Đình Nghi Tàm (quận Tây Hồ)
Đình Nghi Tàm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đình Nghi Tàm là tên gọi theo địa danh của di tích. Ngoài ra còn có tên gọi là đền (miếu) Nghi Tàm. Đình Nghi Tàm nay thuộc cụm 4, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nghi Tàm là vùng đất cổ có lịch sử tồn tại lâu đời. Đây vốn là trại Tàm Tang từ thời Lý (1010 - 1255).
Theo thần tích, sắc phong tại đình cho biết đình thờ 3 vị thần: Minh Khiết Dực Thánh, Triều đình Phù Quốc, Bảo Trung Cương Đoán đều là các thuỷ thần hồ Tây. Thần tích kể rằng: Vào đời vua thứ hai thời Lý (Lý Thái Tông) nhà vua thường hay xa giá ra chơi săn bắn ở hồ Dâm Đàm. Một hôm, gặp mưa to gió lớn nhà vua phải vào trú tạm ở ngôi miếu cổ trong bản thôn (tức đình Nghi Tàm). Thấy vậy, cá cụ phụ lão trong thôn cùng nhân dân liền đem các thức ăn đặc sản đương mùa đến dâng tiến vua. Thấy cảnh đền chùa hư hỏng, đổ nát, nhà vua vời các bô lão đến để thăm hỏi sự thể, sau đó ban tiền để tu sửa đền.
Sau khi vua mất, cảm động trước công đức của Người, dân thôn hàng năm tứ thời bát tiết đều dâng lễ để tưởng niệm Người.
Vài năm sau, nhân dân làm lễ Kỳ Yên. Vị trưởng lão đêm ấy nằm mơ thấy vua ngủ xa giá đến chỉ bảo rõ rằng: Ba vị thần danh hiệu là Thuỷ thần hồ Tây. Trải đó nhân dân trong thôn xóm vẫn phụng thờ, cầu đảo hết thảy linh ứng. Trải qua các triều đại, các vị đều được phong là: “Thượng đẳng tối linh thần”.
Vị thần thứ tư được thờ trong đình là Hoàng Hiệp Tây Hồ Thuỷ thần chi thần, cũng là Thuỷ thần hồ Tây. Tuy nhiên theo sắc phong thì vị thần này mãi đến kỷ XIX mới được đưa vào thờ ở đình. Sắc có niên đại sớm nhất là Tự Đức thứ 6 (1853).
Vị thần thứ năm được thờ là Lỗ Quốc Thái Sư. Truyền rằng: Ngài thuộc hàng nho sĩ, người nước Lỗ, gia thế theo nghiệp nho. Ngài rời Bắc quốc sang nước Nam vào thời nhà Hán, đời vua Bình đế. Ngài đến ấp này làm nhà cư trú và dạy học ở đây, ngài truyền dạy, rèn rũa được nhiều sĩ tử giỏi giang.
Vị thần thứ sáu là Quỳnh Hoa Đoan Trang công chúa. Theo thần tích thì thời vua Lê Thánh Tông ở đạo Sơn Nam có vị quan là Trần Vĩ, sau khi về hưu đã mở trường dạy học ở làng Nghi Tàm. Một hôm trong lúc đang thiu thiu ngủ, ông thấy mình lạc vào cõi nhà trời, có người đưa vào xem cảnh triều đình của Thượng đế. Hôm đó vua đang soi xét cho người đầu thai xuống hạ giới. Có vị quan thưa rằng hạ giới đã có Liễu Hạnh nhưng làng ở cõi ngoài, kinh đô còn thiếu một người. Ngọc Hoàng ưng chuẩn cho công chúa Quỳnh Hoa đầu thai vào nhà Trần Vĩ và giao công chúa cho ông. Ít lâu sau bà sinh được một người con gái. Trần Vĩ thấy con mình giống như nàng tiên trong giấc mộng bèn đặt tên con là Quỳnh Hoa. Lớn lên, Quỳnh Hoa tiếng sắc lẫy lừng, ông bà Trần gả nàng cho Liễu Nghị - một người học giỏi, thi đỗ tiến sĩ. Lúc đó giặc Chiêm Thành vào Thăng Long, Liễu Nghị được cử vào quân đội, Quỳnh Hoa cũng cải dạng nam trang đem binh sĩ và gia nhân tiếp ứng cho chồng. Khải hoàn trở về Liễu Nghị được vua phong làm Đô đài ngự sử.
Khi Liễu Nghị mất, Quỳnh Hoa xin vua cho về ở Nghi Tàm. Ngoài tài thơ văn, cung kiếm, bà thông thạo việc trồng dâu nuôi tằm, vỗ về dân chúng và phổ biến nghề nuôi tằm. Bà trở thành vị Thành hoàng của làng, được tôn là bà Chúa Tằm.
Đình Nghi Tàm có lịch sử tạo dựng lâu đời. Tuy các văn bia chỉ là bia gửi hậu, song chúng đều được tạo dựng vào thời Lê. Sớm nhất là vào năm Chính Hoà thứ 24 (1703), muộn nhất là vào năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780). Nhà Tiền tế gồm 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc. Hậu cung gồm 3 gian, vì được làm kiểu vì quá giang, mái lợp ngói ta, nóc đắp bờ đinh.
Hiện nay đình Nghi Tàm còn lưu giữ được lễ hội văn hoá dân gian của địa phương. Hàng năm làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng hai âm lịch. Hội đình rước kiệu ra chùa Kim Liên rồi quay về đình. Trong hội có nhiều trò chơi dân gian như: cờ bỏ, tổ tôm điểm...
Đình Nghi Tàm đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01