Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội trong tôi là Ga Hàng Cỏ

Chung Tiến Lực 12/05/2024 14:00

Ga Hà Nội là một trong những biểu tượng trung tâm của Thủ đô Hà Nội! Mỗi khi nhắc tới Ga Hà Nội, tôi lại hình dung một đoàn quân với những hàng ngang, hàng dọc ngay ngắn trên sân ga.

ga_ha_noi_-_nks-1-copy.jpg
Ga Hà Nội như một điểm hồng tâm, tỏa ánh sáng ra năm con đường xuôi, ngược

Họ là những chiến sỹ vệ quốc với trang phục giản dị, quần túm ống, đeo sau lưng túi vải cũng buộc túm tòn ten bộ quần áo vải thô. Với tinh thần: “Miền Nam là máu, là thịt của Việt Nam”, các đơn vị ở miền Bắc, miền Trung được lệnh hành quân “Nam tiến”. Phương tiện hành quân cơ giới là tàu hỏa. Phần đông, số quân nhân “Nam tiến” thời ấy là đội mũ ca lô có ngôi sao vàng năm cánh thêu bằng chỉ kim tuyến. Dọc đường hành quân họ hào hùng hát vang bài Tiếng gọi thanh niên: … “Này thanh niên ơi/quốc gia đến ngày giải phóng/Đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống/Vì non sông nước thiêng, làm sao luôn vững bền/…”. Trang phục, trang bị đơn sơ nhưng mặt ai cũng ngời ngời ánh lên niềm tin chiến thắng. Đây là sự kiện lịch sử nhưng với tôi có ý nghĩa ấn tượng về lòng yêu nước và mãi khắc sâu trong tâm tưởng sự cảm phục, biết ơn...

Theo người Hà Nội, Ga Hà Nội như một điểm hồng tâm, tỏa ánh sáng ra năm con đường xuôi, ngược. Những Yên Bái, Lào Cai; những Thái Nguyên, Quảng Ninh; Hải Phòng, qua Bắc Ninh, Bắc Giang lên biên giới Lạng Sơn, Ðồng Ðăng rồi sang cả Vân Nam - Trung Quốc. Từ nhà ga này, một tuyến đường sắt dài theo chiều dài đất nước vào miền Nam thân yêu.

Tôi vẫn tự hỏi: Từ bao giờ, Ga Hàng Cỏ xưa và Ga Hà Nội ngày nay đã trở thành một biểu tượng, một điểm hẹn không chỉ người Hà Nội mà của du khách thập phương? Qua bao nhiêu biến cố lịch sử, nhà ga đường sắt nằm giữa lòng Thủ Đô là chứng nhân những cuộc chia ly và trùng phùng hội ngộ, chiến tranh và hòa bình. Trong lòng tôi bỗng ngân rung giai điệu bài hát Cuộc chia ly màu đỏ với những ca từ da diết, yêu thương.

Ngày nay, ga Hà Nội tiếp tục chứng kiến khát vọng đổi mới, phát triển, đi lên của người Việt Nam.

Ngày mới ra Hà Nội, khi tìm hiểu về cầu Long Biên, tôi được biết hơn trăm năm trước, những công trình Nhà Hát lớn Hà Nội, cầu Long Biên, Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) đã làm thay đổi bộ mặt của Kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Tiếng còi tàu, tiếng máy nổ xình xịch của động cơ đốt ngoài cũng đã trở thành máu thịt của người Hà Nội. Hỏi ai người nghe tiếng còi tàu mà không bồi hồi, da diết? Đoàn tàu đi và trở lại mang theo niềm hạnh phúc của ngày hội ngộ cũng như nỗi xao xuyến, bâng khuâng khi phải chia xa.

Ga Hà Nội, những năm chiến tranh là trọng điểm đánh phá của lũ giặc trời, bởi nơi đây là điểm xuất phát của biết bao chàng trai, cô gái Hà Nội và cả miền Bắc “xếp bút nghiên lên đường”. Những người lên đường ngày ấy, không thể quên không khí náo nức sân ga với tâm trạng háo hức, chộn rộn.

Ký ức về Hà Nội trong tôi ư? Là lần hành quân bằng đường sắt lên biên giới phía Bắc xuất phát từ ga Hà Nội. Tháng 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đánh sang các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Đang là học viên Học viện Quân sự, nhưng chúng tôi được lệnh hành quân đến các đơn vị trực tiếp chiến đấu để chăm lo bảo đảm Hậu cần - Kỹ thuật vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tranh thủ viết thư về nhà động viên gia đình, chúng tôi chuẩn bị quân tư trang gọn nhẹ . Sách vở tài liệu liên quan đến nghiệp vụ chỉ mang theo loại thật cần thiết. Còn lại, đóng gói ghi rõ họ tên, địa chỉ gia đình giống như quân tư trang để lại hậu cứ khi bước vào chiến dịch trong chiến đấu. Ăn cơm chiều tại Học viện, chúng tôi hành quân bộ đến Ga Hà Nội. Giống như đoàn quân “Nam tiến” trước đây, cũng đứng thành từng hàng ngàng, dọc trên sân ga Hà Nội chờ các đoàn tàu quân sự để đi các hướng Quảng Ninh, Lạng sơn, Hoàng Liên Sơn... Đầu tàu xe lửa chạy bằng động cơ đốt ngoài, nhìn to cao hùng dũng cứ tiến ra lùi vào ga để dồn chuyển, khớp nối với các toa tàu. Trời tháng chạp đang lạnh nhưng khói đốt than, tiếng còi tàu, tiếng đầu máy nổ làm không khí sân ga nóng lên. Ai đó, phảng phất trên nét mặt sự đăm chiêu, tâm trạng chộn rộn đến bồn chồn. Lúc này trên biên giới đang có những trận đánh ác liệt. Ta và địch gành giật nhau từng mé đồi, con suối. Chúng tôi, người mắc võng trên thành tàu, người trải áo mưa nằm ngay trên sàn tàu hay nằm trên ghế tranh thủ ngủ. Đoàn tàu xình xịch rời ga, tiếng bánh sắt gõ từng nhịp đều đều xuống khe co giãn của đường ray nghe quen thuộc, rồi lắc lư, lắc lư như đưa võng. Phố xá, những ngọn đèn điện lùi dần, nhường không gian cho mênh mông tối sẫm, những cánh đồng, làng mạc mải miết lùi mãi về phía sau. Mới đầu, trong toa tàu còn chuyện trò rôm rả với những câu chuyện tiếu lâm đặc chất lính. Cũng có mấy mái đầu gục trên hai cánh tay thổn thức lần đầu ra trận. Đoàn tàu Quân sự, chỉ dừng ở một số nhà ga để tác nghiệp kỹ thuật. Khi đoàn tàu dừng, ngồi trong toa, tôi nhìn thấy những nhà ga yên lặng chìm trong màu đêm. Khách đi tàu thưa vắng lắm, bao trùm không khí thời chiến. Nhân viên nhà ga đeo súng trường đi lại tác nghiệp kỹ thuật trên sân ga. Tôi ngủ thiếp đi, khi mở mắt ra thì đoàn tàu đã dừng lại ở ga Đồng Mỏ. Cấp trên thông báo đoàn tàu dừng ở đây để bảo đảm an toàn, chỉ ga trên nữa thôi đã trong tầm đạn pháo cối của địch bắn tọa độ. Chúng tôi xuống tàu hành quân bộ về các đơn vị làm nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật… Giở lại những trang nhật ký hành quân trong sổ tay, còn lưu mấy câu thơ: “Nghe tiếng hô/Tiểu đoàn hàng ngang/Đại đội hàng dọc!/Chúng tôi đứng nghiêm nghe mệnh lệnh lên đường/ Sân ga Hà Nội tiễn đội hình ra trận/Hành quân về hướng Biên cương.” Và “Tâm trạng buồn vui, không giấu được/Đồng đội sẻ chia, gian khổ có nhau/Ngược gió mùa, xuyên màn đêm lạnh giá/Vạm vỡ ngực trai, ấm cả toa tàu.”.

Với nhiều thế hệ người dân Hà Nội, năm 1976 là dấu mốc đáng nhớ. Sau khi Ga Hàng Cỏ được chính thức đổi tên thành Ga Hà Nội, Chính phủ đã quyết định tổ chức đoàn tàu Thống Nhất thông tuyến đường sắt Bắc Nam. Tuy nhiên, tên Ga Hàng Cỏ vẫn nao nao gợi nhớ về “một thời đạn bom, một thời hoà bình”. Tôi biết, không ít người Hà Nội gắn kỷ niệm tuổi thơ của mình với nhà ga, với đoàn tàu xình xịch chạy dọc theo những dãy nhà san sát nhau ở đường Lê Duẩn, phố Phùng Hưng hay Khâm Thiên… Mỗi khi, đoàn tàu ra đi hay trở về thành phố đều vang hồi còi chào phố, chào ga, như là tiếng gọi, tiếng reo thân thương. Có nhiều người đứng chờ đoàn tàu qua nơi gác chắn, đợi tàu đấy nhưng không ai tỏ ra sốt ruột hay phiền lòng, họ chăm chú dõi theo đoàn tàu, hết toa này đến toa khác, những ánh mắt dài theo từng nhịp bánh xe quay. Nơi đẹp nhất để ngắm tàu chạy qua là phố Phùng Hưng, đoạn giao với đường Trần Phú. Nhịp sống của người dân ở dọc theo đường tàu không sôi động như ở những đường phố khác, mà chậm rãi, đều đều như cái cách đoàn tàu trở về với thành phố thân yêu. Vẻ trầm tư ấy khiến du khách chọn đây làm nơi thư giãn, ngắm tàu và chụp ảnh kỷ niệm. Nhiều quán cà phê đường tàu vì thế mà mọc lên. Không gian nhỏ hẹp, hành lang an toàn đường sắt được xếp ghế làm chỗ ngồi cho khách uống cà phê. Thành phố vận động người dân dẹp lại những quán cà phê đường tàu, giữ bình yên ngõ phố, giữ an toàn cho người dân và cả những chuyến tàu qua lại.

Tiếng loa vang lên nghe truyền cảm khi có đoàn tàu sắp đến hay sắp rời Ga Hà Nội. Trong những ngày giáp Tết, âm thanh ấy lại trở nên sôi động ngọt ngào, thân thương ghi sâu vào ký ức người đi tàu. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi, tiếng đầu máy nổ xình xịch, tiếng của bánh sắt gõ đều đều vào khe co giãn đường ray, hay tiếng gió vù vù vuốt dọc đoàn tàu trên suốt hành trình còn đưa họ về với những kỷ niệm của ngày chưa xa, với những chuyến tàu vào Nam hay ra Bắc.

Người lớn tuổi thường hay hoài niệm về thời gian khó, thời đạn bom. Ngồi trong toa tàu đấy, nhưng đầu óc lại nhớ về thời đoàn tàu là mục tiêu săn đuổi của chiến tranh phá hoại. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Ga Hà Nội cũng như nhiều nhà ga khác đều là mục tiêu trút bom của giặc trời. Thế nhưng các nhà ga tàu hỏa Miền Bắc đã làm trọn nhiệm vụ của Hậu phương lớn với Tiền tuyến lớn. Hồi ấy, trang thiết bị vũ khí hạng nặng và siêu dài (xe tăng, tên lửa phòng không, pháo lớn…) đều do tàu hỏa chở vào đến Ga Vinh rồi vượt Trường Sơn vào chiến trường.

Mãi nhớ đoàn quân từ Ga Hà Nội ra trận vẫy chào, ném thư nhờ người đi đường bộ bỏ giúp vào thùng thư bưu điện gửi người thân. Tôi nhớ mấy câu thơ nhưng không nhớ tên tác giả: “ “Thời chúng tôi sống/Ga Hàng Cỏ, không còn ai bán cỏ/tràn ngập sân ga quân phục mày xanh/xanh thắm những chuyến tàu chở đoàn quân ra trận/xanh thắm sức vóc tuổi thanh xuân lồng lộng/vươn những cánh tay vẫy chào như sóng cỏ giữa trời xanh?/… Chúng tôi đã đi qua một thời gian khổ/Đã có một ngày sân ga Hàng Cỏ/Tràn ngập màu xanh, những người lính trở về”.

Mỗi lần vào Ga Hà Nội. Nghe tiếng loa với chất giọng truyền cảm nhắc giờ tàu chạy, tiếng còi tàu tu tu chào ga… tôi lại tha thiết nhớ thời quân ngũ với những cuộc hành quân. Không phải là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng ký ức về Hà Nội trong tôi là Ga Hà Nội với những xúc cảm về chia xa và hội ngộ, xúc cảm về những chuyến đi xa./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Chung Tiến Lực. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội dấu trong mình điều gì
    Với mình, Hà Nội lúc nào cũng rộng lớn. Hay ít ra thì thành phố này đủ rộng để cất giấu trong mình vô vàn những bí mật không tên.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong tôi là Ga Hàng Cỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO