hoành tráng hơn, lãng mạn hơn, thi vị hơn. Giống như các nước khác, dòng sông luôn làm điểm nhấn cho du lịch, khi du khách có thể dạo bộ ven hai bờ sông hay đi thuyền trên sông. Mong sao, ước mơ ấy trở thành hiện thực, để cho du khách nơi xa về có thể ngắm cảnh, mê đắm hơn vẻ đẹp Thăng Long xưa và Thủ đô “ngàn năm Văn Hiến” yêu dấu của chúng ta. Nhất là những đôi lứa đã từng có tình yêu đẹp với biết bao kỷ niệm bên dòng sông này sẽ luôn nhớ về những hồi ức đẹp đẽ của mình bên dòng sông hiền hòa, thơ mộng. Sông muôn đời vẫn là hồn cốt quê hương, gắn bó máu thịt với con người, là nơi neo đậu của bao tâm hồn. Cho dù thời gian có chảy trôi, dòng đời có đổi thay thì trong lòng chúng tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ sông Hồng - một dòng xanh trong chảy mãi tới khôn cùng./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Thị Minh Huyền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nhớ Bưởi
    1. Chúng tôi về Bưởi, khi Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thành lập vào năm cuối thập niên 60, thế kỷ XX. Các phòng nghiên cứu công nghệ của Viện làm việc trong các dãy nhà cấp bốn của Xí nghiệp giấy Dân Việt, Hợp tác xã giấy Đông Thành, còn phòng thiết kế làm việc tại chùa Hồ Khẩu, xưởng cơ khí đặt ở căn nhà tranh tre gần cổng làng.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sông Hồng là nhân chứng cho tình yêu của chúng tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO