Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín)

Sơn Dương (t/h) 05/10/2023 09:28

Nghiêm Xuyên là một xã vùng chiêm trũng của huyện Thường Tín, Hà Nội, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với kẻ thù xâm lược và xây dựng quê hương đất nước, nhân dân Nghiêm Xuyên đã xây đắp nên một truyền thống văn hoá lâu đời và luôn mang trong mình tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm, kiên cường bất khuất trong chiến đấu.

nha-luu-niem-bac-ho-tai-nghiem-xuyen.jpg
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những truyền thống tốt đẹp đó đã không ngừng được phát huy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín cách Thủ đô Hà Nội khoảng 35km theo Quốc lộ 1. Di tích được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng ngay đầu làng Cống Xuyên trong khuôn viên của hợp tác xã nông nghiệp xã Nghiêm Xuyên. Đứng trên đường Tỉnh lộ 73 chúng ta có thể nhìn thấy Nhà lưu niệm, đó là ngôi nhà gác 2 tầng kiểu nhà sàn, xung quanh có hệ thống vườn hoa cây cảnh và cây cổ thụ, phía trước ngôi nhà là hệ thống ao thả cá.

Từ ngoài cổng vào bên trái là tượng đài bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư thế đang niềm nở vẫy chào, bên dưới là phần bục tượng được trang trí hoa lá và hình ảnh nhân dân Nghiêm Xuyên quây bên Bác. Bên phải là cây muỗm cổ thụ, đây chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng nói chuyện tại hội nghị chống hạn của tỉnh Hà Đông. Cây muỗm được nhân dân Nghiêm Xuyên trồng ngay sau ngày Bác Hồ về để ghi dấu sự kiện trọng đại này, đồng thời cũng là thể hiện tình cảm sâu nặng mà nhân dân nơi đây dành cho Bác. Hiện nay cây muỗm này tán lá đã xum xuê toả bóng mát che cho di tích.

Vào năm 1963, miền Bắc gặp phải một đợt hạn hán kéo dài gây khó khăn cho công tác sản suất nông ngiệp. Cũng như nhiều địa phương khác, các công trình thủy lợi ở xã Nghiêm Xuyên không phục vụ kịp thời cho sản xuất, trong khi đó vụ đông xuân đang chuẩn bị đến thời vụ gieo cấy. Để khắc phục khó khăn, làm lúa cho kịp thời vụ, nhân dân Nghiêm Xuyên (lúc bấy giờ là xã Dũng Tiến) đã huy động toàn bộ sức dân vào việc chống hạn để cấy lúa và đạt được những kết quả cao. Với thắng lợi to lớn đó, cán bộ và nhân dân Nghiêm Xuyên vô cùng phấn khởi, tự hào được Đảng, Bác Hồ, các đồng chí cơ quan lãnh đạo tỉnh Hà Đông, huyện Thường Tín về thăm, nói chuyện và tuyên dương thành tích của nhân dân xã nói riêng và nhân dân toàn tỉnh Hà Đông nói chung về công tác chống hạn tại Hội nghị chống hạn tỉnh Hà Đông.

Sáng ngày 30/1/1963, (tức ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch), vào khoảng 8 giờ sáng lúc đó trời đang hửng nắng, thời tiết ấm dần lên. Nhân dân xã Nghiêm Xuyên đang tập trung tát nước chống hạn theo sự phân công và chỉ huy chung của Ban Quản trị, thì từ phía xa xuất hiện đoàn xe commăngca đi về phía kỳ đài nơi đã được chuẩn bị trước để đón đoàn khách Trung ương về dự hội nghị chống hạn. Người khách đó chính là Bác Hồ. Bác xuống xe đi theo con đường nhỏ qua bờ ao vào trong kỳ đài. Đi cùng Bác lúc đó có đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Bí thư Tỉnh ủy và một số đồng chí khác... Những người chứng kiến sự kiện đó kể lại rằng: Khi Bác từ trên xe bước xuống, mọi người chỉ biết đó là một cụ già, mặc bộ đồ gụ đầu đội mũ cátkét, chân đi dép cao su thong thả bước vào. Trong đám đông nhân dẫn đến dự hội nghị đã có người nhận ra Bác và reo to “A! Bác Hồ” và tin Bác về đã lan nhanh khắp các cánh đồng trong thôn xóm gần đó. Mọi người vô cùng sung sướng và xúc động ai cũng muốn chạy về gần Bác để được nhìn thấy Bác và và gọi Bác với 2 tiếng thân thương “Bác Hồ”

Tại đầu làng Cống Xuyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với gần một vạn nhân dân và cán bộ trong tỉnh về phong trào chống hạn. Bác biểu dương phong trào chống hạn của tỉnh Hà Đông nói chung, của huyện Thường Tín và xã Nghiêm Xuyên nói riêng. Người ân cần căn dặn: “Bây giờ chống hạn là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng toàn dân trong tỉnh. Chống hạn cũng phải như chống giặc, bởi vì giặc nó đốt, nó phá, còn hạn nó không đốt không phá nhưng kết quả là dân không có ăn, dân đói. Vì vậy chống hạn cũng như chống giặc phải hết sức cố gắng, phải đồng tâm hiệp lực chống cho kỳ được”.

Và cũng trong hội nghị này, với thành tích chống hạn để sản xuất đạt kết quả tốt, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Đông đã được Bác tặng hai câu thơ:

“Hà Đông anh dũng tuyệt vời

Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”

Sau này khi để động viên nhân dân Hà Đông không chỉ làm tốt trong công tác chống hạn mà còn phải làm tốt cả trong công tác chống lụt, Bác đổi hai câu thơ tặng trước thành hai câu thơ:

“Hà Đông anh dũng tuyệt vời

Phòng hạn chống lụt nào ai sánh bằng”

Bác động viên cán bộ và nhân dân quyết tâm chống hạn, nhắc nhở và chỉ thị cho các đồng chí lãnh đạo địa phương về việc tổ chức chống hạn và thắng hạn, Bác Hồ đã trực tiếp giao trách nhiệm cho các kiện tướng thủy lợi của tỉnh mỗi kiện tướng trong năm 1963 phải làm được 3000m2 đất thủy lợi trở lên, đồng thời các đồng chí kiện tướng phải đi về một số nơi phổ biến kinh nghiệm và cùng đồng bào nơi đó đào vét mương, ngòi, giếng để lấy nước chống hạn phát triển sản xuất.

Sau khoảng 30 phút dự Hội nghị chống hạn của tỉnh Hà Đông, Bác rời Nghiêm Xuyên, trước khi rời Hội nghị Bác đã bắt nhịp cho cả Hội nghị bài hát “Kết đoàn” và khi mọi người đang hát Bác đã từ từ rời khỏi hội nghị. Sau khi rời Nghiêm Xuyên, Bác đến cánh đồng Cần Thơ của hợp tác xã Đô Đức xã Hồng Thái (nay là xã Quất Động) cùng tát nước với bà con xã viên. Bác căn dặn mọi người hãy cố gắng tranh thủ ngày đêm tát cho đủ nước để cấy lúa, vì đủ nước lúa mới tốt, lúa tốt mới đủ thóc ăn.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi Bác đi, tất cả cán bộ và nhân dân xã Nghiêm Xuyên ra sức chống hạn, quyết thắng thiên nhiên. Các hợp tác xã tổ chức đào hàng chục giếng khơi, khơi sông đưa nước vào đồng ruộng. Sau khi đảm bảo đủ nước, cấy hết diện tích theo kế hoạch của huyện. Xã đã cử nhiều người, phương tiện và một số trâu bò sang giúp đỡ một số xã bạn. Cán bộ và nhân dân xã Quyết Tiến đã cùng lực lượng do huyện điều động đào 300 giếng khơi, tát nước, cày bừa giúp các xã bị hạn nặng cấy kịp thời vụ.

Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương và thực hiện lời căn dặn của Bác, ngày nay nhân dân Nghiêm Xuyên luôn ra sức phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với lời căn dặn của Người.

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nghiêm Xuyên đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Quyết định số 243/QĐ-UB ngày 05/02/2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO