Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Phố cổ: Hoài niệm và tình yêu

Trà Mi 22/05/2024 15:05

Cho đến bây giờ, khi tôi bồi hồi nhớ về kỉ niệm phố cổ, tất cả hình ảnh của quá khứ từ mấy chục năm qua lại lung linh trở về sống động như một cuốn phim, tưởng đâu chỉ vừa mới hôm qua. Đất nước trải dài 4000 năm, Hà Nội của tôi từ xa xưa hình thành và lớn dậy trong nền văn minh sông Hồng, cũng xấp xỉ tuổi ấy, còn nếu chỉ tính từ khi được vua Lý Thái Tổ chính thức định đô, thì cũng trên 1000 năm, đã trở thành nơi tụ hội và lan tỏa cho cả nền văn hiến lẫy lừng với thời gian.

088pkej5.png
Phố cổ Hà Nội (tranh Bùi Xuân Phái)

Sinh ra và lớn lên trong lòng phố cổ Hà Nội, từ thuở ấu thơ (tôi sinh cùng ngày giải phóng Thủ đô), trong tôi vẫn một tình yêu thầm lặng mà tinh tế, không hề đổi khác theo thời gian. Chưa khi nào tôi hết yêu Hà Nội! Thậm chí, tình yêu đó chỉ ngày càng lớn lên, càng sâu nặng hơn. Bao kỉ niệm đầu đời, theo thời gian càng được tô đậm. Nhớ ngày bé xíu, được mẹ dắt tay dạo chơi Bờ Hồ, bên sóng nước Hồ Gươm, tôi đã thích mê, đến độ ngày nào có việc bận, mẹ không cho dạo quanh Hồ, thì tôi về nhà còn không chịu đi ngủ. Lớn lên một chút, khi đã là chị lớn của ba em nhỏ, tôi lại thích thú dẫn các em ra Bờ Hồ, chơi các trò chơi dân dã của trẻ thơ ngày đó: tung chuyền vừa chơi vừa hát, nhảy dây, nhảy lò cò, chơi ô ăn quan, thậm chí đuổi theo bông hoa gạo bay bay, nhặt búp đa về chơi trò bày hàng… Ôi, Bờ Hồ! Vương quốc của tuổi thơ... Vỉa hè phố cổ ngày đó, so với các đô thị hiện đại thì không rộng, nhưng với tôi đã là rộng lớn bao la, đủ tha hồ chạy nhảy, vui đùa dưới trăng, chơi thả đỉa ba ba, chơi mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây… thú vị biết bao nhiêu!

Mỗi khi nhớ về phố, trong tôi lại tràn đầy những kỉ niệm không hề phai nhạt, từng ảnh hình tươi đẹp thuở ấu thơ vẫn vẹn nguyên trong kí ức. Những dãy phố nhỏ xinh, hình ống dài, rất sâu, rất ấm cúng, mà không đâu giống được. Ngôi nhà tôi còn có cả cổng sau thông ra phố Hàng Bồ, hàng xóm xung quanh rất thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau, mọi người sống hiền hoà, đoàn kết giúp nhau, hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Nhớ về phố cổ, tôi đặc biệt không thể quên hình ảnh các thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, áo dài quần trắng, ngồi sau quầy hàng, lễ phép lịch sự chào hỏi khách đến mua hàng. Dù khách không mua, họ vẫn nói lời cảm ơn và hẹn lần sau… trời ơi, thật nền nã, văn hóa nét thanh lịch Tràng An.

Phố cổ quanh co cạnh tôi, tuy nhỏ hẹp nhưng đậm đà nét đẹp cổ kính, có những mái ngói thâm nâu, những hàng cây cổ thụ tỏa bóng xum xuê trên hè, trường tồn mãi với thời gian. Nhiều bạn ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đến Hà Nội đều được tôi dẫn đi du ngoạn thành phố quê hương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, cảnh quan, đến nếp sống văn hiến truyền thống - nơi hội tụ địa linh nhân kiệt ngàn năm- của mảnh đất văn vật: Hà Nội 36 phố phường, từng nổi tiếng qua nhiều thời.

pho-co1.22.5.jpg
Phố cổ Hà Nội đẹp như một bức tranh (ảnh: TL)

Phố Hàng Ngang nhà tôi bán tơ lụa, len dạ, áo quần. Các phố nghề có các tên Hàng này thật phong phú: Hàng Buồm thời xưa bán vỉ buồm, chiếu buồm, bị, túi đan bằng mây, cói. Ngày nay, còn bán cả rượu bia, bán đồ ăn sẵn như thịt quay, nộm, bún. Phố Hàng Bạc trước đây có nghề đúc bạc nén, được coi là giàu có bậc nhất kinh thành, nay vẫn còn những ngôi nhà cổ tường vàng, đình Kim Ngân, hai bên phố vẫn chế tác trang sức vàng bạc… Rồi Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàng Bông, Hàng Tre, Hàng Quạt, Hàng Chiếu... tên các vật dụng cần cho cuộc sống; đến Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Gà, Hàng Rươi.., gồm các hàng thực phẩm thiết yếu. Mỗi con phố cổ Hà Nội đều gắn với một cái tên giản dị nhưng có đặc thù riêng, thậm chí tạo ấn tượng riêng với mỗi người. Chẳng hạn, hồi bé, tôi rất thích đến phố Hàng Đường – phố ngọt nhất Hà Nội chuyên bán bánh mứt kẹo, ô mai, có đủ các sản phẩm làm từ đường mật.

Tôi cũng còn nhớ như in hình ảnh các bà, các cô người Hoa đi bán hàng rong dọc các phố cổ. Đó là những đồ ăn vặt hàng ngày được nhiều người ưa chuộng: chí mà phù, bánh chín tầng mây, bánh bao, bánh bò, bánh trôi tàu, lì tày cố, lục tàu xá, vv…

Thời tiết bốn mùa Hà Nội thật thú vị, mùa nào cũng có hoa riêng đặc trưng từng mùa: mùa xuân là hoa đào bích, đào phai rực rỡ, hoa hồng thơm ngát, hoa sưa nở trắng trời Thủ đô. Hè đến, hoa sen thơm ngát Hồ Tây gió lộng, cũng là mùa hoa loa kèn, hoa phượng đỏ, bằng lăng tím đã đi vào thơ, nhạc, gắn liền kỉ niệm tuổi học trò. Thu sang là ngọt ngào hoa sữa. Đông về thắm sắc hoa cúc vàng tươi. Hà Nội mười hai mùa hoa gợi bao ý đẹp lời hay trong văn học. Nhà văn Vũ Bằng ngày trước, vì hoàn cảnh đặc biệt, được biệt phái sống lâu dài trong Nam (ông là chiến sĩ quân báo mật), đã viết tác phẩm nổi tiếng: “Thương nhớ mười hai”, khi cả 12 tháng phải xa nhà, thì tác giả đều da diết nhớ về Hà Nội.

pho-co-ha-noi-1-768x498.jpg
Hà Nội mùa thu heo may xao xác (ảnh: internet)

Thuở còn cắp sách đến trường, chơi với các bạn người Nga (Liên Xô cũ), tôi thường tự hào khoe với các bạn là nhà tôi ở ngay cạnh ngôi nhà 48 Hàng Ngang – nơi Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đọc trong Lễ Quốc khánh 2/9/1945.

Trong nỗi nhớ phố, tôi làm sao có thể quên lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Thủ đô. Đó là khúc tráng ca hào hùng của quân dân Hà Nội vùng lên quả cảm, chống giặc bằng vũ khí tự tạo, bằng bom ba càng cảm tử, với câu khẩu hiệu đặc biệt của tự vệ Thành Hà Nội những năm oanh liệt đó: “Quyết tử - cho Tổ quốc quyết sinh!”.

Cuộc kháng chiến gian lao vĩ đại của dân tộc đã ghi dấu ấn Thủ đô như một địa chỉ đỏ sáng chói hàng đầu, là Liên khu 1 anh hùng. Trong 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, từ ngày 19/12/1946 đến 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch, giữ từng căn nhà, từng góc phố, thực hiện cuộc chuyển quân “thần kì” trong vòng vây khép kín của kẻ thù, vượt sông Hồng lên chiến khu an toàn. Để kỉ niệm những ngày kháng chiến, đạo diễn Lê Đức Tiến đã làm phim “Sống mãi với Thủ đô”, theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Rất vinh dự là con trai tôi cũng được mời tham gia vai chú bé Thắng liên lạc của Trung đoàn Thủ đô năm ấy trong phim. Tôi cũng tự hào khi tham gia vào hàng ngũ những người ở lại thành phố trong cuộc chiến chống Mỹ, 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, làm công tác dân vận của tiểu khu Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm.

Nhớ về phố cổ, tôi không sao quên tiếng còi ủ năm nào của Hà Nội, cứ đến 11 giờ trưa là tiếng còi vang lên báo hiệu giờ nghỉ trưa đã đến. Nhưng đặc biệt còn là tiếng còi báo động máy bay địch tấn công suốt những năm chống Mỹ... Nhớ lại cả chiếc cột đồng hồ, treo trên nóc nhà Gô-đa xưa, sau này là Bách hóa tổng hợp, còn tới nay là Tràng Tiền Plaza. Nhớ cả khoảng không gian thoáng đãng phố Trần Nhật Duật, đầu cầu Chương Dương bây giờ, ngã năm Cửa Nam, mặt tiền đẹp trước Nhà hát Lớn và Nhà thờ Lớn, không gian rộng trước Ga Hàng Cỏ.

Hà Nội xưa đáng yêu và yên bình biết bao, là Thủ đô vừa cổ kính vừa hiện đại. Những ngày lễ Tết, thiên nhiên hòa sắc cùng đường phố đẹp tưng bừng. Nhớ đêm giao thừa của thập kỉ tám mươi thế kỷ trước, chào năm mới, khoảnh khắc sang canh, nhà nhà đốt pháo, người người đốt pháo, tạo màn khói thơm mờ ảo thiêng liêng. Tiếng pháo mừng năm mới giòn giã đồng loạt vang vọng trong đêm giao thừa, náo nức, thiêng liêng và hạnh phúc làm sao! Cứ đến khoảnh khắc chuyển giao thời khắc đó, là lệ lại thấm ướt mi tôi. Cũng một đêm sang canh ấy, tôi bất ngờ nhận được lời cầu hôn của bạn đời (bản tính rụt rè, e ngại, nên anh đã cậy nhờ âm thanh tiếng pháo làm nên hòa tấu), màn cầu hôn đặc biệt khiến tôi nhớ mãi trong đời.

pho-co4.22.5.jpg
Phố đêm Hàng Đào - Đồng Xuân (ảnh: TL)

Nhớ Hà Nội là tôi không thể nào quên tiếng tàu điện leng keng mỗi khi về bến hoặc chuẩn bị chuyển bánh rời ga, giữa phố Hàng Ngang nhà tôi ở cũng là nơi hai làn tàu tránh nhau để đi về hai ngả. Sống trong lòng thành phố thân yêu, giữa khu phố cổ náo nhiệt đông vui, tôi vẫn tìm đến với hồ Tây để đón bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp. Một không gian thoáng đãng cho tôi chiêm ngưỡng ánh ban mai và màu sắc cuối cùng trong ngày. Bình minh và hoàng hôn khiến cảnh vật bình thường bỗng hoá thơ mộng, đầy tính nghệ thuật. Buồn vui, nhàn rỗi hay bận rộn, tôi vẫn tranh thủ đến để thả hồn vào những con sóng, ngọn gió, ánh sáng dịu dàng: Ôi, gió hồ Tây bát ngát, nước hồ Tây trong xanh...

Cùng buồn vui, khao khát, lắng đọng, ước mơ với nơi mình có hạnh phúc sinh ra và lớn lên – phố cổ, phố nhỏ Hà Nội, tôi thấy mình thật may mắn. Theo lời khuyên của ba, tôi chọn nghề giáo viên, nghề “kĩ sư tâm hồn” đúng với ước mơ thuở nhỏ: “Lớn lên, con muốn làm cô giáo ạ!”.

