Chùa Tự Khánh (quận Bắc Từ Liêm)
Chùa Tự Khánh hiện nay tọa lạc tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Chùa Tự Khánh hiện nay toạ lạc trên một khu đất rộng thoáng ở gần con đường chia ranh giới giữa hai làng Vẽ và làng Chèm. Chùa có tên gọi theo địa danh làng là chùa Đông Ngạc. Tên nôm là chùa Vẽ, hay còn gọi là chùa Cả. Chùa có tên tự là Tự Khánh. Chùa nằm về phía tây bắc thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố 1 km.
Chùa Tự Khánh là một ngôi chùa cổ có niên đại xây dựng khá sớm. Theo tấm bia Thịnh Đức (1655-1661), chùa Tự Khánh ít nhất cũng được xây dựng vào thời Tiền Lê. Trải qua thời gian dài tồn tại chùa cũng được tu sửa nhiều lần.
Chùa Tự Khánh là di tích tôn giáo tín ngưỡng thờ Phật. Cùng với giá trị lịch sử, ngôi chùa mang giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng thoáng ở rìa thôn Đông Ngạc. Tổng thể công trình kiến trúc của chùa được bố cục hài hoà trong một không gian thoáng đãng, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Chùa chính quay hướng tây nam. Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa bao gồm:
Cổng chùa được tạo dựng bằng chất liệu vữa xi măng, cửa kiểu vòm cuốn, mái tạo kiểu chồng diêm, mái lợp giả ngói ống, nóc mái đắp hình rồng, kiểu ngậm bờ nóc. Qua cổng Tam quan là đến gác chuông.
Chùa chính kết cấu kiểu chữ “đinh”. Tiền đường nhìn bề ngoài là một toà nhà hoàn chỉnh, nhưng nội thất bên trong lại có mối liên hệ khăng khít với toà Hậu cung. Kết cấu kiến trúc tổng thể kiểu nội chữ “đinh” ngoại chữ “quốc”.
Tiền đường là toà chạy ngang, 3 gian hai chái. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nối tiếp sau là toà Hậu cung.
Hậu cung và toà Tiền đường được nối tiếp với nhau bởi hệ thống bẩy hiện của toà Tiền đường. Hai bên tả hữu Hậu cung là hai dãy nhà dải vũ. Nhà dải vũ bảy gian xây kiểu tường hồi bít đốc, một hồi nối liền với toà Tiền đường hồi bên kia nối với nhà cầu sang nhà Tổ. Mái lợp ngói mũi hài - nền nhà không lát gạch. Vì kèo kết cấu kiểu kèo cầu quá giang và chồng rường.
Nhà Tổ xây kiểu chữ “nhị”, nội thất bên trong 3 gian - cột trốn phía ngoài vì kèo làm kiểu thượng rường - hạ kẻ, mái phân thượng tam - hạ tam. Mái lợp ngói mũi hài.
Hiện nay trong chùa còn lưu giữ một khối lượng di vật tuy số lượng không nhiều song những di vật còn lưu lại mang những giá trị thẩm mỹ cao như: đồ gỗ, đồ đá, đồ đồng, đồ sành sứ... Đặc biệt, hiện nay trong chùa còn 50 pho tượng tròn, được bài trí trong các kiến trúc chính của chùa.
Chùa Tự Khánh (chùa Vẽ) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02