Danh thắng & Di tích Hà Nội

Khu lưu niệm Bác Hồ với Lỗ Khê (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 06/10/2023 16:44

Trước Cách mạng tháng Tám, Lỗ Khê là một xã của huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Từ năm 1961 đến nay Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

khu-luu-niem-bac-ho-voi-lo-khe-xa-lien-ha-huyen-dong-anh(1).jpg
Khu lưu niệm Bác Hồ với Lỗ Khê tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Lỗ Khê luôn đi đầu đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn. Vinh dự và tự hào cho nhân dân Lỗ Khê nói riêng và Liên Hà nói chung khi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Suốt chiều dài lịch sử của Lỗ Khê, không ai quên được tết Nguyên đán Giáp Thìn (13/02/1964) năm ấy, một cái tết thật vui, thật đầm ấm. Những người dân Lỗ Khê được đón Bác, bồi hồi xúc động lại kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Bác về thăm Lỗ Khê vì nơi đây có phong trào làm thuỷ lợi chống úng, cải tạo vùng đất trũng chuyển đổi từ trồng lúa sang thả cá cho phù hợp với điều kiện địa hình của thôn, đồng thời đây cũng là một trong những địa phương có phong trào tiết kiệm sôi nổi của huyện Đông Anh.

Từ sáng sớm tinh mơ ngày mồng 1 tết, Bác Hồ và các đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương, Thành phố Hà Nội đã về làng Lỗ Khê. Đón Bác có các đồng chí cán bộ huyện, xã và nhân dân Lỗ Khê. Vì không được báo trước là Bác Hồ về thăm nên khi thấy Bác, tất cả reo lên Bác Hồ! Bác Hồ! Bác cùng với đoàn vào thăm và chúc tết gia đình bà Nguyễn Thị Nga có hai con là liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Quát có chồng là liệt sĩ, sau đó Bác còn vào một số gia đình khác trong thôn để thăm hỏi, chúc tết nhân dân. Vừa đi Bác vừa hỏi và căn dặn cán bộ và nhân dân kế hoạch trồng cây thế nào, nhà cửa có gọn gàng ngăn nắp không, cố gắng giữ vệ sinh môi trường cho sạch sẽ. Khi ra đến đình Lỗ Khê, Bác đọc hai câu thơ được ghi trên tường:

Đón xuân mở hội làm giàu.

Mừng xuân cần kiệm lúa mẫu tốt tươi.

Bác khen nội dung của hai câu thơ rất tốt, rất thiết thực cần phát huy hơn nữa. Bác hỏi: Ngày Tết thì nhân dân tổ chức thi gì? Thưa Bác chúng cháu thi trâu bò béo khoẻ, thi cấy, thi cày, và thi thơ ạ! Bác khen làm được như vậy là tốt. Khi nghe thông báo toàn dân ra đình nghe cán bộ Trung ương về chúc tết và khi nghe tin Bác Hồ về thì sân đình đã đông đúc, người đứng chật như nêm, mọi người im lặng, mọi ánh mắt đều hướng lên khuôn mặt Bác, nhìn đôi mắt sáng, nụ cười đôn hậu, chòm râu bạc thân quen. Bác đứng đó, gian giữa nhà tiền tế của đình, lưng Bác chếch về hướng tây. Một cử chỉ rất nhỏ thế thôi như nhắc nhở con cháu không được quay lưng vào tổ tiên, không được coi nhẹ truyền thống dân tộc. Bác giơ tay vẫy ra hiệu mọi người ngồi xuống. Bác nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về làng ta thăm hỏi và chúc tết các cụ và dân làng ta nhân dịp đầu xuân mới”. Rồi Bác giới thiệu với dân làng các đồng chí lãnh đạo trung ương và thành phố cùng đi với Bác.

Bác hỏi:

- Dân làng có biết vì sao Bác về thăm làng ta không? Chưa có ai kịp trả lời thì các cháu thiếu nhi đồng thanh đáp:

- Thưa Bác! Làng có phong trào tiết kiệm ạ.

