Đền Hoành Sơn (huyện Thanh Trì)
Đền Hoành Sơn ở làng Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đền thờ Liễu Hạnh công chúa đã âm phù cho Phạm Xa (hiện được thờ tại đình Hoành Sơn) - một tướng của Lê Lợi đánh giặc Minh và chặt đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, Lạng Sơn.
Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng Thượng đế, vì trót đánh rơi chén ngọc giữa lúc thiết triều nên Ngọc Hoàng nổi giận, đầy xuống trần gian. Quỳnh Hoa được đầu thai vào gia đình Lê Thái Công vào năm 1557, đời Lê Anh Tông. Vì là tiên giáng trần nên Quỳnh Hoa được đặt tên là Giáng Tiên. Hết hạn đày, Giáng Tiên phải về thượng giới, rồi nàng lại được xin giáng trần lần nữa và mang tên là Liễu Hạnh. Ở Thăng Long - Hà Nội, chúa Liễu Hạnh được thờ chính ở phủ Tây Hồ, ngoài ra còn nhiều nơi khác cũng có đền thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Đền Hoành Sơn toạ lạc trên một khu đất cao ráo, quay hướng tây nam. Từ ngoài vào, qua Tam quan đến hai nhà Tả hữu mạc rồi đến nhà Tiền tế, Ống muống (nhà cầu) và Hậu cung.
Tam quan xây hình trụ, trên cùng là quả dành, dưới là lồng đèn, bên trong lồng đèn trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Nhà Tiền tế gồm 5 gian, 6 hàng chân cột, kết cấu theo kiểu chồng rường hạ kẻ, bảy hiên, chạm lộng hình rồng mây, hoa lá trên vì 3 gian giữa. Bốn đầu dư của hai vì kèo gian giữa được chạm thủng kết hợp với chạm lộng hình đầu rồng. Các bức cốn được trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau, nội dung là tứ linh hoặc sự kiện lịch sử thời Trần. Đáng chú ý là những bức cốn chạm trổ mô tả thế giới thần tiên, mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Ba gian nhà cầu có kết cấu đơn giản, hiện còn một hương án gỗ sơn son thếp vàng chạm lộng và chạm thủng với đề tài vòm mây, hoa lá. Trong Hậu cung có 3 khám thờ và tượng công chúa Liễu Hạnh sơn son thếp vàng. Đền Hoành Sơn còn lưu giữ nhiều đồ thờ bằng gỗ, sứ... có giá trị nghệ thuật cao.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01