Đình thôn Trung (huyện Sóc Sơn)
Đình thôn Trung hiện nay thuộc thôn Trung, xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Xã Đức Hoà ở phía bắc thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 40km, là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử văn hoá.
Đình thôn Trung có khởi nguồn tạo dựng từ cuối thời Lê. Các tư liệu thành văn còn lưu tại đình cho biết: di tích đã trải qua trùng tu nhiều lần, ngôi đình hiện nay mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Đình thôn Trung phụng thờ vị phúc thần là: đức thánh Tam Giang, đây là tên gọi chung của hai anh em họ Trương đều làm tướng dưới triều Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương. Trương Hống, Trương Hát quê ở xã Vân Mẫu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Anh em họ Trương được Lã tiên sinh dạy học có trí tuệ thông minh nên đã học thuộc các sách binh thư yếu lược, giỏi võ nghệ, hai anh em tập hợp bạn hữu giúp Lý Bí dẹp giặc ngoại xâm lập nên nhà nước Vạn Xuân. Sau đó lại giúp Triệu Quang Phục dẹp giặc Lương cứu nước và một lòng trung quân. Khi Lý Phật Tử lên ngôi, biết hai anh em họ Trương là người tài bèn sai người mang lễ vật đến mời hai anh em ra làm quan, nhưng Trương Hống, Trương Hát chối từ giữ vững chữ trung với câu nói: “Tôi trung không phò hai chúa”. Hai ông cùng gia đình dùng thuyền chia theo hai luồng trên sông Nguyệt Đức, rồi chọc thuyền cho nước vào đắm xuống sông tự vẫn. Hôm ấy là ngày mùng 10 tháng 4 năm Tân Mão (571). Sau khi hai ông mất đã ngầm giúp Lê Đại Hành dẹp giặc Tống, nên được truy phong Tinh Mẫn đại vương, lập miếu thờ ngã ba sông Long Nhãn. Một người là Khước Mấn đại vương, lập miếu thờ ở ngã ba sông Như Nguyệt.
Đình thôn Trung được xây dựng trên một khu đất rộng cao thoáng mát với diện tích 1.208,2m”, quay hướng đông - nam nhìn ra cánh đồng lúa bát ngát. Các công trình kiến trúc gồm: cổng, sân vườn, khu kiến trúc chính. Đình có kết cấu mặt bằng kiểu chữ “công” gồm Đại đình, ống muống và Hậu cung. Toà Đại đình 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước hai hồi xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn. Mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái làm kiểu “giá chiêng”. Toà Hậu cung nối liền với gian giữa Đại đình gồm 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, vì kèo kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang”.
Hiện nay đình thôn Trung còn lưu giữ bộ sưu tập di vật khá đa dạng về chủng loại gồm: một cuốn thần tích chữ Hán bản sao, hai cỗ ngai thờ, một cỗ kiệu bát cống, hương án, được chạm khắc công phu đề tài tứ linh phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, một tấm bia hậu thần thời Nguyễn.
Lễ hội đình thôn Trung được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 9 âm lịch hàng năm.
Đình thôn Trung đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02