Di tích Nhà bà Trần Thị Sáu (quận Bắc Từ Liêm)
Di tích Nhà bà Trần Thị Sáu, thuộc thôn Hoàng Liên, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Liên Mạc là một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Người dân nơi đây vốn có truyền thống cần cù lao động, yêu nước, kiên cường anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Năm 1939, phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam đang phát triển, thì chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lịch sử Việt Nam bước sang một thời kỳ mới.
Nhà bà Trần Thị Sáu là một cơ sở bí mật đầu tiên của Trung ương Đảng thời kỳ 1939 - 1945 của vùng Chèm, Kẻ Tây, Đại Mỗ. Ngôi nhà này từng là địa điểm họp bí mật, trạm giao liên, nơi mở lớp huấn luyện về công tác binh vận của Trung ương, nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Bà Trần Thị Sáu là một phụ nữ nghèo, chất phác đã được giác ngộ cách mạng và trở thành nữ đảng viên trung kiên dám hy sinh cả hạnh phúc của riêng mình cho cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ năm 1938 đến 1943, bà đã hiến ngôi nhà riêng của mình làm cơ sở cách mạng, bản thân bà đã có công nuôi dưỡng bảo vệ an toàn cho các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng và đã tích cực vận động, giác ngộ chồng và hàng chục gia đình theo cách mạng, là cơ sở an toàn cho Trung ương Đảng và Xứ uỷ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong thời gian là cán bộ giao liên của Đảng, bà Trần Thị Sáu đã gây dựng được nhiều cơ sở bí mật cho Đảng ở các địa phương khác như Phú Gia, Đông Anh và giác ngộ nhiều thanh niên của địa phương tham gia cách mạng.
Cơ sở cách mạng nhà bà Trần Thị Sáu là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với chặng đường hoạt động của Trung ương Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là nơi mở lớp huấn luyện về công tác binh vận của Trung ương Đảng từ cuối năm 1940 đến năm 1941. Tại lớp huấn luyện này, Trung ương Đảng đã đào tạo được nhiều cán bộ làm công tác binh vận xuất sắc, góp phần xây dựng và mở rộng lực lượng cách mạng hùng hậu cho nhiều địa ương của Hà Nội và các tỉnh quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Đông... Những sự kiện cách mạng đó được ghi lại trong những trang sử vẻ vang của quê hương Liên Mạc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng đối với cán bộ, nhân dân địa phương.
Những sự kiện lịch sử còn ghi lại ở cơ sở cách mạng nhà bà Sáu và các cơ sở cách mạng ở xã Liên Mạc là minh chứng khẳng định đường lối của Đảng ta trong việc xây dựng cơ sở khu an toàn Trung ương là sự lựa chọn chuẩn xác, có cơ sở khoa học. Thường vụ Trung ương Đảng đã áp dụng sách lược khéo léo, tinh tế, biết dựa vào sức dân, thế đất, lòng người, tranh thủ sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, biết điểm yếu và sự mất cảnh giác của kẻ địch để làm nên chiến thắng.
Sự đóng góp của gia đình bà Sáu và nhân dân xã Liên Mạc đã tạo dựng được sức mạnh của toàn dân cùng tham gia cách mạng và làm nên chiến thắng trọn vẹn của Cách mạng tháng Tám ở thủ đô Hà Nội. Suốt thời gian dài, từ năm 1938 đến 1945, các cơ sở của Trung ương Đảng đặt tại nơi đây đều được bảo vệ an toàn, mặc dù trong mọi hoàn cảnh luôn bị kẻ địch lùng sục vây hãm, kiểm soát; có những người thân của gia đình cơ sở bị địch bắt, tra khảo, đánh đập dã man, nhưng vẫn giữ vững tinh thần kiên cường để bảo vệ bí mật của Đảng. Điều đó đã nói lên sức mạnh đoàn kết của toàn dân và đặc biệt là tấm gương hy sinh cao cả của người dân nơi đây đối với Đảng và cách mạng mà tiêu biểu nhất là nữ đồng chí Trần Thị Sáu, người đảng viên cộng sản đầu tiên của xã, có nhiều công lao trong công tác phục vụ cho sự chỉ đạo của Trung ương Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Di tích lưu niệm Nhà bà Trần Thị Sáu hiện nay gồm các công trình: một nếp nhà ngói 4 gian xây tường gạch, diện tích 26,4m’; phía trước nhà có khoảng sân rộng 25m’ lát gạch. Nhìn chung tổng thể cảnh quan ngôi nhà cũ của bà Sáu trước đây cơ bản vẫn được gia đình trân trọng gìn giữ, bảo quản. Ngôi nhà lưu niệm chỉ sửa lại phần mái ngói, lát lại nền. Trong nhà còn lưu giữ: bàn thờ bằng gỗ, một bát hương sứ men lam, tấm ảnh của bà Trần Thị Sáu, bộ phản nằm bằng gỗ những năm 1941 - 1945 gia đình đã nhường cho các đồng chí cán bộ của Đảng nằm nghỉ.
Nhà bà Trần Thị Sáu đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển là di tích cách mạng - kháng chiến./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02