Văn học - Nghệ thuật

Người cách tân và đạt đỉnh cao của nghệ thuật hiện thực

Khánh Thư thực hiện 07/07/2023 17:04

Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được ghi nhận bởi những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996); tác phẩm sơn mài “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ” được công nhận là bảo vật quốc gia; một đường phố ở Mỹ Tho quê hương họa sĩ Nguyễn Sáng được mang tên ông. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sáng, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội có cuộc trao đổi với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam thời kỳ đổi mới để hiểu hơn về cuộc đời và những cống hiến của ông.

anh-4.jpg
Chân dung tự họa của họa sĩ Nguyễn Sáng.

PV: Thưa họa sĩ Đặng Thị Khuê, được biết họa sĩ Nguyễn Sáng là người Nam bộ, vậy nhưng cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của ông lại gắn liền với đất Bắc, đặc biệt là Hà Nội?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Đúng vậy, họa sĩ Nguyễn Sáng từng nói “không có Hà Nội thì cũng không có Nguyễn Sáng”. Ông sinh tại Mỹ Tho, năm 13 tuổi ông học trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định hệ 4 năm. Đến năm 17 tuổi, ông ra Bắc học khóa 14 Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương - ngôi trường được coi là sáng giá nhất Đông Dương lúc ấy. Và cũng từ đó ông gắn bó với đất Bắc, với Hà Nội. Hà Nội thực sự là cái nôi của nghệ thuật Nguyễn Sáng kể từ ngày ấy.

PV: Là lớp nghệ sĩ cách mạng đầu tiên hẳn cống hiến của ông có ở nhiều lĩnh vực?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Như hầu hết các họa sĩ thời đó, Nguyễn Sáng tham gia kháng chiến ngay từ buổi đầu (khi chưa kết thúc khóa học) và tham dự vào mọi lĩnh vực của đời sống kháng chiến trong tư cách nghệ sĩ chiến sĩ. Ông từng tham gia vẽ mẫu giấy bạc (tiền giấy), mẫu tem thư; vẽ những pano khổ lớn treo ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tranh cổ động tuyên truyền địch vận; tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… Ngoài ra, ông còn tham gia vẽ minh họa sách báo và sáng tác. Tiêu biểu cho các tác phẩm về đề tài chiến tranh của ông phải kể tới: “Giặc đốt làng tôi”, “Nghỉ trưa”, “Trú mưa”, “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ”, “Thành đồng Tổ quốc”… Về đề tài bình dị trong cuộc sống, nổi bật là các tác phẩm: “Thiếu nữ bên Hồ Gươm”, “Thiếu nữ Việt Nam”, “Thánh Gióng”, “Chùa Tháp Phổ Minh”, “Thiếu nữ và hoa sen”, “Múa vòng”, “Thống nhất”, “Thiếu nữ trong vườn chuối”, “Chọi trâu”, “Đấu vật”… Ngoài ra, ông còn thành công với các bức chân dung tự họa, chân dung nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Dương Bích Liên…

Có thể nói ở lĩnh vực nào Nguyễn Sáng cũng có những cống hiến xuất sắc. Có lẽ những trải nghiệm dấn thân thời trai trẻ ấy đã khơi nguồn sáng tạo trong ông để rồi để có được những hình tượng nghệ thuật đậm đặc bề dày sự sống, làm nên những tác phẩm xuất sắc sau này, là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử.

anh-1.jpg
“Kết nạp Đảng tại chiến trường Điện Biên Phủ” (sơn mài, 1963) - một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

PV: Triển lãm cá nhân đầu tiên cũng là duy nhất của họa sĩ Nguyễn Sáng tổ chức năm 1984 được ông coi như lần sinh nhật thứ hai của mình. Là người tổ chức triển lãm, xin bà cho biết lý do nào cho sự lựa chọn ấy, trước đó từng có triển lãm cá nhân chưa và vì sao triển lãm trở thành sự kiện?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Vâng, bấy nhiêu mà đã 39 năm rồi. Trước đó, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm cá nhân cho họa sĩ lão thành Nguyễn Phan Chánh vào năm 1978 và họa sĩ Trần Văn Cẩn vào năm 1980, giới thiệu toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật của hai danh họa thế hệ đầu tiên của nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Sáng tổ chức vào tháng 7/1984 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở đầu cho một thời kỳ mới và cũng là thời kỳ phát triển nghệ thuật đương đại trong xu thế hòa nhập vào khu vực và thế giới. Thời kỳ chuyên nghiệp nghệ sĩ cá nhân đóng vai trò quyết định, thời kỳ xã hội hóa các sản phẩm sáng tạo nhằm đưa nghệ thuật vào đời sống…

Thành quả sáng tạo gần 40 năm của họa sĩ Nguyễn Sáng với hơn 100 tác phẩm gồm nhiều chất liệu được giới thiệu tại triển lãm là minh chứng cho những thành tựu đỉnh cao của ông trong sáng tạo chuyên nghiệp, sự dấn thân cho nghệ thuật cách mạng và xã hội của nghệ sĩ, đặc biệt là sự độc đáo của cá tính sáng tạo trong cách tân ngôn ngữ. Triển lãm của ba tác giả Nguyễn Sáng (1984), Bùi Xuân Phái (1984), Nguyễn Tư Nghiêm (1985) đã tạo bước ngoặt quan trọng trong sự chuyển đổi ngôn ngữ nghệ thuật và các hoạt động nghệ thuật cho cả một thời kỳ. Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân trong một bài viết về triển lãm của họa sĩ Nguyễn Sáng đã nhận xét: “cả mấy trăm cuộc đời sôi nổi ập vào triển lãm… ta có thể hình dung không khí ngày đó lẫn tầm ảnh hưởng của sự kiện”.

PV: Đời sống cá nhân nghệ sĩ có liên quan đến sáng tạo nghệ thuật rất nhiều. Với họa sĩ Nguyễn Sáng chắc hẳn bà cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về ông?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Văn là người, và mọi sáng tạo điều như vậy. Nhưng nghệ sĩ thì thường không chỉ sống một cuộc đời. Tầm vóc xúc cảm và tầm cỡ tư duy của những tài năng lớn không bó hẹp vào đời sống cá nhân mà hàm chứa cả tinh thần thời đại. Những cá tính và tư chất của họ luôn in dấu cội nguồn văn hóa - thứ làm nên tính cách đặc thù và cá biệt không thể trộn lẫn. Nếu không phải là người Nam bộ chắc Nguyễn Sáng không thể cống hiến cho đời một cái nhìn hào sảng và phân minh đến như vậy. Tuy nhiên, trong ông còn có khả năng tích hợp nhiều phẩm chất đa dạng khác, thể hiện ở lối ứng xử chân thành mà mực thước, sự tinh tế tao nhã trong ẩm thực.

Ấn tượng đáng nhớ nhất với ông là câu nói ngắn gọn trong buổi khai mạc triển lãm của mình năm 1984: “Tôi chẳng có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng” và đề nghị của ông với riêng tôi “em gắng mặc chiếc áo dài và đứng cạnh anh hôm khai mạc nhé”. Mãi sau này tôi mới vỡ ra, có lẽ chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội (sau triển lãm, họa sĩ Nguyễn Sáng vào Nam sinh sống) và với cả người vợ đã khuất của mình. Thật tiếc, chỉ vài năm sau là ông mất.

anh-2.jpg
Tác phẩm “Thiếu nữ và hoa sen” (sơn dầu, 1972) của họa sĩ Nguyễn Sáng. Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

PV: Theo bà, vị thế xưa và nay của họa sĩ Nguyễn Sáng có gì khác khi nghệ thuật và thời đại đã đổi thay và ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với lớp nghệ sĩ sau này?

Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng. Giờ đây nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm những trang mới nhưng tấm gương sáng tạo và nhân cách sống của ông thì còn mãi. Hy vọng rằng một ngày nào đó không xa, Việt Nam sẽ có một Bảo tàng nghệ thuật đương đại, và trong đó không thể thiếu được một phòng tranh của riêng ông - một trong 4 trụ cột của mỹ thuật hiện đại Việt Nam (Sáng, Nghiêm, Liên, Phái)./.

Bài liên quan
  • Vùng làng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Vùng làng của tác giả Phạm Tiến Duật.
(0) Bình luận
  • Ra mắt bộ sách ảnh “Saigon 365” chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng và con trai - Nguyễn Huỳnh Bách, vừa ra mắt bộ sách ảnh streetlife (Cuộc sống đường phố) mang tên “Saigon 365” tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh.
  • Cơ hội khám phá thế giới sách tranh thiếu nhi UK
    Từ ngày 21/3 đến ngày 28/3/2025 tại NXB Kim Đồng, 55 Quang Trung, Hà Nội sẽ diễn ra "Tuần lễ sách tranh thiếu nhi UK: Khám phá, Mơ mộng, Sáng tạo". Đây là một hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm giới thiệu tinh hoa sách tranh thiếu nhi Anh quốc đến độc giả Việt Nam.
  • Phát động Cuộc thi văn xuôi “Trang viết và cuộc sống"
    Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phát động Cuộc thi Văn xuôi “Trang viết và cuộc sống” trên tạp chí Văn nghệ Ninh Bình năm 2025 với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”.
  • Di sản nét mực: Cuộc thi viết toàn cầu cho người trẻ Việt Nam 2025
    Với sứ mệnh tôn vinh văn hóa và bản sắc Việt, cuộc thi "Di sản nét mực: cuộc thi viết toàn cầu cho người trẻ Việt Nam 2025" (Legacy in Ink: Vietnamese Writers’ Global Contest) chính thức khởi động với chủ đề "Bản sắc chúng ta". Đây là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới khẳng định tiếng nói của mình qua ngòi bút.
  • Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
    Ngày 12/2/2025, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ chính thức được tổ chức với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Đây là lần đầu tiên sự kiện thơ lớn này được tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc đưa Ngày thơ Việt Nam đến gần hơn với công chúng cả nước.
  • Phát triển văn học Việt Nam trong thời kỳ mới (Bài 2): Khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh nội sinh
    Dự thảo “Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng, dự kiến được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, tạo sức mạnh nội sinh để văn học nước nhà bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người cách tân và đạt đỉnh cao của nghệ thuật hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO