Đình Ngọa Long (quận Bắc Từ Liêm)
Đình Ngọa Long hiện nay thuộc thôn Ngọa Long, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Làng Ngoạ Long, xã Minh Khai là một làng cổ nằm trong địa bàn sinh sống, tụ cư của người Việt cổ. Hai chữ “Ngọa Long” do thế đất của làng là thế rồng nằm ngoằn ngoèo, nơi về sau phát triển địa linh nhân kiệt.
Đình thờ Thành hoàng làng là thần Đồng Cổ. Tấm bia trong đình viết từ thời Lê (1708) và chép lại ở thời Nguyễn.
Đình được xây dựng trên một khu đất rộng cao ráo, rộng rãi, thoáng đãng ở giữa làng. Đình quay theo hướng tây nam. Phía trước là một ao đình kè đá, xây lan can, bèo ong xanh tươi, cá chép hồng lượn lờ.
Ngôi đình được xây dựng theo kiểu chữ “đinh”, tường hồi bít đốc. Phía trước, từ hai tường hồi của toà Đại đình được xây nối liền tới hai cột đồng trụ. Về kết cấu, cột đồng trụ được làm tương tự như cột đồng trụ ngoài Nghi môn, trên cùng đỉnh cột trụ được đắp đôi nghê trong tư thế đứng trên đấu vuông, chầu vào nhau, dưới là mui luyện, đến lồng đèn. Các ô lồng đèn được trang trí đắp nổi các hình rồng bay, phượng múa.
Đình xây dựng trên một nền đất cao. Cửa ra vào thực hiện cửa bức bàn ở gian chính giữa. Hai gian hồi xây tường bao, trổ cửa sổ tròn để tạo thoáng và sáng sủa cho nơi thờ tự. Toà Đại đình được làm 5 gian, kết cấu 6 bộ vì kèo. Hai vì kèo gian hồi kiến trúc theo kiểu thượng chồng rường - hạ kẻ - bảy hiên, 4 bộ vì gian giữa thể hiện thượng chồng rường giá chiêng - kẻ nách - bảy hiên. Mặt bằng thực hiện 6 hàng chân, các cột gỗ đỡ mái cấu trúc thượng thu - hạ thách đặt trên các chân tảng đá xanh.
Hậu cung được làm 3 gian, cấu trúc ba bộ vì kèo theo kiểu chồng rường được bào trơn đóng bén và bào trơn kẻ soi. Cửa ra vào ở giữa là cửa bức bàn, trong cửa phía trên tạo thành con triện tròn, hai bên tạo hai lần cửa, cửa vào Hậu cung và cửa Cung cấm làm cửa một cánh. Trên 4 cánh cửa chạm nổi 4 pho tượng hộ pháp tuấn tú tay cầm thanh đạo.
Phía trong cùng của Hậu cung là phần Cung cấm. Cung cấm được làm một khám gỗ lớn. Khám được thể hiện công phu với các đề tài: rồng chầu mặt trời trên nền vân mây cuộn. Xung quanh diềm cửa chạm kiểu cửa vòng. Bên trong khám là nơi đặt bộ ngai thờ của Đức thần Đồng Cổ.
Toà Đại đình: Chính giữa là nơi đặt hương án, sập thờ, giáp hai bên là bệ bát bửu, cùng đôi hạc thờ có phong cách chạm khắc của thời nhà Lê.
Hai gian hồi, nền được tôn cao 0,50m dùng làm nơi tiếp khách. Gần giữa cửa ra vào bên tay phải đặt ngựa bạch thờ. Gian bên trái đặt bộ kiệu bát cống, sát tường hồi xây bệ gạch cao thờ ông Nguyễn Công Ánh là người có công xây lại đình từ thời Hậu Lê (1713).
Bên cạnh giá trị về lịch sử, di tích đình Ngoạ Long còn có những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Tuy không còn nguyên vẹn như xưa, song về cơ bản di tích vẫn giữ được những kiến trúc cổ truyền của ngôi đình làng Việt Nam với những nét đẹp riêng độc đáo. Do phải trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nên kiến trúc hiện nay mang dấu ấn đan xen của cả triều Lê và triều Nguyễn.
Hội làng tổ chức trong hai ngày 10 và 11 tháng hai âm lịch theo tục giao hiếu, kết chạ. Ngày 10 tháng hai kiệu Đình Quán rước sang làng Ngoạ Long, ngày 11/2 kiệu Ngoạ Long rước sang làng Đình Quán. Hội làng mùa thu tổ chức ngày 4 tháng tư âm lịch với lễ tế thần kỳ yên cầu mát. Phần hội mang tính bản sắc đặc thù của địa phương.
Đình Ngoạ Long đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01