Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất)

Sơn Dương (t/h) 16:04 14/05/2023

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Nhà thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Đây là di tích danh nhân văn hoá có từ lâu đời, đến triều Nguyễn được tu sửa, tôn tạo, theo dòng chữ Hán trên thượng lương cho biết nhà thờ được sửa chữa lớn và hoàn thiện vào năm Duy Tân thứ nhất (1907). Ngôi nhà này chính là nơi sinh ra và lớn lên của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Sinh thời ông cho sửa sang ngôi nhà này thành học đường và đặt tên là Hoàng đạo thư đường.

Kiến trúc ngôi nhà kiểu chữ “nhị” gồm Bái đường và Hậu từ. Cửa chính ngoảnh hướng đông, xung quanh tường xây bao quanh. Qua khoảng sân rộng là toà bái đường, còn gọi là Hoàng đạo thư đường, giáp hai đầu hồi tay ngai xây hai cột trụ cao 4m, đỉnh đắp khối hình con nghê. Phùng Khắc Khoan đã sáng lập Thư đường vào năm Tân Hợi (1551) vốn là nhà ở cũ của quan Hàn lâm thị thư họ Nguyễn từ thời Trần.
Hiện nay, ngôi nhà Bái đường là toà nhà ngang có diện tích 50 m, chia làm ba gian có hai đầu hồi còn để trống. Từ ngoài sân có thể nhìn thấy Hậu từ. Hồi tường phía trong bên trái đặt ba tấm bia đã gắn vào bệ gạch. Phía trong là ngôi nhà hậu từ với diện tích 80m, hai đầu hồi xây bít đốc. Vách trước nhà là hàng cửa gỗ bức bàn.

Bộ vì đỡ mái kiến trúc kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, phía trước mặt các đầu bẩy đều khắc chữ “thợ” trên má thân, bào xoi vỏ măng còn tương đối chắc chắn. Gian giữa Hậu từ xây cuốn vòm để ngai thờ và bức chân dung Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan và nhiều đồ thờ. Ở chính gian giữa nhà hậu từ là bức đại tự sơn son thếp vàng “Trung hưng công thần từ” (đền thờ vị công thần Trung Hưng). Cỗ long ngai thờ cụ Phùng Khắc Khoan có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Nhà thờ bảo lưu nhiều hiện vật giá trị có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Ngoài 11 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng (1740 - 1786) đến thời Thiệu Trị (1841 - 1847), đáng chú ý là 4 cuốn sách chữ Hán.
Cuốn thứ nhất: bản sao chưa rõ năm chép, phần đầu “Phụ công thi tập”, phần sau “Sứ hoa thi tập”, tập hợp những bài thơ của Phùng Khắc Khoan.

Cuốn thứ hai: “Ký lục tiên tổ sự tích” lược chép tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ nôm “Đào nguyên hành” (còn có tên khác là Lâm tuyền vãn).

Cuốn thứ ba: chép các điều khoản con cháu họ Phùng được miễn lệ. Cuốn thứ tư: “Phùng tướng công phụng Bắc sứ ký” (bản sao) ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh vào năm 1598.

Nhà thờ còn giữ 3 bức lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan, 2 chiếc gậy cắm sừng hươu là kỷ vật của cụ và 3 bia đá bài “Học điền bị ký” làm năm 1897, chép tục lệ dân hai thôn Phùng Xá và Vĩnh Lộc ra phục dịch các kỳ tiệc ở nhà thờ. Bia “Từ đường bi ký” làm năm 1928 ghi số ruộng đất của nhà thờ.

Như vậy, nhà thờ này có thể coi là một bảo tàng về danh nhân Phùng Khắc Khoan.

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) quê làng Bùng, xã Phùng Xá. Sinh thời, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông không theo nhà Mạc mà bỏ vào Thanh Hoá theo vua Lê, đỗ hoàng giáp năm Canh Thìn (1580). Ông là bậc công thần tham mưu chốn cơ mật góp phần vào việc thống nhất sơn hà triều Lê Trung hưng. Năm ông 70 tuổi, ông nhận mệnh đi sứ Trung Quốc, đã đối đáp nhanh trí trong đấu tranh ngoại giao, vun đắp tình hữu nghị giữa nước ta với một số nước như là Nhật Bản, Triều Tiên. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã dạy dân xứ Đoài trồng đỗ, dân làng Bùng làm vải lượt, dân Vĩnh Lộc (Thạch Thất) làm cày bừa, vận động dân khai mương tiêu nước, đem trí tuệ và tiền của công đức xây dựng hai cây cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên ở chùa Thầy.

Phùng Khắc Khoan mất ngày 24 tháng chín năm Quý Sửu (1613). Mộ đặt cách nhà thờ khoảng 300m, gần đình làng trông về hướng bắc. Xung quanh mộ xây tường bao đá ong cao 1,2m. Phần mộ đặt lộ thiên, phía trước có hai phỗng đá. Đầu mộ xây một bệ thờ đặt hai bia đá ghi tóm tắt công trạng Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, khắc thời Tự Đức năm 1857 và 1858.

Hàng năm, dân xã Phùng Xá và các chi hậu duệ họ Phùng tổ chức giỗ cụ vào ngày 24 tháng chín âm lịch. Chi trưởng họ Phùng có tục phải sắm hai thức cúng là liễn cháo đậu xanh và ruột cà.

Vì có công với nước, có nghĩa với dân nên cụ Phùng Khắc Khoan được nhân dân tôn phong là Trạng, tục gọi là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá lưu niệm danh nhân năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”
    Thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) vừa cho biết, từ ngày 13 - 15/12/2024 tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ diễn ra Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng, các điểm di tích lịch sử và du lịch trên địa bàn quận với chủ đề “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
Đừng bỏ lỡ
Nhà thờ Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO