Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng

Trần Văn Thụ 13:36 18/05/2024

“Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.

phu_nu_bat_trang.jpg
Hóa ra Hà Nội và tôi đã như thân quen nhau lắm qua những chiếc bát sứ Bát Tràng từ thập niên 1970 của thế kỷ trước… (ảnh minh hoạ, nguồn: TCCT).

Năm xưa, khoảng thập niên 1970, anh em tôi lốc nhốc trứng gà trứng vịt trên dưới mười tuổi. Bố mẹ làm ở một xí nghiệp cơ khí của tỉnh. Nhà tôi là nhà gỗ trát vách đất cũ kỹ đơn sơ. Gian bếp nhà khói ám với cái chạn gỗ cũ rích và những cái bát xỉn màu, sứt mẻ. Buổi chiều ấy, đi làm về, mẹ nâng niu nhấc trong túi ra từng chiếc bát trắng tinh vẽ hoa hồng “Đây là phần thưởng cuối năm của cơ quan cho mẹ. Bát Bát Tràng đẹp thật. Nghe tiếng mãi rồi mà bây giờ mới được dùng. Tết năm nay nhà mình có bát đẹp ăn tết!”.

Lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm Bát Tràng là vậy. Hóa ra đó là tên một làng gốm sứ tận mãi thủ đô xa tít tắp mà chúng tôi chỉ được nhìn phong cảnh qua sách báo. Bát Tràng là nơi chuyên sản xuất đồ gốm sứ và gạch ngói. Mẹ giải thích rồi ngâm nga “…Ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây…”

Màu men của những cái bát Bát Tràng đó lúc nào cũng bóng loáng. Thi thoảng khi rửa bát, tôi tuột tay đánh rơi xuống nền giếng. Sau tiếng “cạch”, tôi điếng người. Nhưng lạ quá chiếc bát vẫn còn nguyên. Tôi phát hiện loại bát này rất khó vỡ. Chả bù trước đây, đôi khi tôi phải len lén đem mảnh bát đĩa vụn ra một nơi vắng người để vứt…

Nhưng nào có thường xuyên được rửa bát đẹp đâu, bởi chục chiếc bát xinh xắn ấy được mẹ cất kỹ, chỉ khi nào có khách hoặc lễ, tết mới được mang ra dùng nên lúc nào cũng như mới “Có bộ bát ăn cơm như thế này cảm giác ăn cơm độn ngô, mì cũng ngon”.

Cái tên Bát Tràng và tình yêu Bát Tràng cứ lớn dần cùng chúng tôi qua bao năm tháng, nhất là cứ vài năm lại một lần mẹ được thưởng tết bằng những những bộ bát đĩa Bát Tràng. Mãi sau này tôi mới hiểu sao mẹ nâng niu từng món bát đĩa Bát Tràng là vậy. Chả là dạo đó giao thông đi lại khó khăn lắm lại đang là thời kỳ bao cấp, trăm món đồ dùng đều phải mua phân phối. Xí nghiệp mẹ có bác quê ở Bát Tràng, hàng năm bác về quê một lần kết hợp mua hộ luôn sản phẩm ở đấy để xí nghiệp làm phần thưởng cho công nhân tiên tiến.

12.jpg
Bộ ấm chén và thác nước Bát Tràng trang trí bàn nước làm dịu mắt những ngày hè.

Thời gian qua đi mải mốt, anh em chúng tôi trưởng thành, dần vỗ cánh bay đi… Ngày vợ chồng tôi ra ở riêng, mẹ tặng một hòm toàn đồ Bát Tràng mẹ gửi người mua hộ. Nào là bát đĩa, ấm chén, lọ hoa đến bộ đồ thờ. Nhìn dãy bát đĩa nằm gọn gàng trên chiếc chạn gỗ mới tinh, tôi có cảm giác ấm áp, gần gũi như trong chính ngôi nhà của cha mẹ mình.

…Dần dà, các con tôi lớn lên, đi học ở Hà Nội, rồi ở hẳn dưới đó. Con đón tôi về chơi và dẫn tôi đi Bát Tràng. Mẹ muốn đi lắm nhưng mẹ đã yếu không đi xa được, mẹ tiếc ngẩn ngơ. Còn tôi lần đầu tiên về nơi mà mình đã dùng sản phẩm của nó từ mấy mươi năm trước, cứ như lạc vào miền cổ tích. Những cửa hàng ăm ắp đồ gốm sứ muôn hình muôn vẻ. Kẻ mua người bán tấp nập. Những chiếc xe đến “ăn hàng” xếp thành dãy. Người vận chuyển hàng hóa lên xe hối hả như những chiếc bàn xoay đang làm việc cần mẫn kia.

Tôi mải mê đi giữa chợ Gốm sứ Bát Tràng, lòng rộn lên bao cảm xúc. Đã từ hàng vạn, hàng triệu năm phong hóa trong thiên nhiên mà hình thành nguồn đất sét trắng quý giá ở một số vùng đất này. Để từ chất liệu ấy, qua bàn tay những nghệ nhân tài hoa mà làm nên những đồ gốm sứ đẹp đẽ tinh xảo nhường kia, hấp dẫn nhường kia. Đủ biết trí sáng tạo của những người thợ gốm Bạch Thổ Phường – Bát Tràng tuyệt biết chừng nào.

11.jpg
Tác giả dạo chợ Gốm sứ Bát Tràng

Tôi lâng lâng nghĩ về mẹ, về mái nhà ấm cúng suốt tuổi hoa niên, những bữa gõ bát lanh canh chờ cơm mẹ nấu. Nhớ mái chùa Hòa Bảo cổ kính ngay gần trường cấp hai của tôi lợp ngói vẩy cá và lát gạch đỏ Bát Tràng. Sau mỗi cơn mưa, khoảnh sân mướt lên màu đỏ au của gạch. Rồi tôi lại miên man nghĩ về gia đình mình. Các con tôi lần lượt ra đời và trưởng thành đến những bến đỗ mới cũng như tôi của mấy mươi năm trước cũng vỗ cánh bay đi từ mái ấm có cha mẹ. Trong những mái ấm ấy, bao nhiêu đồ gốm sứ gắn bó với đại gia đình tôi từ tuổi ấu thơ. Đây mâm ăn với bát đĩa Bát Tràng trắng bóc. Đây bộ ấm chén Bát Tràng ánh lên màu xanh ngọc quyến rũ, bóng bảy đến mức cặn chè không dễ bám. Đây thác nước xinh xắn, duyên dáng trang trí trên bàn tiếp khách. Nước chảy róc rách từ khe núi xuống có bóng bác tiều phu và thấp thoáng mái chùa cổ kính…

Tôi lại nghĩ đến một thương hiệu Việt có xuất xứ từ những đồ gốm giản đơn của Bạch Thổ Phường xửa xưa, có lịch sử ra đời gắn liền với sự dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long của Đức Lý Thái Tổ hàng chục thế kỷ trước. Thương hiệu ấy lấp lánh trong thi ca và ngày một lớn lên, gắn bó trong rất nhiều gia đình Việt. Đến ngày nay, nó đã trở thành một thương hiệu vững bền trong nước và tung cánh bay ra năm châu bốn biển. Tự hào lắm thay hai chữ Bát Tràng – Thủ đô Hà Nội – Một địa điểm đáng đến của bất cứ du khách nào. Hóa ra Hà Nội và tôi đã như thân quen nhau lắm qua những chiếc bát sứ Bát Tràng từ thập niên 1970 của thế kỷ trước…

Tôi chọn một bộ bát đĩa viền vàng sang trọng, lại mua tặng mẹ một bình tài lộc vẽ sen hạc. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là sinh nhật tuổi chín mươi của mẹ, anh em tôi sẽ làm lễ thượng thượng thọ cho mẹ. Chiếc bình sen hạc ý nghĩa này sẽ đặt trên bàn thượng thượng thọ.

Chắc mẹ vui lắm./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Văn Thụ. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội trong trái tim tôi
    Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã vô cùng yêu thích và thuộc nằm lòng bài hát: “Hà Nội - Một trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Khi những ca từ trong trẻo cất lên: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ơi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi/ Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ…”.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO