Đền Long Đại (huyện Phúc Thọ)
Đền Long Đại thuộc thôn Phù Long, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 40km về phía tây.
Theo cuốn thần phả chữ Hán được chép lại năm Duy Tân thứ 5 (1911) và các đạo sắc phong còn được lưu giữ, đền Long Đại thờ vị Trương Hát và Trương Hống, là hai anh em, đã phù giúp Việt vương Triệu Quang Phục ở thế kỷ VI.
Theo sự tích và truyền thuyết thì đền Long Đại đã có từ lâu đời. Khu di tích được xây dựng trên một dải gò cao ngoài đồng phía tây bắc của làng. Có những ý kiến cho rằng khu đất này, thuở xưa nghĩa quân của Trương Hát đóng quân tại đây. Và từ thượng cổ, đã có ngôi đền thờ ông Trương Hát ở gò đất này. Ngôi đền thờ được thờ theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm toà Đại bái, Trung cung và Hậu cung.
Đại bái có quy mô kiến trúc nhỏ, gồm 3 gian. Kết cấu kiến trúc có 2 bộ vì, được làm theo hình thức chồng rường kẻ bẩy. Trên lớp kiến trúc này là những mảng trang trí hoa văn mà kỹ thuật bào trơn đóng bén bằng mộng mẹo ngoàm mang cá. Chính giữa Đại bái là bức đại tự “Tinh trung quán nhật” và bức cửa võng chạm nổi bốn chữ Hán “Thiên địa hợp đức”.
Tòa Trung cung có xây bệ thờ, bên trên có đặt nhiều đồ khí tự.
Hậu cung là ngôi nhà xây tường gạch bao quanh, hai đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ri cổ. Phía trong kiến trúc theo hình thức cuốn vòm mai cua, tiếp thu có chọn lọc kiểu gô tích ở phương Tây. Lối kiến trúc này hợp với di tích ở giữa đồng chống được mưa nắng, lũ lụt... Trong Hậu cung có ban thờ Thành hoàng, có đặt pho tượng chân dung tướng Trương Hát, được tạc bằng gỗ. Tượng Ngài ở tư thế ngồi xếp chân bằng tròn, mặc bộ triều phục có rồng phượng và hoa văn mây lửa trên ngực, cân đai, hài, tay cầm hốt.
Ngoài ra, đền Long Đại hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như: bát hương, long ngai, bài vị.
Đền Long Đại được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích, kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01