Theo chân các núi Ba Vì và Viên Nam, sông Tích xuôi về ngã ba Ba Thá và đổ vào sông Đáy. Bên hữu ngạn sông Tích rất nhiều suối lớn nhỏ như Ba Vì, Viên Nam đổ xuống như Bến Tam, Cầu Tân, sông Hang, sông Giếng, suối Vai Ca,…; bên tả ngạn có sông Cửu Khê từ đầm làng Phương Khê chảy vào (dài 110 km), lòng sông Tích nhiều đá ngầm và bãi cạn.
Sông Tích là lối thoát nước chính của vùng núi Ba Vì, tất cả nước mưa ở sườn núi phía đông bắc đều dồn vào dòng ấy, vì vậy mà sông Tích hình thành rất sớm và xâm thực miền chân núi. Đến thời tân kiến tạo, mặt đất đã già cỗi ấy được nâng lên làm cho lòng sông bắt đầu xâm thực trở lại và đào lòng cũ xuống sâu qua một chu kỳ thứ hai, nhưng không phải trên phù sa chảy vào mà trên nền đất đã cứng lại thành đá ong, nên dòng sông không có bãi, không bên lở bên bồi như những dòng sông bình thường ở đồng bằng mà bờ dốc thẳng đứng như sông miền núi, nhưng lại uốn lượn quanh co. Con sông này đã già nhưng do mặt đất được nâng lên mà trẻ lại và đào sâu lòng cũ; đó là hiện tượng mà địa hình học gọi là trùng xâm, nghĩa là xâm thực trở lại một chu kỳ thứ hai trên dòng sông nguyên thuỷ làm cho sông có dạng địa hình già - uốn khúc quanh co, nhưng có đặc điểm trẻ - đào lòng sâu xuống. Sông Tích đã trải qua một lịch sử như vậy và là kết quả của một quá trình trùng xâm hiếm có trong các sông ngòi không những ở nước ta mà cả trên thế giới.
Về đến Xuân Mai, gặp sông Bùi từ Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) đổ vào. Đoạn này gọi là sông Bùi.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01