Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Ngọn nguồn của một bài thơ

Trương Quang Vân 10:29 23/08/2024

Ngọn nguồn ấy bắt đầu từ một buổi sáng đi khám bệnh. Sau khi xong việc trở ra, tôi ngồi uống cốc nước chè trước cổng bệnh viện Hòe Nhai.

2022072416563944094.jpg
Ảnh minh hoạ

Chủ quán nước là một bác đã cao tuổi, tóc đầu gần ngả bạc hết. Đã gần trưa, quán vắng, chỉ có mình tôi là khách. Nhưng rồi có một người nữa đi tới. Đó là một cụ ông râu tóc bạc phơ nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn. Cụ phe phẩy, chiếc quạt giấy trên tay, dáng điệu khoan thai, nét mặt phúc hậu. Chừng như người quen, bác chủ quán vồn vã:

- Cụ ạ ! Mời cụ ngồi uống nước! Cụ đã xơi cơm chưa?

- Đã - cụ già mỉm cười trả lời rồi nhẹ nhàng ngồi xuống. Tôi chợt giật mình khi nghe tiếng “đã” của cụ già. Có lẽ hơn 20 năm tôi mới lại được nghe tiếng “đã” ấy. Lần đầu, khi đến chơi nhà bạn ở phố Cầu Gỗ, tôi đã chào và hỏi như vậy với bố của người bạn. Cũng một câu “đã”, gọn lời, nhưng không hề khiếm nhã. Đó là cốt cách ăn nói rất riêng của lớp người Hà Nội mà tuổi tác có chút “xưa”.

Sau khi nhấp một ngụm trà nóng, cụ già hỏi bác chủ quán:

- Thế chiều nay các cụ vẫn chương trình ấy chứ?

- Dạ vâng. Vẫn là ba giờ ra dốc bến Đông. Riêng cụ giáo có ý sẽ dẫn thêm các cháu trong lớp học kèm cặp miễn phí của mình. Cụ ấy bảo rằng mấy khi có nhà sử học về nói chuyện ngay tại địa danh trên phố cổ nhà mình, vậy cần cho các cháu có dịp được hiểu thêm về lịch sử mảnh đất này.

Nghe tới đây tôi chợt đưa mắt nhìn suốt dọc con phố cổ đầy nắng chói chang. Phải rồi, Đường Hoè, con đường dẫn thẳng ra bến Đông Bộ Đầu. Tự nhiên những trang sách của nhà văn Hà Ân như mở ra trước mắt tôi. Đó là cuốn tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long mà tôi đã say mê nghiền ngẫm từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Đêm hôm ấy tôi ngồi viết bài thơ Đường Hòe bằng một mạch cảm xúc cứ tự nhiên dâng trào, tưởng chừng không phải suy tư gì cả.

Đường Hòe ra thẳng bến Đông

Có phải ngày trước chỉ trồng hòe thôi

Bao năm vật đổi, sao dời

Vẫn kêu tên cũ để ai đi về.

Đường xưa, bến cũ nay đã đổi thay nhiều. Đường đã thành phố cổ nhưng không còn một cây hòe nào. Khúc sông xưa cũng đổi dòng, bến cũ chỉ còn trong dĩ vãng. Nhưng vẫn còn cái gì cứ vương mãi trong lòng tôi.

Dẫu nay gạch kín vỉa hè

Dẫu nay không một tán che xanh rờn

Bến xưa vắng những cánh buồm

Mà đường xưa tưởng còn thơm hương hòe

Và cùng với đó, một thời kỳ hào hùng của lịch sử chợt ùa về. Mắt tôi như đang nhìn thấy, tai tôi như đang nghe thấy những hình ảnh và âm vang trên bến Đông Bộ Đầu từ cách đây gần tám trăm năm.

Còn đâu đây dấu ngựa xe

Trống đồng dồn nhịp, quân về chật sông

Lọng xanh che ngựa Đức Ông

Lọng vàng rủ bóng kiệu rồng hai vua

Lời hô “giết giặc” vang xa

Ầm ầm rẽ nước thuyền ra chiến trường

Tôi kết bài thơ bằng mấy dòng hoài niệm, đan xen chút ước muốn của lòng mình:

Tháng năm lưu lại phố phường

Mái mờ, ngói mốc, thoảng sương Tây Hồ

Đôi lần thoáng nghĩ vẩn vơ

“Bóng hòe xưa… đến bao giờ lại xanh?”

Thật vui khi bài thơ Đường Hòe được đăng trên báo Văn Nghệ nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ đó tôi cảm nhận được rõ nét những ấn tượng về mảnh đất địa linh, nơi mà mỗi con đường, mỗi góc phố đi qua đều ẩn chứa một địa tầng văn hóa có bề dày lịch sử. Có thể nói rằng Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi bắt đầu và hoàn tất những sự kiện trọng đại của dân tộc cùng đất nước. Phải chăng những người cầm bút như chúng ta (có nhiều người đã làm nhưng chưa đủ) hãy còn nhiều mối duyên nợ khi làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khi thể hiện những cốt cách rất riêng của chốn kinh kỳ này.

Mười mấy năm đã trôi qua, Hà Nội có biết bao nhiêu thay đổi. Con phố cổ Hòe Nhai có vẻ như không thay đổi gì ngoài sự nhộn nhịp và đông đúc hơn. Tôi vẫn thường lui tới đây, thong thả đi bộ dọc theo vỉa hè giãi nắng đến chân dốc Đông Bộ Đầu, trong lòng tưởng tượng được ngắm nhìn một bức phù điêu hoành tráng mà người ta sẽ dựng tại đây (vì địa danh này xứng đáng được như vậy), mô tả lại trận chiến lịch sử năm ấy.

Và tôi cũng luôn thầm mơ được đi dưới tán lá xanh mát, thoang thoảng mùi hương thơm dịu của hàng cây Hòe đã từng có trên con đường xưa./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trương Quang Vân. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nem Phùng ăn với lá sung nức tiếng Hà thành
    Tôi quê Kẻ Phùng. Hồi nhỏ tôi được bà ru ngủ bằng câu ca dao bóng bảy mượt mà gợi cho mọi người biết một thắng cảnh đẹp và món ăn nổi tiếng ngon. Nghe mãi tôi thuộc đến tận giờ… Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/ Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò….
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngọn nguồn của một bài thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO