Danh thắng & Di tích Hà Nội

Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 14:46

Làng Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.

lang-van-phuc.png
Cổng vào làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Làng Vạn Phúc nằm bên dòng sông Nhuệ Giang, được phân bố trên một dải đất hình thoi giáp đường liên tỉnh Hà Đông - Sơn Tây không những nổi tiếng về nghề dệt lụa cổ truyền mà còn là một miền quê giàu về di tích lịch sử và truyền thống cách mạng.

Theo tấm bia đá lưu giữ ở văn chỉ của làng, Vạn Phúc xưa có tên gọi là Vạn Bảo thuộc xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Đến thời Nguyễn do phân định lại địa giới hành chính, xã Thượng Thanh Oai có bốn thôn là Cầu Đơ, Kiều Trì, Văn Quán và Vạn Bảo. Riêng làng Vạn Bảo nằm biệt lập ở bên kia sông (Cầu Am) nên đã đổi lệ thuộc vào tổng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Cuối thế kỷ XIX, do kiêng tên húy của vua Thành Thái (1889 - 1906) là Bảo Lân, nên đổi tên gọi là Vạn Phúc như ngày nay. Trước đây, Vạn Phúc là một xã “nhất xã, nhất thôn”, cư dân trong làng được chia thành 05 xóm với những cái tên mộc mạc, thân quen: xóm Ngoài, xóm Trong, xóm Giữa, xóm Lê, xóm Quán. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tên các xóm được đổi thành: Đoàn Kết, Quyết Tiến, Bạch Đằng, Hồng Phong, Hạnh Phúc, Chiến Thắng và Độc Lập.

Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 1.240.000m’ trong đó đất ở là 185.000m’ và đất trồng trọt là 1.055.000m. Mật độ dân đông đúc gần như thành phố: 1620 người/km. Hiện nay làng Vạn Phúc có tên gọi hành chính là phường Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, có 6 khối, 3 cổng ra vào làng với đầy đủ các công trình tín ngưỡng tôn giáo như: đình, chùa, miếu... Là một làng dệt lụa cổ truyền, cơ cấu kinh tế làng Vạn Phúc cũng có những đặc trưng riêng với hai nghề chính là nghề nông và nghề dệt.

Nghề nông giữ vị trí quan trọng nhưng không chiếm ưu thế. Hầu hết các gia đình đều có ruộng nhưng chỉ tập trung vào làm nghề dệt. Ruộng đất của làng ít (tổng diện tích đất gieo trồng của Vạn Phúc là 285 mẫu Bắc Bộ), năng suất lúa thấp, vì thế, phần lớn các gia đình sống hoàn toàn bằng nghề dệt và nghề dệt chiếm ưu thế trong tổng thu nhập. Hiện tượng này không chỉ thấy ở riêng Vạn Phúc mà còn thấy ở một số các làng dệt cổ truyền khác ở Hà Đông.

Nghề dệt ở Vạn Phúc ra đời từ rất sớm. Theo ngọc phả hiện còn lưu ở đình, vào thời nước ta còn đang nội thuộc nhà Đường, ở phương Bắc, tại châu Tụ Long, đạo Tuyên Quang có một gia đình dòng dõi vua Hùng. Ông họ Hùng tên Thụy, là người tài đức kiêm toàn. Vợ ông họ Phạm tên Khương, là trang thục đức nổi danh. Ông bà là người hiền lành, nhân hậu, chăm làm việc thiện, tiếng đồn vang khắp xa gần. Sau, ông bà sinh được một người con gái, mặt hoa da phấn, thông minh tài trí. Ông bà vô cùng yêu quý, bèn đặt tên cho con là Ả Lã. Khi lớn lên sắc đẹp của nàng càng thêm lộng lẫy. Bấy giờ có tên viên đô hộ sứ nhà Đường tên là Cao Biền rất ngưỡng mộ danh tiếng của nàng, bèn tìm đến kết mối nhân duyên. Ông bà Hùng Thụy vui vẻ chấp nhận. Sau đó Cao Biền đưa Ả Lã về phủ trị ở La Thành, phong làm Nga Hoàng đệ nhị cung phi. Cao Biền thường hay đưa bà Ả Lã đi thăm thú đất nước. Một hôm, về đến trang Vạn Bảo, thấy phong cảnh hữu tình, sông ngòi chằng chịt như gấm thêu, bà liền xin với Cao Biền cho ở lại nơi đây. Sau này Cao Biền được triều đình phương Bắc điều động về nước, bà Ả Lã ở lại cùng dân làng Vạn Bảo dạy dân canh cửi, tầm tang. Khi bà mất, dân làng lập miếu thờ và tôn bà là thành hoàng làng. Các triều đại phong kiến Việt Nam sau này đều ban cấp sắc phong cho phép nhân dân thờ tự, ngàn năm hương khói. Hiện nay ở đình làng Vạn Phúc còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Ngoài ra, để tưởng nhớ vị Thành hoàng làng đã có công dạy dân nghề dệt, hàng năm, dân làng Vạn Phúc thường tổ chức các lễ hội truyền thống vào các ngày 13 tháng giêng, từ 5 - 8/1, từ ngày 9 - 11/8 và các lễ xuống đồng, lễ cơm mới, lễ Tống hoàng trùng,... Nghề dệt cổ truyền đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục tập quán cũng như tâm lý tình cảm của người dân Vạn Phúc.

Xưa nay, người Hà Đông rất tự hào bởi quê hương mình có làng dệt lụa Vạn Phúc. Lụa tơ tằm là loại hàng dệt cao cấp chủ yếu dành cho người khá giả. Triều đình nhà Nguyễn đã từng coi lụa, gấm, vóc của Vạn Phúc là thứ hàng cao sang dùng nơi cung thất. Sản phẩm lụa Vạn Phúc đã có mặt ở khắp mọi nơi và lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường thế giới vào năm 1938 tại Hội chợ Macxây thuộc nước Cộng hoà Pháp. Hiện nay, lụa Vạn Phúc có mặt trên thị trường nhiều nước từ châu Á đến châu Âu, ở đâu cũng được ưa chuộng và trở thành một thương hiệu nổi tiếng:

“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”.

“The La, lụa Vạn, vải Canh

Nhanh tay đi bán, ai sành thì mua”.

“Vạn Phúc có cây ngô đồng

Có nghề dệt lụa, có nghề xe tơ”.

Đến Vạn Phúc hiện nay, người ta không chỉ biết đến Vạn Phúc có nghề dệt lụa truyền thống, mà người ta biết đến Vạn Phúc còn là một làng quê cách mạng - một địa chỉ ATK của Xứ ủy Bắc Kỳ trong những năm 38 - 45 của thế kỷ XX. Với truyền thống yêu nước và với đặc điểm của làng nghề, người Vạn Phúc sớm có điều kiện tiếp xúc với cách mạng. Từ những năm đầu tiên của Mặt trận Bình dân, sách báo tiến bộ từ Hà Nội đưa vào đã được thợ thủ công, nông dân, người làm thuê đón đọc. Do vậy, Người dân nơi đây đã sớm tham gia vào các tổ chức như: Hội Ái hữu tương tế để đoàn kết đấu tranh, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Năm 1937, dân làng Vạn Phúc đã làm bẽ mặt tên Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, khi hắn đưa Gôđa, đặc phái viên của Chính phủ Bình dân Pháp xuống thăm làng kiểu mẫu, làng do hắn đích thân đỡ đầu. Cuộc đón tiếp Gôđa hôm đó đã biến thành một cuộc đấu tranh tố cáo chính sách cai trị của Pháp, lên án bọn quan lại Nam triều tham nhũng độc ác và đưa đơn thỉnh nguyện lên Chính phủ Pháp, rồi hàng loạt cuộc đấu tranh chống ăn cướp công điền, công thổ, chống nâng cao mức thu thuế lụa tấm. Tiếng vang về các cuộc đấu tranh của nhân dân làng Vạn Phúc đã vượt ra ngoài biên giới. Năm 1939, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết “tháng 6/1938... 3000 nông dân làng Vạn Phúc (Hà Đông) chống bán ruộng công”. Tháng 8/1941, Mặt trận Việt minh Hà Đông đã ra mắt vào ban đêm ngay trên cánh đồng làng Vạn Phúc, trước sự chứng kiến của mấy trăm hội viên ở Vạn Phúc, La Cả và các làng xung quanh.

Đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, Vạn Phúc cũng là xã đầu tiên của Hà Đông nổi dậy cướp chính quyền. Chỉ trong một đêm tất cả bọn hào lý, chức dịch đã bị bắt và sáng hôm sau chính quyền cách mạng đã ra mắt đồng bào.

Sở dĩ phong trào cách mạng ở Vạn Phúc phát triển mạnh mẽ như vậy vì ngay từ những năm 1936 -1937, các đảng viên cộng sản đã về bắt mối xây dựng cơ sở (trong đó có đồng chí Xinh Cổ). Tháng 6 năm 1938, chỉ bộ Vạn Phúc đầu tiên được thành lập gồm 03 đảng viên: đồng chí Tý gầy, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc và một đồng chí vốn là thợ dệt cửi thuê (đồng chí Phương đen). Từ ngày thành lập cho tới Cách mạng tháng Tám, mặc dù bị khủng bố liên tiếp, lần lượt 04 bí thư chi bộ và nhiều đảng viên cùng nhiều quần chúng cốt cán bị giặc Pháp cầm tù, song đồng chí này bị bắt, đồng chí khác lên thay, đảm bảo chi bộ luôn có người lãnh đạo, không lúc nào để phong trào không có đảng viên nòng cốt.

Đặc biệt, trong suốt 7 năm (từ năm 1938 - 1945), Vạn Phúc được chọn là một điểm trong an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ. Hơn 70 đồng chí lãnh đạo và cấp ủy Đảng từ Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy đã đi lại, hoạt động ở Vạn Phúc như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Văn Thụ... Các trạm liên lạc của Trung ương, cơ quan in báo Cứu quốc về ở và làm việc tại đây, mặc dù đã nhiều lần nằm giữa các đợt vây ráp của địch, nhưng đều được bảo vệ an toàn, không một lần bị lộ. Người Vạn Phúc đi tham gia cách mạng, trực tiếp đưa đón cán bộ cấp trên khi bị bắt, bị đánh đập, khảo tra chết đi sống lại, bị kết án cộng lại đến hơn 100 năm tù nhưng không một ai khai ra cán bộ Đảng ở trong làng.

Sau ngày hòa bình lập lại, đã có 48 gia đình ở Vạn Phúc được Đảng và Nhà nước tặng bằng có công với nước, kỷ niệm chương và ghi sổ vàng để ghi nhớ công lao của nhân dân trong việc nuôi giấu, bảo vệ và ủng hộ cách mạng. Đây là những gia đình tiêu biểu, còn thực chất là cả làng đã đồng tâm, đồng sức bảo vệ cách mạng, bảo vệ các đồng chí của Đảng về hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng ở Vạn Phúc.

Cũng tại làng Vạn Phúc, Đảng ta đã có cuộc hội nghị trù bị trước khi đi dự Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) do Bác Hồ trực tiếp chủ trì ở Pắc Bó (Cao Bằng). Tháng 8 năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ cũng tổ chức họp tại đây để quyết định tiến hành khởi nghĩa trong toàn xứ.

Ngoài ra, Vạn Phúc tiếp giáp với quốc lộ 6 (đường giao thông ra vào thủ đô Hà Nội) và tỉnh lộ 70 (Sơn Tây - Hòa Bình) rất thuận tiện, vả lại Vạn Phúc không cách quá xa trung tâm Hà Nội, đáp ứng được yêu cầu nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời của Bác, từ ngày 3/12/1946 đến ngày 19/12/1946 các đồng chí trong Ban công tác Đội Trung ương (do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách) đã đón Bác và làm việc tại Vạn Phúc trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Phát huy truyền thống anh hùng trên quê hương cách mạng cùng với một hướng đi đúng cho sự phát triển của làng nghề, Vạn Phúc đang dần trở thành một trọng điểm du lịch làng nghề - văn hóa - lịch sử của Hà Đông và thủ đô Hà Nội./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO