Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Sơn Tây, một thoáng thành cổ

Phan Ngọc Anh 15:01 15/05/2024

Nằm dưới chân núi Tổ lại ở vị trí trung tâm của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây từng in dấu thời gian và trở thành một chứng nhân của lịch sử trong giai đoạn cuối của thời phong kiến và những năm tháng bi hùng kháng chiến chống Pháp của phe “chủ chiến” và phong trào cần vương trên mảnh đất xứ Đoài.

1.-cong-tien-thanh-co-son-tay(1).jpg
Cổng Tiền, thành cổ Sơn Tây.

Thời gian lặng lẽ đi qua và thay màu trên từng viên gạch đá ong nâu vàng thô giáp ở các bức tường thành nhưng ký ức về một trong những pháo đài có hỏa lực mạnh nhất, từng gây tổn thất nặng nề cho thực dân Pháp khi chúng nổ súng đánh chiếm Bắc Kỳ hồi nửa cuối thế kỷ XIX thì vẫn còn sống mãi và lưu danh cùng với nghĩa khí của các binh sĩ trong đội quân của Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc. Hơn hai trăm năm đã đi qua số phận của quân thành Sơn Tây gắn liền và thăng trầm cùng với lịch sử của Thăng Long - xứ Đoài nhưng với những gì còn lại ta vẫn thấy nó ngạo nghễ trước mưa nắng và chẳng biết từ khi nào lại trở thành một biểu tượng về lịch sử, văn hóa của đất và người Sơn Tây.

Ngược dòng thời gian, theo những gì thư tịch của người xưa để lại, chúng ta được biết thành Sơn Tây xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng, nhằm trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1802, vua Gia Long trong một chuyến tuần du ra Bắc thấy Bắc Hà vừa dẹp yên, dân vật đều mới, nếu dân không yên thì nước không vững mà triều đình lại ở xa, vua không xử lý kịp thời nên bàn đặt chức Tổng trấn Bắc Thành cho Nguyễn Văn Thành và lấy Thăng Long làm trung tâm hành chính để thay vua giải quyết công việc. Đồng thời để bảo vệ vững chắc cho Bắc Thành - Thăng Long, nhà Nguyễn cũng đã bố trí, xây dựng các vùng đất xung quanh để tạo thành tứ trọng trấn: thành Sơn Tây (phía Tây), thành Nam Định (phía Nam), thành Bắc Ninh (phía Bắc), thành Hải Dương (phía Đông). Thực tế, tứ trọng trấn đã trở thành các vùng phên dậu nhằm che chở, bảo vệ Bắc Thành và cũng tạo thành thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng, các miền, đặc biệt là những vùng biên cương của tổ quốc. Theo đó năm Minh Mạng thứ ba (1822) triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng thành Sơn Tây. Kể từ đây, vùng đất Sơn Tây trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế quan trọng của cả khu vực phía Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ.

Tôi nhớ có lần đọc cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, viết năm 1884, (Nhà xuất bản Hà Nội, năm 2020), thấy vùng đất thành cổ Sơn Tây từng được một bác sỹ của quân đội viễn chinh Pháp tên là Charles Edouard Hocquard ghi lại với một thái độ hết sức ca ngợi về sự phát triển sầm uất: “Con phố đẹp nhất của Sơn Tây chạy về phía sông Hồng. Chính trên con phố này diễn ra hầu hết các hoạt động buôn bán trong thành. Trước cuộc chiến, Sơn Tây có gần hai vạn dân và là nơi kinh doanh sầm uất các mặt hàng tơ lụa, đồ gốm, thuốc lá và trầu cau. Hiện nay thành phố đã thu gọn lại, chỉ có chưa đầy năm ngàn dân. Hoạt động kinh doanh duy nhất còn lại là hoạt động bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho binh lính của chúng tôi”. Đặc biệt, trong cuốn hồi ký này viên bác sĩ cũng đã ghi chép khá tỉ mỉ về tòa thành đá ong độc đáo của vùng đất Sơn Tây như sau: “... Bên trong, giữa thành có một tháp cao mười tám mét. Còn lại là hành cung, nhà ở của các quan tỉnh và kho lương. Phía trước tháp có hai bể nước lớn hình vuông, xung quanh xây gạch và lan can bảo vệ. Theo người ta nói lại, trước đây một bể chứa nước dùng cho quân đồn trú, còn một bể dùng nuôi cá phục vụ bữa ăn ... Cửa đi vào bên trong tháp (cột cờ) đang mở, tôi lên trên đó để xem. Bên trong tháp có một cầu thang xoáy trôn ốc với khoảng 50 bậc bằng đá tảng. Cầu thang này được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời qua những cửa sổ tròn nhỏ, làm cho người ta có cảm giác như đang trèo lên tháp chuông nhà thờ ở làng xã chúng ta... nhấp nhô tám kho gạo dẫn vào hành cung. Hành cung nổi bật hẳn lên với hình bốn cạnh, mái hai tầng uốn cong, phần nhô ra được trang trí bằng những quái vật đầu sư tử mặt nhăn nhó ghép bằng những mảnh sứ xanh lơ gắn xi măng. Hành cung trông ra một sân rộng vuông vức, lát bằng những phiến đá rộng, mài nhẵn. Lối vào sân có hai con sư tử được tạc với kích thước lớn như thật, đang đứng vươn mình trên những khối đá hoa cương màu xám trông rất đẹp. Để vào sân, người ta phải đi qua một hàng hiên đồ sộ hai tầng mái có trổ ba cửa và những gác chuông nhỏ cũng được trang trí nhiều hình tượng khác nhau bằng các mảnh sứ xanh lơ giống như một ngôi chùa....”. Sự gợi dẫn lôi cuốn của cuốn hồi ký đã không khỏi thu hút sự chú ý, khiến tôi phải tò mò tìm về nghiêng ngó.

2.-ky-dai-thanh-co-son-tay.jpg
Kỳ đài thành cổ Sơn Tây.

Thời gian như thoi đưa, tính đến nay tòa thành đã hơn hai trăm tuổi và được xem là một thành quân sự cổ duy nhất làm bằng gạch đá ong ở Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay thành cổ Sơn Tây đang được giữ gìn, trùng tu, phục dựng. Thành cũ tuy có ít nhiều phôi pha nhưng dấu xưa vẫn còn hiện hữu trong các khối công trình với bóng nước thời gian phủ trên từng lớp rêu phong tạo để tạo nên một vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, uy nghi giữa mênh mang xứ Đoài. Theo tư liệu lịch sử để lại, thành cổ Sơn Tây được kiến trúc theo kiểu thành Vauban, một loại thành quân sự của Pháp ra đời vào cuối thế kỷ XVII (Vauban là tên của một kỹ sư). Đương thời, thành Sơn Tây do Thống đốc Thập cơ Vũ Văn Thuận chỉ huy hơn hai ngàn lính thi công. Thời đó, đây là một trong bốn tòa thành được đánh giá là độc đáo và đẹp nhất Bắc Kỳ (ba thành còn lại là Hải Dương làm năm 1804, Bắc Ninh làm năm 1805, Nam Định làm năm 1833). Thành Sơn Tây hiện nay cơ bản vẫn giữ nguyên vẹn được những nét xưa với tổng diện tích là mười sáu hét ta; trên cao nhìn xuống thành có hình tứ giác; cao năm mét; chu vi là một ngàn ba trăm linh chín mét; xung quanh thành là hào nước sâu ba mét, rộng hai mươi mét, dài một ngàn bảy trăm chín mươi lăm mét, lấy nước từ dòng Tích Giang. Nghe kể bức tường thành khi chưa bị phá hủy có chân rộng sáu mét, mặt rộng bốn mét. Thành có bốn cửa cổng mở ra các hướng: Bắc, Nam, Tây, Đông và có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước cổng, hai bên có để mỗi bên một khẩu súng thần công. Khi xưa bốn cổng đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ còn có hai cổng chính là cổng Tiền và cổng Hậu. Cổng Tiền nhìn về phố Quang Trung, cổng Hậu hướng ra phố Lê Lợi. Hai cổng này mỗi cổng có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài cổng có đắp hình dương mã (mang cá) hình chóp nón. Hai cổng Hữu và Tả nay không còn. Xưa kia cổng Hữu hướng ra phía phố Trần Hưng Đạo, cổng Tả quay ra phố Phùng Khắc Khoan. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh, người ta thường gọi lầu canh này là vọng lâu. Bề mặt tường thành được xây bằng gạch đá ong không trát và bên trên có nhiều lỗ giống như lỗ châu mai để quân lính có thể nấp từ trong chĩa súng bắn ra ngoài.

3.-truoc-cua-doan-mon-thanh-co-son-tay.jpg
Trước cửa Đoan Môn thành cổ Sơn Tây

Nhìn tổng thể trục kiến trúc chính của thành cổ Sơn Tây là trục nối cổng Tiền và cổng Hậu. Theo trục kiến trúc này chúng ta lần lượt đi trên chiếc cầu gạch bắc qua hào nước nhưng không đi qua cổng Tiền mà dẫn thẳng vào con đường đâm vào chính giữa cột cờ (Kỳ Đài), hai bên đường có hai hồ nước hình vuông. Nguyên do của sự việc này là sau khi Pháp chiếm được thành đã cho mở đường đi như vậy để thuận tiện cho đi lại nhưng cổng cũ vẫn được giữ nguyên. Bây giờ cổng này đang được bảo tồn, phía trên cổng Tiền cổ thụ mọc um tùm; rễ đa, rễ đề buông xuống, bám chặt và bao quanh chiếc cổng tạo thành một hình ảnh ma mị như cổ tích. Chiếc cổng này hiện nay đang là một điểm đến chụp ảnh thích thú của khách tham quan. Và chẳng biết từ bao giờ chiếc cổng ấy và những cây cổ thụ um tùm trên đó dường như cũng đã trở thành một biểu tượng của thị xã xứ Đoài trong tâm hồn mỗi người thành Sơn.

Bên trong thành Sơn Tây có các công trình: Kỳ Đài (cột cờ), Đoan Môn, Điện Kính Thiên, dinh Tổng đốc, Bố chính, Án sát, Đề đốc, kho tiền, nhà chứa vũ khí, kho lương thực, trại giam… và ở bốn góc thành có bốn ao hình vuông có bậc làm bằng gạch đá ong dùng để chứa nước sinh hoạt. Tuy nhiên theo thời gian và sự tàn phá của chiến tranh nên nội thành hiện chỉ còn Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên và hai ao vuông ở trước cột cờ. Kỳ Đài Sơn Tây to lớn được làm ở giữa thành, xây dựng theo hình tháp có tám cạnh và cao mười tám mét. Từ chân Kỳ Đài lên đỉnh tháp có một cầu thang đá được làm theo kiểu xoáy trôn ốc với năm chục bậc đá, trên đường cầu thang ấy có bố trí các ô cửa sổ nhỏ để lấy ánh nắng sáng và thông khí. Kỳ Đài là nơi thượng cờ nhưng đồng thời cũng là một tháp quan sát, canh phòng cao nhất trong khu vực thị xã. Đứng trên đỉnh tháp khi xưa chưa có các nhà cao tầng lính canh có thể nhìn ra rất xa để quan sát. Vào năm 1940, trên đỉnh tháp người ta cho lắp đặt một hệ thống âm thanh thu phát tín hiệu để báo giờ hoặc thông báo tình hình mỗi khi có sự việc cần thiết. Phía sau Kỳ Đài là Đoan Môn (cổng Vọng Cung). Đoan Môn hiện nay có ba tầng mái cong, góc đao có đắp hình rồng cuốn và có ba cửa uốn vòm để ra vào. Cổng Vọng Cung được kiến trúc theo kiểu chồng diềm, các mái lợp bằng ngói ống lưu ly, trang trí bằng hình tứ quý. Sau Đoan Môn là Vọng Cung. Đoan Môn nối với Vọng Cung bằng một khoảng sân rộng, xưa được lát gạch Bát Tràng nay được lát thêm bằng đá xanh ở chính giữa.

4.-vong-cung-thanh-co-son-tay(1).jpg
Vọng Cung thành cổ Sơn Tây.

Vọng Cung thành Sơn Tây là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế và rất đẹp. Vọng Cung là nơi hàng năm trong những ngày đại lễ các quan đầu tỉnh đến đây để tế trời đất; hướng về kinh đô tế lễ. Đồng thời cũng là nơi làm việc và nghỉ ngơi của nhà vua mỗi khi đi tuần thú xứ Đoài. Xung quanh Vọng Cung có tường bao xây thấp, từ sân vào vọng cung có các bậc đá, hai bên bậc thềm này có đôi rồng đá đục khắc tinh xảo, trong tư thế lộn đầu xuống thấp. Vọng Cung có bảy gian, bên trong có các hàng cột to tròn làm bằng gỗ lim, xung quanh ba phía xây tường gạch, phía trước là hệ thống cửa gỗ. Tòa Vọng Cung được lợp bằng ngói ta trên kiến trúc chồng diềm tám mái, các góc đao có hình rồng uốn lượn rất đẹp mắt. Bên trong Vọng Cung có đặt bàn thờ ở chính giữa với nhiều đồ thờ câu đối hoành phi sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài Vọng Cung ra phía Tây thành còn có Võ Miếu là nơi thờ cúng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến để bảo vệ thành. Trong khuôn viên thành ngoài đường giao thông đi lại bình thường còn có một con đường voi đi gọi là tượng đạo.

Thành cổ Sơn Tây là nơi ghi dấu những chiến tích bi tráng trong lịch sử của vùng đất xứ Đoài hồi cuối thế kỷ XIX. Đó là trận đánh oanh liệt của quân dân xứ Đoài chống lại tám ngàn quân xâm lược Pháp do Thủy sư đô đốc Amiral Courbet, tổng chỉ huy các lực lượng quan viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ dẫn đầu, kéo quân từ Hà Nội lên đánh chiếm thành Sơn Tây vào cuối năm Quý Mùi (1883). Sau này, thành cổ Sơn Tây cũng là nơi được vinh dự hai lần đón bác về thăm, làm việc, nói chuyện với nhân dân xứ Đoài; và đây cũng là nơi diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào tháng 12 năm 1946 để bàn định các vấn đề quan trọng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Giờ đây, thành cổ Sơn Tây đã và đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch xứ Đoài. Trên diện tích mười sáu hét ta mặt đất, mặt nước thành cổ Sơn Tây hiện có một thảm thực vật rất phong phú với đủ những cổ thụ như xà cừ, phượng vĩ, cơm nguội, bồ kết, bằng lăng cho đến các cây dây leo chằng chịt để làm thành một lá phổi xanh, một nhà máy điều hòa không khí tự nhiên nằm giữa phố phương đông đúc. Cái lá phổi xanh ấy, cái nhà máy lọc khí thiên nhiên ấy đã đem đến cho vùng đất đá ong một khoảng không gian thoáng đãng, xanh mát tựa như thiên đường trên vùng đá sỏi. Những tán cây cổ thụ tươi xanh quanh năm duyên dáng như những chiếc ô rộng lớn xoè tán che mưa chắn nắng và nhả bầu dưỡng khí trong lành làm cho thị xã mây trắng trở nên xinh đẹp suốt bốn mùa.

5.-co-gai-thanh-son-ben-hao-thanh-co.jpg
Cô gái thành Sơn bên hào thành cổ.

Hơn hai trăm năm đã đi qua, thành cổ Sơn Tây đã gắn bó với bao thế hệ người dân xứ Đoài. Giờ đây mỗi buổi sớm chiều có biết bao người dân thành Sơn thong dong tản bộ bên bức tường thành, trên những con đường xanh rợp bóng cây hay lặng lẽ đứng bên hào nước mênh mông xanh biếc để thả hồn theo những áng mây bồng bềnh ngang qua thành cổ. Chẳng những vậy, trên những cổng thành cổ kính rêu phong với những chùm rễ cây buông xuống như những dây thừng khổng lồ vặn cuộn xoắn quyện vào nhau đẹp như một Angko Wat thu nhỏ, kỳ vĩ và diễm lệ. Cái vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa rêu phong ấy đã đi vào trái tim của biết bao người xứ Đoài, đằm sâu trong ký ức của biết bao chàng trai, cô gái Sơn Tây. Cứ như thế, nhẹ nhàng và lặng lẽ, từ khi nào chẳng biết, toà thành đá ong đã trở thành một phần máu thịt, một hồn cốt không thể thiếu được của thị xã nhỏ bên dòng sông Hồng đỏ lặng phù sa. Hẳn là trong sâu thẳm tâm hồn, toà thành cổ ấy cũng là nỗi nhớ da diết của mỗi người thành Sơn khi phải đi xa. Nó hiên ngang, sừng sững trong mưa nắng xứ Đoài và trở một chứng nhân của miền đất cổ linh thiêng núi Tản sông Đà. Và có lẽ, hơn những thế, trên hai thế kỷ tồn tại trong lòng thị xã xinh tươi của vùng đất đá ong, toà thành vừa hiện hữu như một hệ sinh thái nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ con người vừa là nơi lưu giữ những ký ức buồn vui, đồng thời cũng là nơi cất giữ biết bao giá trị về kiến trúc, lịch sử… của một thời xưa cũ. Chẳng thế mà bao đời nay tòa thành không chỉ nổi tiếng được nhiều người biết đến mà còn đi vào thơ ca dân gian giống như một niềm tự hào khó cưỡng của người Sơn Tây: "Thành Sơn cổ kính lừng danh/ Vọng cung, Võ miếu tường thành hiên ngang".

Có lẽ với những ý nghĩa giá trị văn hóa và sức sống đặc biệt như vậy mà đương thời, ngay từ năm 1924, thành cổ Sơn Tây đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích. Và đến năm 1994, một lần nữa toà thành uy nghiêm cổ kính ấy lại một lần nữa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là vinh dự cho xứ Đoài, cho thị xã Sơn Tây. Niềm vinh hạnh này sẽ mãi là một nơi nương náu tâm hồn cho người Sơn Tây; là nơi mong đến của mọi người và cũng là một chốn ngóng về của người thành Sơn xa xứ./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Ngọc Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Mùa hoa bằng lăng Hà Nội
    Tôi yêu mùa hoa bằng lăng Hà Nội, yêu màu tím dịu dàng của bằng lăng. Màu hoa đẹp và lãng mạn đã làm dịu đi cái nắng chói chang của mùa hạ. Màu tím của bằng lăng cũng điểm tô cho phố phường Hà Nội có nét đẹp rất riêng. Tôi đã từng say đắm ngắm những cành bằng lăng qua ô cửa. Những cành hoa tím mộng mơ in trên những tòa nhà tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.
(0) Bình luận
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
  • Hà Nội 70 mùa thu yêu dấu
    Tháng mười, mùa thu đã đến! Trời xanh êm và gió mát trong lành. Lòng tôi thấy yêu thương quá đỗi. Yêu thương mùa thu Hà Nội, nhất là những ngày thu tháng mười; có một kỷ niệm vô cùng tươi đẹp: Ngày 10 tháng 10 - Ngày giải phóng Thủ đô. Năm nay Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, người Hà Nội cũng háo hức đợi chờ.
  • Phở Hà Nội
    Du lịch Đà Nẵng cháy phòng khách sạn vào những dịp lễ. Dạo một vòng quanh thành phố Đà Nẵng, những con đường không còn bình yên, cảnh ồn ào, tấp nập của khách du lịch, hầu hết khách sạn, nhà hàng, đều đầy ắp bóng người. Thời đại kinh tế khó khăn, doanh thu từ việc bán phở cũng không giảm bao nhiêu, khách chủ yếu là những người mê phở Hà Nội, cả người bán lẫn người mua đều an tâm vì toàn khách quen và chủ cũng quen.
  • Thanh lịch chiều quán gió
    Quán Gió Hồ Tây ngày xưa ở vị trí đắc địa giữa hai hồ nước đẹp nhất Hà Nội. Nhưng, chiều và tối, quán mới trở nên sống động, với số đông người đến quán để thưởng lãm không khí cuối ngày, đang hoe hoe nét vàng phai rất riêng Hà Nội.
  • Lần đầu ăn phở xếp hàng
    Dù đã nhiều lần đến Hà Nội nhưng do công tác, tôi không có thời gian dành cho thăm thú. Về quê lại lăn xả vào công việc, đến một sáng tháng Mười năm 2022, từ Quảng Bình tôi có công chuyện trở lại Thủ đô. Lúc này, ông bạn đồng hương sốt sắng dùng xe máy chở tôi dạo quanh một vòng, chiêm ngưỡng các danh thắng. Chừng thấm mệt và thấm cả sự cồn cào của dạ dày, bạn gây cho tôi sự tò mò, bảo “Tôi đưa ông đi ăn phở xếp hàng!”. Con AirBlade tiếp tục lao đi giữa phố phường tấp nập, bạn đưa tôi đến một quán phở, không lấy gì làm to tát ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Quán phở gia truyền số 49 Bát Đàn!
  • Lời ru từ hồn thiêng xứ sở
    Một buổi sáng nắng dịu dàng ôm ấp những hàng cây, tôi lang thang từ chùa Trấn Quốc dọc theo bờ Hồ Tây chừng quãng ngắn rồi ghé vào thăm ngôi đền Quán Thánh trầm mặc, nơi lưu giữ cả ngàn năm lịch sử của Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Sơn Tây, một thoáng thành cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO