Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất)

Sơn Dương (t/h) 16:04 14/05/2023

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Nhà thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Đây là di tích danh nhân văn hoá có từ lâu đời, đến triều Nguyễn được tu sửa, tôn tạo, theo dòng chữ Hán trên thượng lương cho biết nhà thờ được sửa chữa lớn và hoàn thiện vào năm Duy Tân thứ nhất (1907). Ngôi nhà này chính là nơi sinh ra và lớn lên của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Sinh thời ông cho sửa sang ngôi nhà này thành học đường và đặt tên là Hoàng đạo thư đường.

Kiến trúc ngôi nhà kiểu chữ “nhị” gồm Bái đường và Hậu từ. Cửa chính ngoảnh hướng đông, xung quanh tường xây bao quanh. Qua khoảng sân rộng là toà bái đường, còn gọi là Hoàng đạo thư đường, giáp hai đầu hồi tay ngai xây hai cột trụ cao 4m, đỉnh đắp khối hình con nghê. Phùng Khắc Khoan đã sáng lập Thư đường vào năm Tân Hợi (1551) vốn là nhà ở cũ của quan Hàn lâm thị thư họ Nguyễn từ thời Trần.
Hiện nay, ngôi nhà Bái đường là toà nhà ngang có diện tích 50 m, chia làm ba gian có hai đầu hồi còn để trống. Từ ngoài sân có thể nhìn thấy Hậu từ. Hồi tường phía trong bên trái đặt ba tấm bia đã gắn vào bệ gạch. Phía trong là ngôi nhà hậu từ với diện tích 80m, hai đầu hồi xây bít đốc. Vách trước nhà là hàng cửa gỗ bức bàn.

Bộ vì đỡ mái kiến trúc kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, phía trước mặt các đầu bẩy đều khắc chữ “thợ” trên má thân, bào xoi vỏ măng còn tương đối chắc chắn. Gian giữa Hậu từ xây cuốn vòm để ngai thờ và bức chân dung Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan và nhiều đồ thờ. Ở chính gian giữa nhà hậu từ là bức đại tự sơn son thếp vàng “Trung hưng công thần từ” (đền thờ vị công thần Trung Hưng). Cỗ long ngai thờ cụ Phùng Khắc Khoan có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Nhà thờ bảo lưu nhiều hiện vật giá trị có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Ngoài 11 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng (1740 - 1786) đến thời Thiệu Trị (1841 - 1847), đáng chú ý là 4 cuốn sách chữ Hán.
Cuốn thứ nhất: bản sao chưa rõ năm chép, phần đầu “Phụ công thi tập”, phần sau “Sứ hoa thi tập”, tập hợp những bài thơ của Phùng Khắc Khoan.

Cuốn thứ hai: “Ký lục tiên tổ sự tích” lược chép tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ nôm “Đào nguyên hành” (còn có tên khác là Lâm tuyền vãn).

Cuốn thứ ba: chép các điều khoản con cháu họ Phùng được miễn lệ. Cuốn thứ tư: “Phùng tướng công phụng Bắc sứ ký” (bản sao) ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh vào năm 1598.

Nhà thờ còn giữ 3 bức lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan, 2 chiếc gậy cắm sừng hươu là kỷ vật của cụ và 3 bia đá bài “Học điền bị ký” làm năm 1897, chép tục lệ dân hai thôn Phùng Xá và Vĩnh Lộc ra phục dịch các kỳ tiệc ở nhà thờ. Bia “Từ đường bi ký” làm năm 1928 ghi số ruộng đất của nhà thờ.

Như vậy, nhà thờ này có thể coi là một bảo tàng về danh nhân Phùng Khắc Khoan.

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) quê làng Bùng, xã Phùng Xá. Sinh thời, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông không theo nhà Mạc mà bỏ vào Thanh Hoá theo vua Lê, đỗ hoàng giáp năm Canh Thìn (1580). Ông là bậc công thần tham mưu chốn cơ mật góp phần vào việc thống nhất sơn hà triều Lê Trung hưng. Năm ông 70 tuổi, ông nhận mệnh đi sứ Trung Quốc, đã đối đáp nhanh trí trong đấu tranh ngoại giao, vun đắp tình hữu nghị giữa nước ta với một số nước như là Nhật Bản, Triều Tiên. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã dạy dân xứ Đoài trồng đỗ, dân làng Bùng làm vải lượt, dân Vĩnh Lộc (Thạch Thất) làm cày bừa, vận động dân khai mương tiêu nước, đem trí tuệ và tiền của công đức xây dựng hai cây cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên ở chùa Thầy.

Phùng Khắc Khoan mất ngày 24 tháng chín năm Quý Sửu (1613). Mộ đặt cách nhà thờ khoảng 300m, gần đình làng trông về hướng bắc. Xung quanh mộ xây tường bao đá ong cao 1,2m. Phần mộ đặt lộ thiên, phía trước có hai phỗng đá. Đầu mộ xây một bệ thờ đặt hai bia đá ghi tóm tắt công trạng Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, khắc thời Tự Đức năm 1857 và 1858.

Hàng năm, dân xã Phùng Xá và các chi hậu duệ họ Phùng tổ chức giỗ cụ vào ngày 24 tháng chín âm lịch. Chi trưởng họ Phùng có tục phải sắm hai thức cúng là liễn cháo đậu xanh và ruột cà.

Vì có công với nước, có nghĩa với dân nên cụ Phùng Khắc Khoan được nhân dân tôn phong là Trạng, tục gọi là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Nhà thờ Phùng Khắc Khoan đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá lưu niệm danh nhân năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)