Những ảnh hình sống động về nơi chôn nhau cắt rốn luôn hồ hởi trào dâng trong hồn. Hà Nội, một thành phố đẹp, với nhiều dấu ấn đặc biệt và khác lạ, rất quen thuộc là bóng dáng những chiếc xe đạp, chở đầy hoa tươi, mùa nào thức ấy thong dong vào phố bán cho đông đảo người mua, nhất là các bạn trẻ yêu thiên nhiên. Rồi những con đường đầy lá rụng lúc giao mùa, đường Hoàng Diệu tím biếc hoa ban mỗi khi xuân về, phố Phan Đình Phùng với ba hàng cây rợp mát thắm xanh, vừa xà cừ, vừa sấu xanh xum xuê, như đi giữa thiên đường mặt đất. Những ngày kỉ niệm sự kiện lớn nhỏ của đất nước, cả thành phố rực rỡ cờ hoa, khấu hiệu tưng bừng. Và dòng người, tiếng còi bíp bíp, dòng xe nhộn nhịp nhiều màu sắc đời thường, cũng là những hồi ức khó quên. Những ngày Hà Nội cùng cả nước phải chịu đựng mấy năm dịch Covid-19, như thành phố ngủ đông, vừa lạ lùng vì thưa vắng không tụ tập, vừa lay động tâm hồn vì phải sống cách li, bâng khuâng vì bao nỗi thầm nhớ, thầm mong...

Mùa hè này, khắp phố phường say sưa sắc tím bằng lăng, rực rỡ sắc đỏ hoa phượng. Mặc những trận mưa rào xối xả hay đợt nắng gắt bất thường, mọi người vẫn đến thưởng ngoạn những góc đẹp, sống động và lãng mạn của thành phố. Điểm hẹn thường ở khu phố cổ và khu vực đi bộ Hồ Gươm. Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng được tổ chức ở đây. Ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt nay cũng trở thành điểm hẹn quốc tế, rất nhiều khách nước ngoài hay tới và ưa thích đi dạo ở đây.

... Bao năm qua, tôi thấy mình là người vô cùng hạnh phúc vì được sinh ra trùng ngày giải phóng Thủ đô: 10/10/1954, ngày mùa thu hoa sữa ngào ngạt có cốm làng Vòng – một làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời. Nhóm bạn thân nhớ hoài những lần đến dự sinh nhật mùa thu, được tôi mời ăn cốm với chuối trứng cuốc thơm lừng. Ngoài đặc sản cốm của mùa thu, Hà Nội còn có những món quà ngon danh tiếng như phở, bánh mì, bánh cuốn, bún chả, bún thang, chả cá Lã Vọng (phố Chả Cá), lừng danh. Ẩm thực Hà Nội được bạn bè quốc tế yêu thích, rất ấn tượng…

Thành phố quê hương – nơi gắn bó cả cuộc đời, thật không dễ viết gì cho đủ. Tôi chỉ mong ghi lại đôi ba chút hoài niệm và tình yêu của riêng mình... như món quà khiêm tốn của một công dân phố cổ, chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2024, cũng là ngày tôi được may mắn chào đời trên mảnh đất thiêng này, tròn bảy thập kỉ./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trà Mi. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Có một Hà Nội rất khác trong tôi
    Đó là một con ngõ cụt có gần hai chục hộ, nằm san sát đối mặt vào nhau qua một con đường ngõ lát gạch đỏ rộng hơn hai mét. Cư dân phần lớn đều còn trẻ hoặc trung tuổi, chỉ có vài cụ ông, cụ bà sống với con cháu. Lớp trẻ ban ngày mải miết đi làm ăn, tối về mới tập trung đông đủ. Nhưng cũng có người vì công việc mà quanh năm suốt tháng xa nhà. Thi thoảng lại về dăm bữa nửa tháng cho con cái đừng quên mặt, cho vợ đừng quên hơi rồi lại ra đi. Đứng tần ngần trước cửa, hôn nựng nịu con yêu rồi thở dài rảo bước v
(0) Bình luận
  • Hà Nội 70 mùa thu yêu dấu
    Tháng mười, mùa thu đã đến! Trời xanh êm và gió mát trong lành. Lòng tôi thấy yêu thương quá đỗi. Yêu thương mùa thu Hà Nội, nhất là những ngày thu tháng mười. Ngày có một kỷ niệm vô cùng tươi đẹp: Ngày 10 tháng 10, ngày giải phóng Thủ đô. Năm nay Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô, người Hà Nội cũng háo hức đợi chờ.
  • Phở Hà Nội
    Du lịch Đà Nẵng cháy phòng khách sạn vào những dịp lễ. Dạo một vòng quanh thành phố Đà Nẵng, những con đường không còn bình yên, cảnh ồn ào, tấp nập của khách du lịch, hầu hết khách sạn, nhà hàng, đều đầy ắp bóng người. Thời đại kinh tế khó khăn, doanh thu từ việc bán phở cũng không giảm bao nhiêu, khách chủ yếu là những người mê phở Hà Nội, cả người bán lẫn người mua đều an tâm vì toàn khách quen và chủ cũng quen.
  • Thanh lịch chiều quán gió
    Quán Gió Hồ Tây ngày xưa ở vị trí đắc địa giữa hai hồ nước đẹp nhất Hà Nội. Nhưng, chiều và tối, quán mới trở nên sống động, với số đông người đến quán để thưởng lãm không khí cuối ngày, đang hoe hoe nét vàng phai rất riêng Hà Nội.
  • Lần đầu ăn phở xếp hàng
    Dù đã nhiều lần đến Hà Nội nhưng do công tác, tôi không có thời gian dành cho thăm thú. Về quê lại lăn xả vào công việc, đến một sáng tháng Mười năm 2022, từ Quảng Bình tôi có công chuyện trở lại Thủ đô. Lúc này, ông bạn đồng hương sốt sắng dùng xe máy chở tôi dạo quanh một vòng, chiêm ngưỡng các danh thắng. Chừng thấm mệt và thấm cả sự cồn cào của dạ dày, bạn gây cho tôi sự tò mò, bảo “Tôi đưa ông đi ăn phở xếp hàng!”. Con AirBlade tiếp tục lao đi giữa phố phường tấp nập, bạn đưa tôi đến một quán phở, không lấy gì làm to tát ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Quán phở gia truyền số 49 Bát Đàn!
  • Lời ru từ hồn thiêng xứ sở
    Một buổi sáng nắng dịu dàng ôm ấp những hàng cây, tôi lang thang từ chùa Trấn Quốc dọc theo bờ Hồ Tây chừng quãng ngắn rồi ghé vào thăm ngôi đền Quán Thánh trầm mặc, nơi lưu giữ cả ngàn năm lịch sử của Thủ đô.
  • Nỗi niềm vào thu
    Vào mùa thu này, Hạ đã bước vào tuổi 39. Ba mươi chín tuổi với một người đàn bà mà chưa có chồng, ta thường gọi là gái ế, gái lỡ thì, là kịch khung của nhỡ nhàng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • “Trở về trong giấc mơ” – nhật ký xúc động viết từ cuộc chiến
    109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu Lưu Liên trong những năm tháng chiến tranh vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật giới thiệu tới bạn đọc trong cuốn “Trở về trong giấc mơ” (nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và tuyển chọn). Qua những trang nhật ký đầy xúc động, cuốn sách đã khơi nguồn cảm hứng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc cũng như hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước của thế hệ cha anh.
  • Triển lãm “Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời”
    Triển lãm ngợi ca vẻ đẹp và ý nghĩa nội tại trong từng khoảnh khắc thường nhật của cuộc sống. Thông qua các chủ đề phong phú cùng ngôn ngữ tạo hình tươi mới, hấp dẫn, “Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời” đặt ra những câu hỏi hiện sinh mà mỗi người phải đối mặt trong quá trình trưởng thành, mời gọi người xem suy ngẫm về trải nghiệm lớn lên và tìm kiếm ý nghĩa cho hành trình của chính họ.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án tất cả môn thi tốt nghiệp THPT
    Chiều 2/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án tất cả môn thi, sau bốn ngày sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
  • Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Hin Nậm Nô được đề cử di sản thiên nhiên liên biên giới
    UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hai tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muồn (Lào) đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO, đề cử Vườn quốc gia Hin Nậm Nô và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới.
Đừng bỏ lỡ
Phố cổ: Hoài niệm và tình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO