Sông Hồng
Sông Hồng khởi nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn ở độ cao 1.776m, thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Sông có hướng chảy theo địa hình của vùng là: Tây Bắc - Đông Nam. Điểm tiếp cận địa phận nước ta là Hồ Khẩu (Lào Cai), dưới chân dãy
Hoàng Liên Sơn. Tính từ Nhị Đô (nơi khởi nguồn) đến cửa Ba Lạt (cửa đổ ra biển Đông) dài 1.160km, trong đó phần chảy qua nước ta là 559km. Từ Hồ Khẩu, sông Hồng chảy qua các thị xã, tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Sông Hồng có nhiều tên gọi theo đoạn chảy và theo cả thời gian. Đoạn từ Lào Cai đến ngã ba Bạch Hạc gọi là sông Thao “Sông Thao nao nức sóng dồi” (Tố Hữu). Từ Việt Trì trở đi gọi là sông Hồng, có thời kỳ còn được gọi là Lỗ Giang. Đoạn qua Hà Nội còn có các tên: sông Cái, sông Bồ Đề, sông Nhị Hà hoặc Nhĩ Hà (chảy vòng quanh như hình vành tai).
Lưu vực sông rất lớn, 146.000km trong đó lưu vực nằm trong địa phận nước ta là 70.000km”. Tổng lượng nước trung bình 122 tỷ mét khối, lưu lượng nước bình quân tại trạm Sơn Tây là 3.630m’/s, thấp nhất về mùa cạn là 840m’s, trung bình mùa lũ 7.020m’/s, đột xuất lên tới 34.200m. Lũ sông Hồng chủ yếu do lũ các phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô gây nên. Mỗi năm có thời đoạn lũ là 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch). Lũ sông Hồng cũng là mối nguy hại của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhất là với thủ đô Hà Nội. Thời gian nước lũ lên tại Hà Nội từ 3 đến 10 ngày, như vậy một con lũ có thể tồn tại từ 10 đến 28 ngày, trung bình là 16 ngày. Sông có nhiều chỗ rất rộng tới 2 - 3km, gây nguy hiểm cho các đoạn đê xung yếu. Mỗi năm, sông Hồng tại Hà Nội có khoảng 10 con lũ. Do đặc thù của lũ như vậy, nên từ xưa tổ tiên ta đã biết cách phòng lũ bằng cách đắp đê. Năm 1108 việc đắp đê dọc tuyến sông Hồng được thực hiện, đến nay toàn tuyến ở cả hai bên tả hữu ngạn sông dài tới 1.207km.
Sông Hồng là con sông có lượng phù sa lớn, độ phì cao vào bậc nhất. Tổng lượng phù sa trung bình năm là 100 triệu tấn, bình quân tại Sơn Tây là 3.610kg/s. Lượng phù sa chủ yếu trong mùa lũ chiếm 90% tổng lượng cả năm.
Sông Hồng với nguồn thuỷ lợi vô cùng phong phú, góp phần rất quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất và phòng thủ, có lượng phù sa hết sức to lớn, thường xuyên bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ Bắc Bộ và là nguồn cá đáng kể cho phong trào nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng sông Hồng. Sông Hồng đã từng là nguồn cảm hứng sáng tác của dòng nghệ thuật thi ca, hội hoạ từ bao đời nay.
Quy hoạch và các dự án phát triển hai bên sông Hồng, sẽ tạo cho Hà Nội những khu vực đô thị - dân cư - văn hoá đẹp và trù phú của Thủ đô hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01