Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Những đêm thơ trong thành phố

Trần Xuân Trọng 08:29 20/05/2024

Ấy là vào một đêm mùa xuân, khi vừa ra Tết, trời vẫn còn se se lạnh nhưng không có nỗi buồn man mác mà trong người cứ rạo rực nhựa yêu. Giữa đất Tràng An một thuở đã từng là nơi kì ngộ của rất nhiều tao nhân, mặc khách, lòng người có phải vì thế cũng mong ngóng những đêm thưởng trà, trìu mến mà đọc cho nhau nghe đôi câu thơ đầy mộng tưởng, phảng phất chút cảnh, chút nhạc, chút hoạ, chút lòng người rì rào quyện vào nhau êm dịu.

qqq.jpg
Những đêm thơ trong thành phố.

Có lẽ, chính cái chất thơ đã ngấm sâu vào cành cây, ngọn cỏ, vào sông, vào núi, vào hồn khí của đất này. Để rồi các thế hệ cứ tiếp nối nhau, xuất hiện những người yêu thơ “chính hiệu”. Lần đầu tiên, tôi đến “Đêm thơ trong thành phố” với một nỗi niềm nghi hoặc đan xen chút hồi hộp, tưởng tượng diệu kỳ. Không biết một đêm thơ sẽ diễn ra như thế nào chứ chưa nói đến một đêm thơ của các bạn trẻ. Để rồi, tất cả những nghi hoặc đều bị lãng quên, xung quanh chỉ còn tiếng nhạc êm ái, những câu thơ đầy tình tứ đúng như chủ đề “Tình ái” đưa ra.

Đêm thơ được khởi xướng và tổ chức bởi các bạn trẻ Hà Nội, những người thanh niên tuổi còn đôi mươi nhưng sẵn có tình yêu trân quý với mảnh đất ngàn năm vàng son ghi dấu. Một điều tất nhiên là không phải bây giờ ở Hà Nội mới có những đêm thơ. Quay trở về văn hiến hàng trăm năm, ngàn năm trước, từ thời kì phong kiến cho đến phong trào thơ mới, ở thời nào cũng có những người yêu thơ. Có thể tưởng tượng trên cao là ánh trăng thanh, xung quanh gió mát thẩn thơ, người ngồi, người đứng mà thưởng trà, luận đàm chuyện thế nhân, thời cuộc, rồi trong đó có người vừa đặt ly trà xuống, đứng lên ngâm mấy vần thơ cảm tác. Xung quanh mọi người chăm chú lắng nghe, rồi gật gù đối ứng.

“Triển chuyển xuân tình sầu dạ nguyệt,

Thê lương cổ điệu yết minh già.”

Những đêm thơ của các bậc tiền bối thật nhiều tao ngộ và thuần khiết, thanh cao. Các bậc hậu sinh ngày nay, nhiều khi ngồi dưới ánh trăng mà cũng chỉ mong gặp được tao nhân, mặc khách. Giữa đời sống thị thành, nhiều khi tôi hay cả chúng ta nữa đã có lúc quên đi cái thú thơ ca của cha ông thuở trước. Thật hiếm có người thích nghe thơ, lại càng hiếm có những cuộc gặp gỡ về thơ của những người trẻ. Có chăng, cái thú vui ấy chỉ gặp ở những người thích làm thơ và hãnh diện nhận mình là nhà thơ rồi truyền tay nhau những tạp chí có đăng bài thơ mình viết hay vui vẻ tặng nhau dăm tập thơ mới in. Quả thực, cứ nhìn vào thì thấy, có thể nói thời kì hiện nay, thơ ca đã bước sang một cuộc chuyển mình từ sau phong trào Thơ mới từ phong cách sáng tác đến ít nhiều nội dung thể hiện nhưng có mấy ai không phải nhà thơ mà nhận thấy được điều này. Cần phải làm gì để thơ ca đi sâu vào quần chúng? Đó thực sự là một câu hỏi khó! Ấy vậy mà, những năm gần đây, thơ ca như đang hoà trong con sóng mới. Các bạn trẻ của Hà Nội FM đã tổ chức hết sức tỉ mỉ, chau truốt để cho người nghe thơ dễ dàng cảm thơ, còn người đọc thơ, làm thơ lại thoả sức mà vẫy vùng trong đam mê vô hạn.

“Đêm nằm ốm thấy Ba Sáu chữ Hàng

Mộng mái phố uốn cong cây tam cúc

Có nỗi nhớ trong mơ còn lùng sục

Yêu Hà Nội quá nửa kiếp ta mang.”

Từ đêm thơ đầu tiên mang chủ đề “Tình ái” đến nay, Hà Nội FM đã tổ chức được bảy đêm thơ. Mỗi đêm thơ là cả một sự tỉ mỉ, cẩn thận, chau chuốt đến từng câu chữ, điệu nhạc. Mỗi đêm thơ là mỗi chủ đề khác nhau, đưa người nghe đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác; đó có khi là tình yêu đôi lứa, có khi là tình yêu quê hương, có lúc lại chỉ là một cảm giác mùa thu trong trẻo… Tôi từ một người yêu thơ, làm thơ đến khán giả rồi trở thành người dẫn của một trong những đêm thơ đã được tổ chức. Chính tính đồng sáng tạo, tính mở đã tạo nên sức hút diệu kỳ, khơi gợi cảm xúc thi ca của tất cả mọi người.

“Đêm nay

sự im lặng hoạ ra một con sông chảy xiết

một mặt trời tròn trịa

một đàn chim không thể nhớ tên

đêm mai

vườn mưa trắng nhoè mặt nước”

Lòng tôi hay chính những người nghe có lẽ, thấy mình trôi êm đềm trên một dòng nhựa sống. Ngoài trời là mưa xuân. Nhưng trong đêm thơ không chỉ có mưa xuân. Trong đêm thơ có mây trắng là là bay, có gió hiu hiu thổi, có hương hoa sấu dìu dịu, có khúc đưa nôi nhẹ nhàng, có tình yêu phảng phất bay, có lời chia tay đầy nuối tiếc, có dòng sông tri âm, có con đò vương vấn… Chính ở nơi đây, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm bay lên, xung quanh là những sải tay nối liền đan vào nhau của những tâm hồn đồng điệu. Hà Nội trong tôi là những đêm thơ không thể nào quên./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Xuân Trọng. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
    “Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Những đêm thơ trong thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO