Nhà thờ họ Nguyễn Thế (huyện Mê Linh)
Nhà thờ họ Nguyễn Thế nằm giữa khu dân cư đông đúc của xóm Dọ, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.
Theo các cụ cao tuổi trong dòng họ, thì nhà thờ họ Nguyễn Thế được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Di tích nằm trên khu đất cao nhìn về hướng tây nam, kiến trúc theo kiểu nhà của người Việt đồng bằng Bắc bộ thời Nguyễn, gồm năm gian với 1 cột cái, 12 cột quân. Hàng chân cột hiên phía sau được thay bằng tường hậu, hai bên đầu hồi dựng tường bít đốc. Ba gian giữa có xây các bệ thờ, trong cùng đặt các khám thờ. Trong 6 vì nóc kết cấu tạo nên 6 bộ vì, liên kết bằng nhiều kiểu thức. Thì 2 vì nóc gian giữa kết cấu kiểu vì giá chiêng - chồng rường con nhị; 4 bộ vì nóc còn lại liên kết kiểu chồng rường bán giá chiêng. Trong 12 cốn nách thì ở hai bên của hai gian cạnh là 4 cốn chồng rường, khoảng không gian giữa cột cái và trụ trốn, dạ rường và 2 lưng xà nách có lát một ván nong dày chạm khắc các hình trang trí; còn lại là các vì nách kết cấu theo kiểu kẻ ngồi, kẻ này ăn mộng qua đầu cột cái chạy xuống khớp với đầu xà nách qua một mộng khác, lưng kẻ đội một ván nong dày có khoét các ổ đỡ hoành.
Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn Thế còn lưu giữ được nhiều bức chạm khắc rất đẹp cùng nhiều di vật, cổ vật độc đáo, đặc biệt là đồ thờ bằng gỗ được trang trí hoa văn tinh xảo thể hiện tài năng của các nghệ nhân dân gian.
Theo Gia phả (bản chép tay) của dòng họ ghi chép về phả hệ, những bước thăng trầm của gia tộc và công trạng của các thành viên, trong đó chú trọng ghi chép về cụ tổ Nguyễn Thế Địch, tương truyền là một vị tướng tài của Lý Thường Kiệt, có công lớn trong việc giúp nước dẹp giặc Tống. Ông được phong chức “Hồng Bạc đại vương Dương Cảnh Thành hoàng” và cũng được phụng thờ ở làng Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Nhà thờ họ Nguyễn Thế đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01