Chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ)
Chùa Trấn Quốc thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá ngày 28/4/1962.
Đây là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội và ở nước ta vì chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541- 547), có tên là Khai Quốc. Chùa được dựng tại thôn Yên Hoa (sau được đổi là Yên Phụ) trên một bãi cạnh sông Hồng. Đến đời Lê Thái Tông (1440 - 1442) được gọi là chùa An Quốc. Đến đời Lê Kính Tông (1600 - 1618), do bãi sông bị lở, chùa được dời vào một hòn đảo nhỏ trong hồ Tây gọi là Kim Ngư (đảo Cá Vàng) là địa điểm hiện nay. Nơi này đã được các vua nhà Lý dựng cung Thuý Hoa và đời Trần dựng điện Hàm Nguyên dùng làm nơi hóng mát, xem đua thuyền đánh cá. Đời Lê Hy Tông (1680 - 1705), chùa được đổi tên gọi là Trấn Quốc. Năm 1842, vua Thiệu Trị tới thăm và đổi tên là Trấn Bắc nhưng dân vẫn quen gọi là Trấn Quốc.
Vào khoảng đời Lê Thần Tông (1619 - 1643), dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đập Cổ Ngư' (tức đường Thanh Niên) chắn ngang hồ Tây (ngăn thành hồ nhỏ gọi là Trúc Bạch hiện nay), nhân đó mới đắp luôn con đường từ đập Cổ Ngư đi vào chùa. Chùa đã được tu sửa vào những năm 1624, 1628. Đến năm 1639, được dựng thêm hậu đường, cổng làng, hành lang tả hữu, quy mô to rộng, chạm trổ tinh khéo. Trạng nguyên khoa Đinh Sửu (1637) Nguyễn Xuân Chính đã soạn bia: “Nay đắp cao nền chùa cũ, mở rộng quy mô, trước tiên xây dựng các toà Thượng điện, đài đốt hương, Tiền đường và cửa hậu...”. “Trước hết dựng hậu đường, cổng có gác, tiếp theo dựng luôn tả hữu hành lang, định ra từng dãy, chia ra từng toà... huy hoàng tượng Phật, sáng ngời nơi rường chạm cột sơn, rực rỡ hoa hồng, ánh chiếu khắp toà sen, cửa biếc...”. Đến năm Gia Long 14 (1815) chùa lại được trùng tu, đúc chuông đắp tượng, quy mô tráng lệ. Phạm Quý Thích đậu tiến sĩ khoa 1779 soạn văn bia ghi: “Trước hết làm nhà thờ Phật, nhà thắp hương, Tiền đường, cả thẩy 3 toà. Sau đó làm 2 hành lang, gác chuông, Hậu đường, cả thẩy 4 nếp, tất cả đều cao lớn hơn trước, đồng thời đắp tượng Phật và đúc chuông lớn”. Năm 1821, vua Minh Mạng ra Bắc Thành, đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm chùa ban 1 đồng tiền vàng lớn và 299 quan tiền để tu sửa.
Chùa hiện còn giữ được lối kiến trúc độc đáo khác với nhiều chùa: phía trước là nhà Bái đường, rồi đến nhà Tam bảo, phía sau mới là 2 dãy hành lang thập điện và gác chuông. Trong chùa có một số tượng đẹp như bộ Tam thế Phật Thích Ca nhập Niết bàn, bằng gỗ sơn son thếp vàng. Trong chùa có 14 bia. Chùa có một vườn tháp có nhiều tháp.
Chùa ở một nơi có phong cảnh đẹp nên các đời chúa Trịnh đã biến nơi đây thành hành cung (nơi ở của vua chúa khi đi du ngoạn). Khi chúa Trịnh bị diệt, vua Lê Chiêu Thống đã hạ lệnh đốt hết những nơi chúa Trịnh đã ở. Nhờ sự bảo vệ của dân trong phường nên lính của vua Lê chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa do chúa Trịnh làm cho bọn hoạn quan và cung nữ ở, còn chùa vẫn được giữ nguyên vẹn.
Chùa Khai Quốc vào thời Lý là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long, là nơi thụ huấn giáo lý của nhiều thiền sư thuộc dòng thiền Võ Ngôn Thông. Thái hậu Ỷ Lan cũng mở tiệc chay chiêu đãi các thiền sư kê cứu kinh Phật ở nơi đây. Từ thời Ngô Quyền, Thiền sư Văn Phong thuộc thế hệ thứ 4 dòng thiền Vô Ngôn Thông đã trụ trì ở chùa Khai Quốc. Học trò của Thiền sư Văn Phong là Thiền sư Khuông Việt thụ nghiệp ở chùa Khai Quốc, đã nổi tiếng trong cả nước, được vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành mời về Hoa Lư làm cố vấn tối cao của triều đình.
Chùa Trấn Quốc là cảnh đẹp của hồ Tây, “lên cao ngắm cảnh, mây nước mênh mang, nước hồ óng ánh trong suốt khiến lòng người không hư, tiếng chuông chùa gọi tỉnh mộng trần tục... tấm bia rêu phong còn đó, lối xưa cỏ nay đâu? Ngày tháng là bao, bỗng trở thành dấu cũ, khiến cho con người chạnh lòng cảm khái với cảnh vật xưa nay” (Văn bia 1815).
Phạm Quý Thích, Tiến sĩ triều Lê đến thăm cảnh chùa có thơ đề:
Tây Hồ hồ thượng hà niên tự
Cổ thụ âm âm trúc thạch tùng
Trần đế quan ngư không thử địa
Tiên sinh lạc thuỷ hữu danh tùng
Nhất hoằng thu kính khai tình nhật
Thập lý hà hoa tống văn phong
Bất dụng quy y cầu đến ngộ
Lai lâm nhất vị phủ cô tùng.
Tạm dịch:
Già lam có tự bao giờ
Xanh xanh cây cỏ bên bờ tốt tươi
Đá câu là chỗ vua ngồi
Đất bằng là chỗ thảnh thơi khách nằm
Mặt hồ sóng gợn lăn tăn
Ao thu se lạnh ngắt tầm hương sen
Vào chùa ai nấy tham thiền
Ta say ngắm nghía cây thiêng ngàn đời
Chùa Trấn Quốc hiện nay không còn cây thông ngàn năm để chúng ta ngắm nghía như thời Phạm Quý Thích, thay vào đó là cây bồ đề thiêng liêng ở trước cửa chùa.
Cây Bồ Đề này do chính Tổng thống Ấn Độ Prasát tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 24 tháng 3 năm 1959. Sau buổi lễ tiếp nhận trọng thể, cây bồ đề được đem đến trồng tại cửa chùa Trấn Quốc./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02