Đình Canh Nậu toạ lạc ở giữa làng nhìn về hướng đông nam. Trước cửa đình có một hồ nước nhỏ, giữa đắp gò tựa như viên ngọc nổi, làm xới vật của làng Núc (tên xưa của làng Canh Nậu).
Mặt bằng kiến trúc của đình kết cấu kiểu “tiền nhất, hậu đinh”, gồm Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Tiền tế chia làm 5 gian, kết cấu trên 4 hàng chân cột gỗ, vì nóc giá chiêng chủ yếu bào trơn đóng bén, thiên về độ chắc khoẻ.
Liền với Tiền tế là Đại bái - một ngôi nhà bề thế 5 gian, 2 chái, bốn góc đao cong, giữa mái võng xuống tạo thành lòng thuyền; bờ nóc, bờ giải trang trí hoa chanh, bên trên đắp con kìm, nghê, rồng theo phong cách truyền thống của ngôi đình cổ xưa. Vì thượng kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng; vì hạ là các bức rường cốn chồng rường đơn giản. Trên lớp kiến trúc ở vì nách gian giữa Đại bái còn bốn bức cốn chạm hình tượng rồng là linh vật trung tâm mang phong cách thời Hậu Lê. Vì thế hình tượng rồng không dữ tợn như ở rồng thời Nguyễn mà phóng khoáng, gần gũi với đời sống dân gian. Đó là những cảnh: rồng đang đùa vui với các loài thuỷ tộc, đang đùa giỡn trên sóng và đùa giỡn với các chàng trai đóng khố, cởi trần đang ngồi trên sóng nước... Toà Đại bái không chỉ độc đáo cổ kính về kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý. Trải qua thời gian, Đại bái đã qua nhiều lần tu bổ, căn cứ vào kết cấu và các mảng chạm khắc trên bộ vì cùng các hoạ tiết hoa văn trên các di vật được lưu giữ tại đình có thể đoán định đình được khởi dựng vào thế kỷ XVII, tu sửa lớn vào thế kỷ XVIII và XIX.
Hậu cung gồm 2 gian nối với gian chính giữa Đại bái thành chữ “đỉnh”, là nơi thâm nghiêm, bài trí 5 cỗ long ngai, bài vị chạm khắc cầu kỳ, sơn son thếp vàng. Đấy là ngai thờ 5 vị Thành hoàng của làng: Thần thổ địa; Thần Quy Hải long vương; Nữ thần Ả Lã, Nàng Đề; Đỗ Viện - người gốc Kinh Triệu (Trung Quốc) đời ông nội di sang Việt Nam, là Thái thú Giao Chỉ đời Tấn có tư tưởng ly khai nhà Tấn, cát cứ ở đất Giao Châu. Ông có công mở trường dạy chữ Hán cho dân địa phương. Con cháu Đỗ Viện dần được Việt hoá.
Hàng năm, xuân thu nhị kỳ làng có tổ chức lễ hội lớn vào tháng hai và ngày 17 tháng bảy âm lịch. Ngày hội có rước, đánh vật, tế lễ và nhiều hoạt động văn hoá dân gian.
Đình Canh Nậu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01