Bác tươi cười khen các cháu thiếu nhi ngoan, trả lời đúng nhưng chưa đủ. Bác nói: Làng ta có phong trào cần kiệm xây dựng hợp tác xã, và giải thích từ “cần” là cần cù siêng năng trong lao động, “kiệm” là tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng.

Đột nhiên Bác hỏi:

- Tiết kiệm là gì?

Trong lúc mọi người, còn chưa tìm ra câu trả lời cô đọng nhất thì các cháu thiếu nhi đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác, tiết kiệm là không lãng phí ạ.

Bác khen các cháu nói rất đúng và nói tiếp: Cán bộ xã viên đã làm được việc tốt nhưng không được cho như vậy đã là quý rồi, không cần học tập ai nữa, mà phải thấy đây mới chỉ là thắng lợi bước đầu, không được chủ quan thoả mãn mà phải thấy còn nhiều cái kém cần phải làm cho tốt hơn. Bác chỉ ra những mặt còn yếu là vệ sinh làng xóm chưa tốt, chăn nuôi, hoa màu, trồng cây còn chưa mạnh. Bác hỏi dân làng có làm tốt được những việc Bác chỉ ra không? Toàn dân đồng thanh đáp “Chúng cháu làm được ạ”.

Tiếp đó Bác bảo anh Thất, người Lỗ Khê bắt nhịp bài ca Kết đoàn để Bác hát cùng nhân dân. Cả làng cùng hát vang bài ca Kết đoàn và lưu luyến tiễn Bác ra xe.

Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác kính yêu đã dành cho Lỗ Khê gần một tiếng đồng hồ, quả là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Hình ảnh thân thương của Bác ngày nào như vẫn còn đây, Lỗ Khê luôn làm theo lời Bác dạy. Đã hơn 40 năm trôi qua nhân dân Lỗ Khê đã không ngừng phấn đấu phát triển về kinh tế, văn hoá xã hội, xứng đáng với danh hiệu làng văn hoá mà Thành phố đã trao tặng.

Nơi Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân thôn Lỗ Khê hiện vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn. Để ghi nhớ công ơn của Người, năm 1990 Đảng bộ và nhân dân xã Liên Hà, thôn Lỗ Khê đã xây dựng nhà Tưởng niệm Bác Hồ với nhân dân Lỗ Khê ngay tại khu vực đình làng. Hàng năm, nhân dân tổ chức dâng hương tưởng niệm trước tượng Bác nhân ngày sinh và ngày mất của Người; tổ chức cho thanh thiếu niên sinh hoạt truyền thống tại nhà Tưởng niệm. Nhân 40 năm Bác về thăm Lỗ Khê, xã Liên Hà long trọng tổ chức lễ kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống quê hương và tổng kết đánh giá phong trào thi đua làm theo lời Bác.

Hiện di tích vẫn đang được chính quyền và nhân dân trông nom chu đáo cẩn thận. Song nhà tưởng niệm Bác Hồ hiện đã xuống cấp, mong muốn của nhân dân Lỗ Khê nói chung và xã Liên Hà nói riêng là tôn tạo nhà tưởng niệm của Bác cho đàng hoàng to đẹp hơn, thể hiện lòng tôn kính đối với Bác và cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Lỗ Khê./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
  • Di tích Địa đạo kháng chiến Nam Hồng (huyện Đông Anh)
    Đi trên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, qua khỏi cầu Thăng Long khoảng hơn 2km về phía bắc, chúng ta đến vùng đất của xã Nam Hồng, với những cánh đồng lúa, màu tươi tốt và các nhà máy, công trường cùng các công trình kiến trúc dân dụng đang mọc lên san sát, đang đô thị hóa và biến đổi hàng ngày. Qua vùng quê này, hẳn ít ai có thể tin rằng trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây, đã là một vùng quê máu lửa, chiến trường khốc liệt. Nằm ở phía tây huyện Đông Anh, giáp giới với địa phận của tỉnh Vĩnh Phúc, vùng giáp ranh quyết liệt giữa ta và địch, cách Hà Nội - trung tâm sào huyệt đầu não của địch khoảng 10km.
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khu lưu niệm Bác Hồ với Lỗ Khê (huyện Đông Anh)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO