Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Nghề thuốc ở xứ Đoài

Đường Thu Trang 17/05/2024 20:32

Nhắc đến xứ Đoài, trong tâm thức người Việt Nam ta đó là vùng đất cổ, nơi lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa được trầm tích qua hàng ngàn năm. Xứ Đoài, tên gọi quen thuộc, nhưng không dễ để hiểu tại sao lại gọi như vậy.

fw-gui-bai-1431_20210721_473-143751.jpeg
Nét cổ kính ở làng quê xứ Đoài ngày nay. (ảnh: internet)

Lấy trung tâm là Hoàng thành Thăng Long, các khu vực xung quanh được gọi tên theo hướng: xứ Bắc, xứ Nam, xứ Đông, nhưng lại là xứ Đoài mà không phải xứ Tây. Nhiều nhân vật trong và ngoài giới nghiên cứu đều có những lý giải khác nhau mà chưa có sự tường tận. Tác giả viết về xứ này nên mượn cách lý giải của nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo Đỗ Tiến Bảng, một người con của vùng đất Sơn Tây – Xứ Đoài, được đề cập đến trong cuốn sách Tìm lại dấu xưa, thầy lý giải như sau: Đoài vừa chỉ phương Tây, vừa là một quẻ trong bát quái. Quẻ Đoài qui vào ngũ hành thuộc Kim, qui phương hướng thuộc phương Tây, hai quẻ Đoài chồng lên nhau là Bát thuần đoài, nghĩa trong Kinh Dịch là: “Đoài hanh lợi trinh” (Quẻ Đoài hanh lợi về sự chính bền), “Đoài là đẹp lòng”, “cứng trong mà mềm ngoài”, “thuận với trời, ứng với người”. Phan Huy Chú khi viết về Sơn Tây trong Lịch triều hiến chương loại chí, đã làm rõ nghĩa: “núi cao sông lớn hơn cả các nơi, thực đáng gọi là chỗ đất vui vẻ ở phương tây… Thực là một khu có hình thế tốt đẹp và là chỗ đất có khí thế hùng hậu”. Nơi “đất có khí thế hùng hậu”, tức là nơi hội tụ nguồn năng lượng mạnh mẽ. Từ trong lòng đất, nguồn năng lượng này chuyển hóa vào cỏ cây, tạo nên nguồn dược liệu thiên nhiên vô cùng phong phú, là nguồn gốc mang đến cho xứ này một nghề đó là nghề làm thuốc.

Bài viết được tác giả tập trung vào vùng trung tâm xứ Đoài, Sơn Tây – Ba Vì, trên cơ sở những quan sát, ghi chép từ trong đời sống dân gian một số cây thuốc Nam, những câu chuyện về một vài vị thầy thuốc trong vùng, cũng là điểm những nét vẽ đầu tiên cho bức tranh của nghề làm thuốc.

Xin được bắt đầu câu chuyện vào Ngày cây thuốc - Ngày Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch, là thời gian dược tính của thuốc mạnh nhất, do vậy đây là ngày thu hái tốt nhất các loại thuốc trong tự nhiên. Vào ngày này, về Đường Lâm - vùng đất được mệnh danh là ấp hai vua, sẽ không khó để bắt gặp những bó cây có ngọn màu đỏ, lá xanh, mà dân gọi là cây Thành Ngạnh (cây Ngọn đỏ). Cây này mang về, chặt nhỏ rồi cho vào túi, buộc kín 2-3 ngày cho lên men, sau bỏ ra phơi rồi uống như trà, rất bổ máu. Trong các tài liệu về cây thuốc Nam, đây là loài phân bố chủ yếu ở phía bắc Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... Bộ phận dùng làm thuốc thường là lá, vỏ và rễ ít phổ biến hơn. Cây cho thu hoạch quanh năm (tài liệu hướng dẫn có thể dùng tươi hoặc sấy khô, nhưng nguồn tri thức dân gian lại khuyên nên để cho lên men rồi mới phơi sấy). Công dụng của thuốc trong Đông y là thanh nhiệt, giải độc, chủ trị nóng trong người, tăng huyết áp... Tây y chứng minh loại cây này còn có tác dụng chống oxy hóa hơn cả chè xanh, dịch chiết từ cây có thể chống đông máu, tăng cường tuần hoàn máu não. Nghiên cứu từ Trung Quốc, Thái Lan bổ sung thêm công năng bảo vệ mạch máu khỏi những tác động bất thường.

2(2).jpg
Cây Ngọn đỏ có tên chính thức là cây Thành Ngạnh (Cratoxylum maingayi). (ảnh: tác giả)

Từ Đường Lâm, vùng đất làm thuốc hiện ra trước mắt với những ngọn đồi nối tiếp nhau, là đặc trưng của vùng trung du. Đồi, là vùng đất của một loài cây rất quen thuộc: cây Chổi Sể - loài cây được sử dụng làm chổi quét sân nức tiếng một thời. Nếu ai có tuổi thơ rong chơi trên những quả đồi thì chắc chắn không thể quên mùi ngai ngái của loại cây này. Cây Chổi Sể có thân dẻo dai nên được tận dụng làm chổi quét, vừa nhẹ lại vừa bền, để lại dấu ấn văn hóa đời sống của người dân vùng đồi trung du trước khi bước vào thời kỳ nhựa hóa những chiếc chổi truyền thống.

Cây Chổi Sể, trong Đông y, là một loại thuốc Nam rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh xương khớp, sát trùng, lợi tiểu, điều kinh, trị giun, chế tinh dầu thơm... Trong dân gian còn dùng thân lá Chổi Sể hun dưới gầm giường để trị đau đầu, cảm cúm, mình mẩy đau nhức.

3(2).jpg
Cây Chổi Sể (Baeckea frutescens L, họ Đào Kim Nương, tên khác là cây Chổi Xuể, Thanh Hao. (ảnh: tác giả)

Vượt qua vòng cung đồi, đến chân núi Ba Vì, núi tổ của nước ta, nơi thờ một trong Tứ Bất Tử - Đức Thánh Tản Viên. Trên vùng đất này, có một loài cây rất đặc biệt, cây Vằng, còn gọi là cây Chè Vằng, hay cây Lá Vằng. Cây mọc trên núi, phân bố ở nhiều khu vực trên lãnh thổ nước ta, có dược tính cao nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ. Chè Vằng tăng cường lưu thông máu, ổn định huyết áp, giúp ngủ ngon hơn và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, trong chè Vằng còn có hoạt chất flavonoid có khả năng ngăn ngừa tế bào ung thư. Có một câu chuyện được kể lại bởi một sĩ quan biên phòng trong quá trình công tác tại Học viên Biên Phòng ở Sơn Tây, ông kể rằng, những lần đi công tác tại các đồn biên phòng ven biên giới phía Tây, ông thấy người dân trong vùng, mặc dù sống ở nơi rừng thiêng nước độc mà cơ thể khỏe mạnh, ít ốm đau, ông bèn tìm hiểu, thì ra người dân ở đây thường hái lá và thân cành cây Vằng trong núi, về phơi, hoặc xao khô để uống. Loại trà này có vị đắng nhưng ngọt hậu. Sau khi quay về Sơn Tây, ông đã đi khảo sát vùng đồi, núi trong vùng, thấy loài cây này cũng phát triển ở đây, bèn bày cách cho người dân sống gần đó vào rừng thu hái, về chế biến rồi bán như một loại trà khô, mang lại nguồn thu đáng kể.

Dạo qua vùng đồi, núi, ta tiến sâu vào cộng đồng dân cư nơi đây để tìm hiểu về lệ, tục trong đời sống gắn với vùng đất làm thuốc. Một trong những tập tục quen thuộc gắn với bao đời, hiện nay đang có nguy cơ mai một đi, đó là tục ăn trầu của các cụ già. Miếng trầu ngon là phải có đủ: lá Trầu, quả Cau, vôi tôi, chút thuốc lào và miếng vỏ. Trong các thành phần này, vỏ là thứ khiến bọn trẻ tò mò nhất, vì không biết cái cây cho vỏ nó hình dạng ra sao, mọc ở đâu mà các cụ lại chỉ chọn mỗi loại này cho một miếng trầu ngon. Vỏ, đến từ cây Chay, một loài cây gỗ, lá xanh tỏa mát một góc vườn, quả còn xanh nấu canh chua, kho cá; khi chín ăn rất ngon, vị ngọt; hạt phơi khô, rang lên ăn bùi như lạc. Vùng Sơn Tây – Ba Vì trước đây trồng nhiều cây Chay, ngoài việc cung cấp vỏ cho các cụ ăn trầu, ruột gỗ sau khi đẽo hết vỏ có khi được tân dụng làm cái chày, hay trò chơi nào đó của trẻ con. Trong Đông y, thân, vỏ, rễ cây Chay là vị thuốc dành cho tủy, xương. Cây này có một đặc tính rất kỳ lạ, trong quá trình hái quả, nếu không để ý mà xếp chúng luôn vào túi, đến lúc muốn gỡ ra cũng khó vì nhựa sẽ dính chặt các quả lại với nhau. Kinh nghiệm là, hái quả đến đâu thì để ngay cạnh gốc, giống như quả đang trả lại nhựa vào đất thì chúng mới sẵn sàng cho sự rời đi.

4.jpg
Cây Chay (Artocarpus tonkinensis) (ảnh: tác giả)
5.jpg
Cây Chè Vằng (Jasminum Subtriplinerve) (ảnh: dantocmiennui.vn)

Những loài cây vừa kể trên là thực vật bản địa ở vùng đất này, gắn liền với đời sống dân gian, tạo nên những dấu ấn văn hóa nhất định; đồng thời góp phần làm giàu thêm kho tàng cây thuốc trong vùng. Ở đây, bên cạnh câu chuyện cây thuốc, còn có rất nhiều câu chuyện về các thầy thuốc trong vùng. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng khu vực Sơn Tây – Ba Vì là vùng tập trung nhiều thầy thuốc Đông y, ở phố thì một đến hai con phố lại có cửa tiệm khám chữa bệnh Đông y, hoặc làm nghề liên quan đến Đông y, trong làng thì không cần treo biển người dân cũng biết được nhà thầy Đông y chữa bệnh gì, ở đâu. Các thầy thuốc có nguồn gốc xuất thân cũng rất đa dạng, người là dân bản địa, người từ nơi khác đến đã định cư được mấy đời, người là hậu duệ của người Hoa từng sinh sống ở đây; rồi thầy thuốc không chỉ có người Kinh, mà còn người Dao, người Mường, trong đó số thầy thuốc người Kinh là chủ yếu, diện phân bố rộng. Họ đặc trị một vài loại bệnh, có những bệnh nhân bệnh viện trả về, họ vẫn có thể chữa khỏi được. Như trường hợp ông nội tác giả bài viết có bài thuốc chữa bệnh ngoài da, có người bị nấm gây nhiễm trùng vào máu, bệnh viện trả về, sau thời gian ông điều trị, bệnh tình khỏi hẳn. Có thầy thuốc chuyên chữa thận, bệnh nhân cũng trong tình trạng bệnh viện trả về, ấy vậy mà đến tay cụ thì bệnh tình thuyên giảm. Sau khi cụ mất, con trai và con dâu cụ còn nghiên cứu và điều chế thêm bài thuốc chữa dạ dày rất công hiệu, có người điều trị dạ dày, không biết đại tràng bị hư tổn, đến khi khỏi bệnh dạ dày thì đại tràng cũng khỏi theo.

Các thầy thuốc người Mường, người Dao trong vùng lưu giữ nhiều bài thuốc cổ, rất quý. Với nhóm cộng đồng người Dao, họ còn thành công trong việc xây dựng bản làng mình thành làng thuốc người Dao được nhiều người biết đến, thậm chí còn truyền nghề cho nhiều thầy thuốc người Kinh, như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từng kể trong cuốn tự truyện Búi Thông thơ dại, rằng cụ thân sinh cũng từng theo người Dao học thuốc rồi về Đường Lâm chữa bệnh cho dân…

Mỗi bước chân đi, mỗi hành trình tiếp nối, ta lại tiếp tục sưu tầm và ghi chép những câu chuyện mà cỏ cây trong vùng kể ta nghe, những kinh nghiệm mà cộng đồng dân cư địa phương còn lưu giữ và truyền lại. Đó chính là kho tàng tự nhiên học địa phương, là kho tàng tri thức dân gian mà mỗi chúng ta, không riêng gì ai, đều phải có trách nhiệm nhận thức đúng đắn và giữ gìn. Vùng đất khỏe mạnh, mới có thể lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa có bề dày như vậy.

Xứ Đoài – Đất trăm nghề, trong đó có nghề làm thuốc được lưu truyền từ nhiều đời nay!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đường Thu Trang. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Mùa hoa bằng lăng Hà Nội
    Tôi yêu mùa hoa bằng lăng Hà Nội, yêu màu tím dịu dàng của bằng lăng. Màu hoa đẹp và lãng mạn đã làm dịu đi cái nắng chói chang của mùa hạ. Màu tím của bằng lăng cũng điểm tô cho phố phường Hà Nội có nét đẹp rất riêng. Tôi đã từng say đắm ngắm những cành bằng lăng qua ô cửa. Những cành hoa tím mộng mơ in trên những tòa nhà tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nghề thuốc ở xứ Đoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO