Đình Phượng Vũ (huyện Phú Xuyên)
Đình Phượng Vũ thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên xưa có tên là thôn Phượng Dực thuộc tổng Phượng Dục, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín. Năm Mậu Thân (1848), để tránh tên húy của vua Tự Đức, thôn Phượng Dực phải cải thành thôn Phượng Vũ. Thôn hiện tồn một ngôi đình mà nhân dân thường gọi là đình Phượng Vũ.
Theo cuốn Thần phả do Hàn lâm đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 thì đình thờ Nguyễn Kỳ đại vương và Hàn Vĩ đại vương. Hàn Vĩ làm quan trong triều đến chức Thượng sĩ Viện Hàn lâm, Nguyễn Kỳ làm đến chức Tán Đại phu. Khi quân Nguyên-Mông sang xâm lược nước ta, hai ông đã giúp vua Trần Hưng Đạo chống giặc trên tuyến sông Bạch Đằng. Nguyễn Kỳ được phong làm Quốc công tiết chế, Hàn Vĩ làm Đại tướng quân. Hai ông đã chỉ huy một cánh quân chiến đấu ở Đông Bộ Đầu. Trong trận này có rất nhiều người con của làng Phượng Vũ cũng theo hai ngài đánh giặc. Khi đất nước được thanh bình, hai ngài qua đời, vua Trần Nhân Tông nhớ tới công lao mà sắc chỉ cho nhân dân Phượng Vũ lập miếu thờ hai ngài.
Ngoài Nguyễn Kỳ và Hàn Vĩ, đình Phượng Vũ còn tôn thờ vị Đông Hải đại vương có tên là Nguyễn Phục. Nguyễn Phục đỗ tiến sĩ đời vua Lê Nhân Tông làm tới chức Đô ngự sử đài, phó đô ngự sử kiêm chức phó vương. Thời vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, ông đã giữ chức vận lương. Khi đoàn thuyền chở lương thực ra giữa biển thì gặp bão lớn, theo phép quân ngài phải đưa lương thực vào tiếp vận cho quân của nhà vua đang chiến đấu nhưng để bảo đảm an toàn cho người và lương thực ngài đã ra lệnh cho thuyền vào cảng. Ngài đã phải chịu tội trước vua.
Sau khi qua đời, nhà vua thấy vô cùng thương tiếc và phong cho ngài làm phúc thần, cho nhiều nơi ở cửa sông, cửa biển lập miếu thờ ngài, trong đó có làng Phượng Vũ, huyện Phú Xuyên.
Về kiến trúc, mặt bằng tổng thể ngôi đình kết cấu kiểu chữ “nhất”, gồm các hạng mục chính là toà Vọng lâu, Đại bái và Hậu cung. Vọng lâu có kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các bộ vì theo kiểu: “Thượng ván mê, hạ cốn mê”. Tiếp theo là toà Đại bái với 3 gian, các bộ vì kết cấu kiểu: “Thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền, bảy hiện”. Toà này đã được tu sửa vào năm Tự Đức thứ 32 (1879), đến năm 1926, thêm một lần được tu sửa nhỏ.
Hạng mục cuối cùng là toà Hậu cung với 3 gian. Các bộ vì được tạo tác theo các cách thức khác nhau: Bộ vì gian trong kiểu vì kèo, bộ vì gian áp hồi kiểu: “thượng ván mê, hạ cốn chồng rường”. Bên trong Hậu cung có bài trí khám và 3 bộ long ngai bài vị thờ các vị Thành hoàng. Ngoài ra còn có nhiều di vật có giá trị khác như: 1 cuốn thần phả, 33 đạo sắc phong...
Bộ Văn hoá và Thông tin cấp bằng di tích kiến trúc nghệ thuật cho đình làng Phượng Vũ theo Quyết định số 57VH/QĐ ngày 18/01/1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01