Kỷ niệm một chuyến tham quan
Ngày xưa, ngôi trường cấp 2 nơi tôi theo học vẫn giành phần thưởng đặc biệt cho các học sinh khá, giỏi khi kết thúc năm học. Đó là những chuyến tham quan du lịch khám phá những vùng đất mới để học sinh hiểu biết thêm về quê hương đất nước như đi tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), nhà máy thủy điện Hòa Bình (Hòa Bình),... Những chuyến đi ấy thật quý giá bởi những năm tháng đó còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện như bây giờ!
Kết thúc năm học lớp 6 đầu cấp, tôi cũng may mắn là một trong những học sinh được nhận phần thưởng đặc biệt ấy của nhà trường. Năm đó, trường tôi tổ chức cho học trò đi tham quan Hà Nội. Khỏi phải nói tôi và các bạn đã háo hức như thế nào! Cứ nghĩ đến được đi thăm Lăng Bác, được ra Hà Nội chơi là biết bao ngày tôi thấy vui vẻ, phấn chấn, mong ngóng vô cùng. Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước. Hai tiếng “Hà Nội” thật thiêng liêng, đẹp đẽ mà những đứa trẻ vùng nông thôn như tôi và chúng bạn chưa từng một lần được đặt chân đến bao giờ!
Chuyến xe lăn bánh, càng gần tới Hà Nội, tâm trạng đứa nào cũng bồi hồi không dứt. Từng ánh mắt chăm chú dõi nhìn những thay đổi của cây cối, cảnh vật bên đường.
- Đến rồi!
Tiếng bác tài vang lên đánh thức không khí ngưng đọng, cả đoàn ồ lên hồ hởi xuống xe. Khởi hành từ lúc tinh mơ, đến Hà Nội lúc sáng sớm, khi hơi sương vẫn còn vấn vương trên cành lá. Ban mai ửng hồng mới chớm ở phía chân trời. Hà Nội đang đón bình minh lên thật yên bình. Không ồn ào, chen lấn, chúng tôi nhanh chóng xếp thành hai hàng theo hướng dẫn của các cô chú quản lí tiến về phía Lăng. Quảng trường Ba Đình rộng lớn với hàng trăm ô cỏ xanh mướt, hàng cây rì rào trong gió. Tiếng chim chóc chíp chiu lảnh lót chào ngày mới. Và kia là rặng tre ngà vàng óng vươn mình đu đưa trong nắng mai. Mọi cảnh vật mới nhìn thấy lần đầu tiên nhưng vẫn có cảm giác thân quen bởi đã từng nghe nhiều qua thơ ca, nhạc họa. Cả đoàn chúng tôi tập trung giữa quảng trường bao la. Tại vị trí trung tâm của quảng trường, đứng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bạn học sinh đại diện đọc báo công thành tích học tập dâng lên Bác. Ngước nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới trong gió lộng, không khí trang nghiêm hòa trong tiếng nhạc nghi lễ làm dấy lên những cảm xúc tự hào và thiêng liêng biết bao.
Thành từng hàng dài trật tự, chúng tôi theo đường dẫn tiến vào trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngắm nhìn “Mặt Trời trong lăng rất đỏ”, cảm xúc xúc động như vỡ òa! Không gian yên lặng bỗng có tiếng suỵt soạt, thút thít của các bạn nhỏ. Vẫn men theo dọc lối đi, bao ánh mắt chỉ dồn về một hướng, lặng ngắm nhìn như thấy Bác đang nằm ngủ kia thôi. Vẫn vầng trán rộng, râu tóc bạc phơ, bờ mi khép nhẹ và khóe miệng như khẽ mỉm cười với các cháu! “- Bác Hồ!” - một âm thanh trong trẻo khẽ bật ra! Những ánh mắt rưng rưng nhòe lệ. Những bước chân nhẹ nhàng chầm chậm đầy lưu luyến. Những tâm trạng xốn xang cứ ngoái nhìn lại mãi cả khi đã qua lối rẽ ra ngoài! Có những bạn lúc này không kìm nén được òa khóc nức nở mãi không thôi! Bác kính yêu của chúng cháu đã đi xa mà như vẫn đang ở bên, đang dõi theo sự trưởng thành của các cháu! Bác ơi! Chúng cháu xin hứa sẽ luôn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt thưa Bác!
Bầu trời Ba Đình trong xanh lộng gió. Khung cảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh thẳm, Lăng Bác uy nghiêm và tĩnh mịch giữa quảng trường bao la và đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ trong lăng đã trở thành một dấu ấn không thể phai nhòa. Những ánh mắt trong trẻo, long lanh chất chứa niềm tin yêu với Bác. Bạn nào cũng dâng lên nghị lực phấn đấu quyết tâm học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ!
Sau khi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xong, đoàn chúng tôi tiến về thăm Phủ Chủ tịch - nơi ở và làm việc chủ yếu của Bác Hồ sau khi từ chiến khu trở về. Ai nấy ngỡ như đi lạc bước vào khung cảnh của một làng quê Bắc Bộ ngay giữa lòng Hà Nội. Chị hướng dẫn viên giới thiệu, lúc chuẩn bị xây dựng nơi này, Bác đã yêu cầu kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh phụ trách thiết kế rằng: “Nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người ở, gỗ làm nhà bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có hai phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt”. Bác còn đề nghị xây bệ xi măng rộng và thấp, lát gỗ bên trên tạo thành hàng ghế ngồi xung quanh căn phòng ở tầng một, để các cháu thiếu niên nhi đồng khi đến thăm Bác có đủ chỗ ngồi.
Theo ý nguyện của Người, ngôi nhà sàn đơn sơ, nhỏ gọn được xây dựng thấp thoáng dưới những tán cây xanh mát phía sau khu vườn Phủ Chủ tịch. Bao quanh nhà là các hàng rào râm bụt và rất nhiều loại hoa, cây ăn quả, cây lấy bóng mát như: hoa nhài, mẫu đơn, dạ lan, cây cam, bưởi, chuối, dừa, vú sữa,... và cổng chào kết bằng những cành cây đan xen nhau. Nhà sàn đơn sơ làm bằng loại gỗ thông dụng, lợp mái ngói, bốn phía treo mành tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc. Những vật dụng Bác dùng hàng ngày vẫn còn đó như chiếc giường đơn, tấm chiếu cói, bàn làm việc, ghế ngồi, tủ quần áo, cây quạt cọ, giá sách, máy đánh chữ,... Cuộc sống giản dị, hòa mình vào thiên nhiên đó của một vị lãnh tụ dù đã được nghe kể nhiều qua sách vở, nay được chứng kiến tận mắt vẫn khiến nhiều người không khỏi rưng rưng ướt mi. Bác Hồ của chúng ta, một vị lãnh tụ thiên tài, linh hồn của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX đã chọn cho mình một cách sống thanh tao, mộc mạc đến thế. Phải chăng, đó chính là nguồn cảm hứng cho những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Nhà gác đơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn...”
(Trường ca “Theo chân Bác”)
Phía trước nhà sàn là không gian rộng lớn của “ao cá Bác Hồ”. Sau giờ làm việc, Bác vẫn thường tới đây cho cá ăn để thư giãn, rồi lại tự tay chăm sóc vườn cây tạo cho các cháu có chỗ vui chơi khi đến thăm. Lời chị hướng dẫn viên ngọt ngào càng thêm lay động bao con tim đang thổn thức. Có thể thấy, dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn giành một tình cảm đặc biệt với các cháu!
Với những đứa trẻ miền quê, lần đầu tiên đến với thủ đô Hà Nội, đến thăm Lăng Bác và thăm nơi ở, nơi làm việc của Người ở Phủ Chủ tịch khi ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm can. Trở về từ chuyến tham quan ấy, bao ngày sau, chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau những kỉ niệm, cảm xúc thổn thức về Bác, về thủ đô Hà Nội yêu dấu!
Dù đã đi xa, với di sản cả cuộc đời để lại, Người vẫn là Mặt Trời soi sáng đường chúng ta đi hôm nay và mai sau. Để rồi rất nhiều lần trở lại, tôi vẫn bồi hồi nhớ như in về buổi sáng trong xanh giữa bầu trời Thủ đô Hà Nội năm ấy! Đây Thủ đô mến yêu, Bác Hồ kính yêu của chúng ta./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hà Nguyên Thảo. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |