Đình Yên Lạc (huyện Thạch Thất)
Đình Yên Lạc thuộc địa phận xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đình được gọi theo tên thôn. Thôn Yên Lạc còn có tên Nôm là Gượm. Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 18 tháng 01 năm 1993.
Đình nằm trên một roi đất cao hình hàm hổ, trông ra sông Tích, trước cửa đình có đôi voi phục chầu vào nhà thánh, làm bằng đá ong. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm, ít thấy ở các địa phương khác.
Khu di tích kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 5 gian 2 dĩ với 6 bộ vì, 2 tầng 8 mái. Các bộ vì làm theo kiểu chồng rường con tiện, kẻ, bẩy. Lối kiến trúc này tránh sự nặng nề, tạo cho công trình dáng vóc thanh thoát. Nghệ thuật điêu khắc ở Đại bái đình Yên Lạc chủ yếu là đề tài tứ linh, tứ quý, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hậu cung kiểu chữ “nhất” nằm song song với Đại bái, bên trong đặt khám thờ, phía trên treo tấm hoành phi lớn sơn son thếp vàng đề chữ Hán “Thượng đẳng tối linh từ”. Khám thờ đặt 3 bài vị thành hoàng làng, chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Đình Yên Lạc còn lưu giữ nhiều đồ thờ tạo tác thời Nguyễn như 4 bộ kiệu, 2 hương án thờ kép và đơn.
Đình Yên Lạc thờ ba vị Thành hoàng là Trung Công, Hoằng Công và Dũng công. Trung Công, Hoằng công là anh em ruột, Dũng công là em họ, vốn quê ở vùng Thiên Trường, Nam Định, đến ngụ cư ở làng Yên Lạc. Lớn lên văn võ song toàn, ba anh em trở thành các vị tướng của Tản Viên Thánh, giúp vua Hùng thứ 18 chống giặc, bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang. Đình còn thờ Nguyễn Kính, một danh thần nổi tiếng thời nhà Mạc, quê ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Hội làng Yên Lạc mở vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hằng năm. Dân thôn tổ chức hội vật và múa gậy./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02