Đình Đồng Luân (huyện Chương Mỹ)
Đình Đồng Luân, xã Thượng Vực là di tích đình thờ danh tướng Đô Lang Đài Minh quốc vương và Quý Minh Án sát đại vương, người giúp vua Hùng đánh giặc giúp nước. Đình dựng trên một khu đất đẹp ở giữa làng, nhìn về phía đông nam. Xưa, thôn Đồng Luân, xã Đồng Luân, thuộc tổng Quảng Bị, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.
Theo Ngọc phả ghi lại: Vào thời Hùng Nghi Vương, ở đất Phong Châu có nhà họ Cao thường giúp người nghèo khó. Một hôm, hai vợ chồng đang làm đồng thì gặp một con rắn đen đẻ trứng, người chồng bèn lấy đem về nhà. Năm hôm sau, vào ngày 12 tháng 6, bà sinh một người con trai khôi ngô tuấn tú, dáng mạo phi thường, đặt tên con là Cao Đài Minh. Khi ngài trưởng thành, văn võ song toàn, là danh tướng lẫy lừng triều Hùng, cùng với Phù Đổng Thiên Vương dẹp giặc Ân. Ngày 11 tháng 6, Ngài hoá. Nghĩ tới công lao dẹp giặc giúp dân giúp nước, Hùng Nghị Vương phong ngài là linh thần và lệnh cho các trang ấp thờ cúng muôn đời.
Cùng khi ấy tại một nơi, đất phẳng nước trong, tiếng là danh hương. có nhà tên là Nguyễn, vào ngày 13 tháng 8 thì sinh hạ được một người con trai đặt tên là Minh Vương, thiên tư dĩnh ngộ, tài năng hơn người. Khi trưởng thành là Lạc tướng uý theo phò Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân ở núi Vũ Ninh. Ngài hoá vào ngày 12 tháng 10, khi mất làm Thuỷ chúa quốc. Hùng Nghị Vương nghĩ đến công lao của ngài đã lệnh cho triều đình viết sắc phong thần, phong mỹ tự là Quý Minh Án sát đại vương.
Đình Đồng Luân kết cấu theo kiểu chữ “vi” gồm các hạng mục Đại bái là 5 gian nhà ngang đầu hồi bít đốc 2 mái chảy lợp ngói di, bờ nóc bờ chảy đắp bờ đinh. Chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long trầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng lá kiểu Makara ngậm bờ nóc, cuối bờ dải xây giật cấp tay ngai bằng vôi vữa. Nối từ hai gian hồi của Đại bái vào là hai dãy Tả hữu mạc, mỗi dãy một gian được làm đơn giản, có kết cấu kiến trúc kiểu vì kèo quá giang với hai mái chảy lợp ngói ri, mặt tiền để thoáng, hậu xây kín. Từ Đại bái qua một khoảng sân lọng là tới Hậu cung, Hậu cung được làm hai gian, đây là sản phẩm được trùng tu vào thời Nguyễn muộn, chất liệu chủ yếu là gạch, vôi, vữa... làm cuốn vòm kiểu gotic phương Tây. Trong Hậu cung được xây bệ thời nhị cấp, cấp trên cùng đặt long ngai bài vị thờ Thành hoàng, cấp dưới đặt hòm sắc và thần phả, gươm trường và một số đồ thờ khác như 2 long ngai bài vị, 1 đạo sắc phong thời Nguyễn, 2 bức hoành phi đề “Vạn thế vĩnh lại” và “Lợi trạch cập dân”, 3 bát hương sứ thời Nguyễn, 1 bát hương Thổ Hà.
Theo lệ, cứ ba năm làng tổ chức lễ hội một lần, từ ngày 11 đến 13 tháng hai âm lịch, chính hội là ngày 12.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01