Đình Hoè Thị (quận Nam Từ Liêm)
Hoè Thị có tên nôm là Canh Chợ thuộc phường Xuân Phương ở phía tây nam Thủ đô. Đi từ Cầu Diễn qua làng Thị Cấm gần đến ngã tư Canh sẽ nhìn thấy bên đường ngôi đình làng Hoè Thị uy nghi toạ lạc trên khu đất rộng dưới bóng nhiều cây cổ thụ.
Đình thờ thành hoàng là Phan Tây Nhạc và vợ là Hoa Dung (vợ thứ ba). Ông là danh tướng đời Hùng Duệ Vương, vốn gốc người Hà Trung, Châu Ái đã lập được công trạng trong sự nghiệp bảo vệ nước Văn Lang. Bà có công giữ thành, tiếp tế quân lương.
Theo truyền thuyết và thần tích lưu lạc ở địa phương thì đình Hoè Thị là nơi đóng quân của Phan Tây Nhạc khi đi đánh quân Thục. Sau khi chiến thắng trở về ngài lập dinh thự đưa gia đình về đây, đến khi ngài mất dân làng lập bài vị thờ ở đình làng.
Tương truyền, đình Hoè Thị có từ rất sớm. Các bức chạm khắc di vật kiến trúc cho thấy di tích có niên đại sớm nhất khoảng thế kỷ XVII.
Về kiến trúc đình Hoè Thị có nét đặc sắc là Tiền “nhất”, Hậu “đinh” (Tiền tế theo kiểu chữ “nhất”, Hậu cung kiểu chữ “đinh”) và đình không có cửa cứ bỏ ngỏ quanh năm, chỉ đóng cửa Hậu cung. Tương truyền vì ở đây là nơi xưa ngài đóng trung quân cửa ngỏ để các tướng dưới quyền ở tiền quân (đóng ở làng An Trai) và hậu quân (đóng ở làng Thị Cấm) đến hội báo. Sân đình có hai bến Tảo mạc 20 gian tương truyền là nơi các quân lính nghỉ ngơi.
Trong đình còn nhiều di vật quý như bức hoành phi lớn treo ngoài nhà Tiền tế có bốn chữ lớn “Hộ quốc tý dân” do quan Tiết chế Bắc kỳ đại thần Hoàng Kế Viêm kính đề tặng dân làng năm Tự Đức, Giáp Tuất (1874) khi ông đóng quân ở đây rồi kéo ra Cầu Giấy đánh thắng quân Pháp giết chết tên chỉ huy của chúng ở Bắc kỳ là FGácniê. Đôi câu đối do trung quân tử trấn, kỵ nhất đội, xuất đội là Nguyễn Chí Độ cung tiến. Các di vật đều khắc gỗ như hương án, kiểu nghệ thuật thế kỷ XVIII, khám thờ nghệ thuật thế kỷ XVI, các bức cốn trạm khắc rồng mây. Trong Hậu cung còn lưu giữ 29 đạo sắc phong cho ba vị thần Phan Tây Nhạc, Tả Công Chúa và Hữu Công chúa. Trong đó có 18 đạo sắc của các vua Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Chiêu Thống (1730 - 1787) đời Lê, 3 đạo sắc của vua Quang Trung, 2 đạo của vua Cảnh Thịnh, 6 đạo sắc của các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định (1889 - 1924).
Đình Hoè Thị đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01