Hà Nội đi qua ký ức đời tôi
Tôi sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị nặng tình hai đầu đất nước trong thời khói lửa chiến tranh. Nhà tôi ở phía nam sông Bến Hải, giới tuyến phân chia hai miền Nam – Bắc lúc bấy giờ.
Đêm đêm, mỗi lần cha tôi lén mở radio nghe đài Tiếng nói Việt Nam, dù âm lượng rất nhỏ nhưng tôi nằm kề bên vẫn nghe rõ chất giọng hào sảng của cô, chú phát thanh viên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Tôi vô tư hỏi: “Hà Nội ở chổ mô rứa cha?”. Cha tôi có vẻ lo lắng, vặn nhỏ âm lượng hơn, quay người sang nói đủ nghe vào tai tôi: “Hà Nội xa lắm, ở ngoài miền Bắc, là cách mạng. Nếu có lính "quốc gia" (chỉ chế độ Sài Gòn -TG) hoặc ai hỏi gì thì con không được nói cha nghe đài miền Bắc nghe chưa!”. Tôi dạ và nằm im...
Tuổi thơ vốn tò mò, cứ mỗi lần cha vắng nhà, tôi lấy radio mở dò tần số đài Tiếng nói Việt Nam, lòng rộn ràng, thích thú nghe những bài hát cách mạng hào hùng, nghe tin thắng trận của quân giải phóng. Dịp Tết năm 1968 và 1969 tôi còn được nghe thơ của Bác Hồ chúc Tết, cảm thấy Hà Nội ở đâu đó rất xa nhưng cũng rất gần.
Tôi học đến bậc trung học thì chiến tranh ngày càng ác liệt. Người dân chạy loạn, trường học đóng cửa.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, dân chúng trở về quê nhà, bắt đầu cuộc sống mới từ đống tro tàn, đổ nát. Một ngôi trường mái tranh vách đất được dựng lên trên quả đồi cây bụi lúp xúp cho học sinh mấy xã đến học. Thầy, cô giáo dạy chúng tôi đa số từ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vào, tạm trú ngay tại trường học, không có điện, chỉ có đèn dầu, giếng nước sạch cách xa gần cây số, đôi lúc phải dùng nước trong các hố bom sâu gần đó mà vào mùa khô cũng trơ cạn tới đáy. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng các thầy cô giáo vẫn ngày ngày đến lớp, không chỉ hết lòng dạy học mà còn truyền ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương giành cho đám học trò thất học vì chiến tranh như chúng tôi.
Tôi không thể nào quên hình ảnh thầy chủ nhiệm lớp Vũ Văn Trường dạy môn toán. Thầy là người Hà Nội tôi gặp đầu tiên trong đời nên tôi nhớ mãi, có lần thầy nói nhà thầy ở phố Thụy Khuê, khu Ba Đình, Hà Nội.
Hồi đó, là học trò giỏi của thầy nhưng vì sau chiến tranh cuộc sống gia đình gặp khó khăn, nơi học lại cách xa nhà gần chục cây số nên tôi không thể tham dự lớp học bồi dưỡng Đội tuyển học sinh giỏi do Phòng Giáo dục huyện tổ chức. Thầy lặn lội đạp xe đạp hơn 10 cây số đường đất đến tận nhà tôi tìm hiểu, động viên, còn trích khẩu phần lương thực của mình và vận động những bạn trong khối lớp đóng góp mỗi người một chút, giúp tôi vượt qua lúc khó khăn, dù kinh tế gia đình các bạn ấy cũng chẳng khá hơn là bao. Độ hơn tuần sau, thầy gặp riêng tôi vào cuối giờ, trao cho tôi một túi xách và dặn dò: “Đây là một ít lương thực. Nó là của thầy và các bạn trong trường phụ giúp em trong thời gian tập trung cùng đội tuyển. Em thu xếp đi học và cố gắng học tập nhé!”. Tôi nhận túi gạo từ tay thầy chừng hơn chục kilogram mà lòng rưng rưng, xúc động, vừa biết ơn, vừa mừng vì mình đã có cái mang theo nộp cho bếp ăn tập thể.
Cuối năm 1977, tôi và gần một nửa Đội tuyển học sinh giỏi của huyện cùng lớp thanh niên địa phương tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia (K) năm 1978, 1979.
Cuối tháng 2/1979, bộ đội ta từ chiến trường K về nước, hành quân thần tốc bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc đánh quân xâm lược. Máy bay chở đơn vị tôi đáp xuống sân bay Gia Lâm. Chúng tôi vào ở nhờ nhà dân trong làng Sài Đồng thuộc xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm. Dân làng ùa ra đón bộ đội từ chiến trường trở về, chia nhau dẫn từng tiểu đội về ở lại nhà mình. Các cô gái trẻ túm tụm nói cười khúc khích, trêu đùa nhau: “Ê mày, cái tiểu đội có mấy anh đẹp trai kia là của tao đấy nhé!”. “Tao không kham nổi cả tiểu đội đâu, nhường mày một nửa đấy, riêng anh vác cái súng to to là của tao... ha ha ha...”. Nói rồi, một cô gái sấn tới nói nhỏ: “Để em giúp anh” và ghé vai đỡ phần đầu nòng của thân súng 12 ly 7 nặng hơn ba chục kí lô đang đè nặng trên vai tôi. Mấy anh em cùng khẩu đội trêu: “Súng nó to và nặng lắm đấy, em giữ cho chắc cái nòng súng nhé!”. “Vâng ạ, em giữ rất chắc rồi !”... Tiếng cười của lính, của thanh niên trai gái và bà con thôn trang rộn rã như ngày hội. Chỉ chừng đó thôi là những người lính trẻ chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến sau những ngày tháng gian lao ngoài mặt trận chỉ có tiếng súng và đạn bom, mong sớm được trở về Tổ quốc thân yêu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Hà Nội.
Hôm đó, khẩu đội tôi vào ở nhờ nhà mẹ Chữ, con gái của mẹ tên Ngọc Lan là người ghé vai vác súng dẫn chúng tôi về nhà. Chưa kịp làm quen thì chập tối hôm sau toàn đơn vị bất ngờ nhận lệnh hành quân. Chúng tôi vội thu xếp vũ khí, quân trang, từ biệt để lên đường. Mẹ Chữ sụt sùi, Ngọc Lan đứng tần ngần bên bờ rào có hàng cây dâm bụt lưu luyến tiễn đưa. “Chúng con đi đây, mẹ và em giữ gìn sức khỏe nhé!”. “Các con đi chân cứng đá mềm nhé!”. “Có dịp thì về thăm mẹ và em nhé!”. “Các anh đi nhé!”. “Nhớ quay về nhé!”... Lời người đưa tiễn và người ra đi cứ ngắt quãng, để lại hậu phương những ánh mắt khát khao yêu thương của những người lính trẻ chưa một lần được nắm bàn tay con gái. Toàn đơn vị theo đội hình hành quân sang ga Yên Viên, lên đoàn tàu quân sự, hướng ra miền biên cương. Lần đó, có những người lính đã ra đi mãi mãi.
Sau gần 6 năm quân ngũ, đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam– Campuchia và biên giới phía Bắc, tôi may mắn hơn khi được trở về, chuyển ngành vào làm việc tại một cơ quan dân sự ở tận miền Nam. Từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, chật vật mua được vé tàu thống nhất, dù vẫn nhớ nhưng không thể tìm đến thăm người thầy giáo ở Hà Nội, người mẹ làng Sài Đồng, vì thời đó, có biết bao khó khăn trong mỗi chuyến đi và trong cuộc sống bộn bề đang chực chờ ở phía trước.
Mãi đến những năm đầu thập niên 2000, trong một dịp được ra Hà Nội công tác, tôi không quên giành thời gian ít ỏi đến thăm thầy giáo Vũ Văn Trường ở phố Thụy Khuê mà trước chuyến đi, tôi đã cất công tìm kiếm thông tin qua nhiều bạn bè, thầy, cô giáo cũ mới biết đích xác địa chỉ. Tôi hồi hộp như tìm lại được thứ gì đó quí giá trong đời. Nhưng đã quá muộn, thầy đã ra đi về cõi vĩnh hằng trước đó sau một cơn bạo bệnh!
Rời nhà thầy, tôi lên taxi tìm đến làng Sài Đồng thăm lại gia đình mẹ Chữ, nơi có miền ký ức đẹp đẽ lần đầu đến Hà Nội. Anh tài xế taxi nói: “Sài Đồng bây giờ là phố anh ạ! Anh định đến số nhà hay ngõ, ngách nào?”. Tôi miên man, không có chọn lựa: “Anh cho tôi đến một điểm nào đó ở Sài Đồng cũng được”. Tôi xuống xe, ngơ ngác nhìn rồi đi dọc theo con phố Sài Đồng dài hun hút, người xe tấp nập, đánh bạo ghé vào mấy nhà thử hỏi thông tin gia đình mẹ Chữ nhưng không ai biết, đành ngậm ngùi quay về.
Giờ đây tuổi xế chiều, tôi không thể đếm được hay nhớ hết biết bao lần mình đã từng đến Hà Nội, bao nhiêu người Hà Nội mình đã từng gặp gỡ, quen biết, kết bạn hoặc rời xa. Chỉ biết từ thẳm sâu thời gian, ký ức về mảnh đất và con người Hà Nội đi qua đời tôi đã để lại những giá trị tinh thần thật đẹp đẽ, không thể nào quên./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Văn Hậu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.