Miếu Voi Phục (quận Hà Đông)
Miếu Voi Phục hiện tọa lạc ở thôn Thương Mạo, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.
Miếu thờ 5 người con của Đức Chúa Ba (Lý Thị Ngọc) là: Trình Xuân, Trình Duyên, Trình Nghiêm, Trình Lang và Trình Tiến. Cả 5 người con tài ba đó đã cùng mẹ là Lý Thị Ngọc tham gia chiến đấu kiên cường trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 sau Công nguyên), được mọi người dân Việt Nam biết đến với niềm tự hào và kính trọng sâu sắc. Tham gia cuộc khởi nghĩa vĩ đại ấy, không chỉ có các tướng lĩnh, quân sĩ là nam giới mà còn cả một đội ngũ đông đảo phụ nữ tham gia, họ là những chiến tướng xinh đẹp và mưu lược hơn người. Thần tích còn ghi: Xưa, tại xã Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang có một tù trưởng tên là Đặng Công Thành, kết duyên với bà Lý Thị Ngọc cùng quê. Ông bà vốn là người tu nhân tích đức, hay làm phúc cứu người. Năm năm sau, ông bà về xã Kim Cốc, tổng Bài Trượng cư trú và sinh được 5 người con trai, đặt tên là Trình Xuân, Trình Duyên, Trình Nghiêm, Trình Lang và Trình Tiến. Bà Lý Thị Ngọc, sau khi chồng mất, vất vả nuôi dạy con, nhưng trước cảnh đất nước đang lầm than dưới ách đô hộ của nhà Hán, muốn đem tâm giúp nước cứu dân và cũng đặt niềm tin vào các con mình. Vào năm các vị 16 tuổi, vua Đông Hán sai Tô Định làm Thái thú sang cai trị nước ta. Tô Định vốn dĩ tham tàn bạo ngược, làm cho người người oán trách, khắp nơi nhân dân nổi dậy chống lại Tô Định.
Bà Lý Thị Ngọc lãnh đạo nhân dân chống lại giặc. Tô Định đã mang quân về Chương Đức để đàn áp cuộc nổi dậy do bà và các con đứng đầu. Tại bến đò Tân Độ, thế giặc mạnh, bà và các con quyết định tạm rút binh lui về vùng Kim Cốc để củng cố lực lượng. Mẹ và các con lãnh đạo nhân dân vùng Kim Cốc thiết lập ba đồn luỹ để chống lại Tô Định. Tô Định biết vậy nên đem quân bốn mặt vây chặt, nhưng mẹ con bà lên ngựa cầm đao ra trận, chém được hơn 100 đầu giặc, phá được vòng vây rút lui. Để tìm kế giết giặc, các vị bèn về chùa Hương Lang, xin tu hành tại đó để che mắt kẻ thù. Ngày ngày, các vị đèn hương, niệm Phật dưới bóng vị trụ trì là Đạo Uẩn Thiên. Ở đây một thời gian, các vị lại về củng cố ba đồn binh cũ ở Kim Cốc. Tại chùa Linh Ứng cạnh xã, nhân dân lại kéo đến rất đông để thăm hỏi tình xưa nghĩa cũ. Sáu mẹ con bà đã giác ngộ cho người dân Kim Cốc và nhân dân quanh vùng nuôi chí giết giặc, quyết một lòng cùng mẹ con bà chiến đấu giải phóng đất nước. Từ đấy, chùa Linh Ứng trở thành cơ sở để rèn luyện khí giới, tập quân mã, nhân dân các nơi, hào kiệt các chốn, lần lượt cả trai và gái đều quy tụ về. Có tới 50 vị tướng nam nguyện làm gia thần thủ túc. Bà Lý Thị Ngọc còn chiêu mộ được 40 vị nữ làm tuỳ tùng, nội vệ. Các tướng lĩnh của bà đều tinh thông võ nghệ, quân sĩ mỗi ngày một mạnh, thêm đông, tiếng tăm nổi lên như cồn, hùng cứ một phương.
Nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, được các nơi hưởng ứng, sáu mẹ con bà liền cất quân về tụ nghĩa dưới trướng Hai Bà. Hai Bà Trưng liền phong bà làm “Chiêu Dung công chúa”, phong các con bà là Tiều hậu Tả hữu trung quân Đại tướng quân.
Sau lễ tế cờ ở Hát Môn, Hai Bà Trưng chia binh tướng xung trận làm hai đội. Ông Trình Xuân, Trình Duyên chỉ huy mũi tiên phong. Bà Trưng và bà Lý Thị Ngọc ở mũi trung phong.
Các đạo tả hữu đều xung trận hợp đồng, tiếng chiêng trống vang dội, cờ bay rợp đất. Quân sĩ do các bà chỉ huy hùng dũng xung trận, giáp chiến, giặc bị chém xác đầy cửa sông, nước không chảy được, ngoài ra giặc bị bắt sống rất nhiều, Tô Định đại bại, giang sơn thu về một mối đủ cả 65 huyện thành. Bà Trưng xưng vua, phong bà Trưng Nhị làm “Bình Khôi công chúa”, phong bà Lý Thị Ngọc là “Chiêu Dung công chúa”, luận công khen thưởng các tướng sĩ, truy phong cho cả những người đã hy sinh.
Đất nước thanh bình, sáu mẹ con bà về quê hương cũ thăm mộ Đặng công. Ngày mùng 6, bỗng nhiên trời đất mịt mù, trên sông các loài thuỷ tộc như thuồng luồng, nghề kình nổi lên, nhân dân thấy các vị xuống thuyền và không thấy trở lại. Tin đến Hai Bà Trưng, Hai Bà đau buồn khôn xiết, truyền lệnh phong mỹ tự cho các vị và cho xây dựng ba đền thờ ở Kim Cốc. Nhân dân các nơi lập đền phụng thờ, trong đó có nhân dân thôn Thượng Mạo lập miếu thờ 5 người con của ông Đặng Công Thành và bà Lý Thị Ngọc (Chúa Ba).
Miếu Voi Phục toạ lạc trên một thế đất đẹp đầu làng có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, gồm Đại bái và Hậu cung. Ngoài ra, còn Nghi môn, hệ thống tường bao hoàn chỉnh.
Nghi môn miếu Voi Phục được làm theo kiểu thức truyền thống với hai trụ biểu tạo thành một lối đi chính. Đại bái miếu Voi Phục là ba gian nhà ngang, hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri cổ, kết cấu các bộ vì toà Đại bái được làm theo kiểu thức khác nhau: Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu vì kèo đơn giản, hai bộ vì áp hồi được làm theo kiểu thượng ván mê hạ kẻ. Có một điều đặc biệt là kẻ vươn ra đầu cột hiên được kê trên lưng một con rồng, con rồng này được cổ nhân chạm khắc khá công phu mang phong cách thời Nguyễn. Hậu cung miếu Voi Phục là một ngôi nhà dọc hai gian, hồi bít đốc, các bộ vì cũng tương tự như bộ vì gian giữa toà Đại bái với kiểu thức kèo kẻ đơn giản, hoành, rui chủ yếu được bào trơn, soi gờ kẻ chỉ trên chất liệu gỗ tứ thiết.
Miếu Voi Phục là căn cứ hoạt động bí mật của các cán bộ Việt Minh từ tháng 3 năm 1948 đến tháng 11 năm 1952. Đây là nơi ngăn chặn, phục kích đánh bọn tuần bốt hương dũng khi chúng lùng sục cán bộ hay đàn áp nhân dân.
Lễ hội ở miếu Voi Phục lại có liên quan chặt chẽ với việc mở hội ở đình, tổ chức hằng năm vào ngày mùng 3 đến ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Ngày mùng 4 là ngày sinh Thành hoàng, đây là ngày hội lớn của làng Thượng Mạo, mọi người, mọi nhà đều tấp nập sửa soạn hành lễ cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với muôn người, muôn nhà.
Miếu Voi Phục đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02