Đình Ngõ Bắc (Thị xã Sơn Tây)
Đình Ngõ Bắc thuộc xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Ngõ Bắc là một làng cổ thuộc xứ Đoài. Xưa là thôn Ngọc Kiên, xã Triều Đông, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Thời vua Tự Đức thành huyện Thạch Thất. Nay thuộc xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây - Hà Nội.
Từ Thành phố Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đi thẳng đến ngã ba Hoà Lạc rẽ phải theo đường 21A, đến km số 9, đối diện với đường vào làng Văn hoá Việt Nam, rẽ phải đi khoảng 3,5km là đến di tích.
Đình Ngõ Bắc nhìn về hướng nam, đó là hướng được người Việt chú ý nhiều hơn cả. Hiện tại, mặt bằng kiến trúc tổng thể của đình gồm các hạng mục chính: Đại bái và Hậu cung. Đại bái đình có kết cấu 3 gian 2 dĩ. Trên mái toà nhà này có 2 đấu đinh tại 2 đầu bờ nóc, trụ biểu được nối với tường hồi qua một bức tường lửng. Vào bên trong, tương ứng với các gian là 4 bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ xà nách rường nách, bẩy hiên và bẩy hậu. Công trình tiếp theo là toà Hậu cung với 2 gian chạy dài vào phía trong tạo thành hình chuôi vồ. Bộ vì chính được làm theo kiểu thức “thượng chồng rường, hạ xà nách rường nách”. Đặc biệt tại gian giữa Hậu cung người xưa làm gác lửng bên trên được cuốn vòm bằng ván bưng để làm nơi thờ thánh tạo vẻ thâm nghiêm cho không gian thờ Thành hoàng làng.
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại đình và các giai thoại trong vùng thì đình thờ các vị Thành hoàng làng là: Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Lê Bảo Thông. Tương truyền, Tam vị đại vương vốn thông minh hơn người, văn võ song toàn, khi cha mẹ qua đời thì đến núi Tản làm con nuôi Ma Thị Cao Sơn thần nữ. Thần nữ cho là những đứa con hiếu thảo, lập chúc thư giao hết núi rừng, sông núi, điền địa cho Tuấn Công (hiệu là Tản Viên Sơn Thánh), Sùng Công ở Non sơn hiệu là Tả Kiên Thần, Hiển Công ở Lãng sơn hiệu là Hữu Kiên Thần. Thuở ấy đất nước gặp lúc loạn lạc, nhà vua ban lệnh cầu hiền tài. Ba anh em hưởng ứng lời hiệu triệu và đến ra mắt nhà vua. Hùng Duệ vương thấy ba anh em là những người có tài xuất chúng bèn phong cho Sùng Công làm Tả đô đài đại phu và Hiển Công làm Hữu đô đài đại phu. Đến khi Thục Vương đem binh đến đánh, Duệ Vương lệnh cho Sơn Thánh cùng Sùng Công, vâng mệnh vua và Sơn Thánh lấy gia nhân ở trong thôn và trong huyện, thuyền ngựa cùng 10 vạn binh tiến đánh quân giặc ở vùng thủy Hoan Châu. Quân Thục đại bại. Vua ban chiếu gia phong cho các tướng sĩ, phong cho Sơn Thánh làm Nhạc phủ kiêm Thượng Đẳng Thần, Sùng Công làm Cao Sơn đại vương và vâng sắc trở về thôn Ngõ Bắc. Trải các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần thần đều tỏ rõ linh thiêng giúp dân cứu nước nên các đời vua đều gia bạn phong sắc để muôn đời mãi mãi phụng thờ.
Tương truyền, Lê Bảo Thông là vị nhân thần thời Lê, người quê tại Ngõ Bắc có công lớn trong việc giúp nhà vua tiễu trừ giặc cướp, nổi loạn. Đất nước đã được thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Đời sau ca ngợi là thái bình thịnh trị. Sau khi ông hoá được phong tặng: “Thông minh chính trực quang vinh xa giá”, và truyền cho nhân dân Ngõ Bắc lập đền miếu phụng thờ hương hoả muôn đời.
Ngoài các giá trị về nghệ thuật kiến trúc như nói ở trên thì đình Ngõ Bắc còn lưu giữ được nhiều di vật quý có chất liệu khác nhau là: một bộ long ngai chạm rồng cao 86cm, rộng hai đầu rồng 57cm, sâu 56cm, nghệ thuật thế kỷ XVIII, 1 bài vị nghệ thuật thế kỷ XVIII với số đo: cao 79cm, rộng 24cm, bia đá hậu “hậu thần bi ký” niên đại Tự Đức thứ 10. Ngoài ra, đình còn nhiều các di vật là đồ thờ quý giá khác như: lọ lộc bình, cờ, quạt, tán, lọng, nậm rượu...
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01