Chùa Thanh Chiểu (huyện Ba Vì)
Chùa Thanh Chiểu toạ lạc ở thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Trước đây, chùa có tên chữ là “Sùng Giáo tự” rồi “ Sùng Vương tự”, đến thời Nguyễn đổi thành “Thiên Phúc tự” (nơi tích phúc tốt lành của trời đất, để hướng người đời đến với chân, thiện, mỹ).
Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Thanh Chiểu có kiến trúc tôn giáo thờ Phật. Niên đại khởi dựng của chùa hiện nay chưa tìm thấy cứ liệu chính xác, nhưng căn cứ vào nghệ thuật chạm khắc, hệ thống tượng và các di vật hiện còn thì chùa có thể được xây dựng vào thế kỷ XVIII.
Chùa Thanh Chiểu toạ lạc trên một thế đất đẹp. Phía trước có cảnh quan thoáng đãng, hài hoà. Sau lưng có đê sông Hồng án ngữ. Khuôn viên chùa gồm một số công trình kiến trúc: Tam quan, điện Mẫu, Tiền đường và Tam bảo nối với nhau hình chữ “đinh”.
Toà Tiền đường với quy mô bề thế gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Kết cấu các bộ vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng. Liên kết giữa cột cái và cột quân là hệ thống kẻ, bẩy đều được soi gờ, kẻ chỉ mềm mại. Trên các kẻ, bẩy chạm khắc lá lật, vân xoắn kết hợp với những đề tài dân gian, mang đậm phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XVIII như rồng cách điệu, lá lật, cúc mãn khai, đao mác gắn với tư duy nông nghiệp trồng lúa nước của người dân Việt và ước mơ một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.
Nối từ gian giữa toà Tiền đường chạy dọc về phía trong là 3 gian Tam bảo, xây thành bệ từ thấp đến cao để bài trí tượng Phật.
Chùa Thanh Chiểu là điển hình của tư tưởng tôn thờ Phật giáo Đại thừa và thờ cúng danh nhân đất nước.
Ngoài thời Chùa thờ thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh, nhân dân địa phương thường gọi là Đức Phật Tổ. Ông sinh vào thời Lý (thế kỷ XI), thuộc dòng dõi thiền sư Đại Điện, mồ côi cha từ thủa nhỏ, lớn lên ông mộ đạo Phật nên kết bạn với nhiều danh sư cùng chí hướng, trong đó có Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy. Cả hai ông đều theo Khổng Minh Không, rồi cùng sang Tây Trúc (Ấn Độ) tầm sư học đạo ông còn bốc thuốc cứu người. Tương truyền từ kiếp trước hai ông đã là bạn của nhau và cùng tái sinh vào thời Hùng Vương. Vào một năm vua Hùng mở khoa thi tại kinh đô, hai người hẹn nhau cùng đi ứng thí. Từ Đạo Hạnh đến nhà Nguyễn Đạo Hạnh rủ đi thi. Mẹ Nguyễn Đạo Hạnh thương con thức đêm mệt nên muốn con ngủ nán thêm. Khi Nguyễn Đạo Hạnh tỉnh giấc ông vội vàng lên đường. Đi được hơn 10 dặm, ông hỏi thăm thì biết bạn đã đi xa rồi không thể theo kịp nữa, ông đành ngồi xuống bên gốc cây ven sông buồn rầu trông về kinh đô Phong Châu. Bỗng hiện lên ba cô gái đi cắt cỏ, vai mang quang sọt đi về phía mình, ông liền nhờ các cô gánh nước để tắm. Tắm xong ông liền tựa đầu vào gốc cây trôi rồi hoá thành pho tượng vàng, bên cạnh còn có cả tráp, nghiên bút, và quyển thơ. Tất cả cùng trôi về đất Am Vàng (xã Chu Minh ngày nay), là nơi ông đã tu thuyền và luyện phép lúc sinh thời. Từ đó, nhân dân Thanh Chiểu và nhân dân các xã xung quanh đã dựng miếu, chùa thờ ngài, quanh năm hương khói.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý gồm: 18 pho tượng cổ, niên đại đầu thế kỷ XX, 4 bia đá, 1 chuông đồng, 1 đỉnh đồng, đôi đèn đồng, 5 bức hoành phi và một số đồ tế tự khác.
Hàng năm, vào ngày 10 tháng ba âm lịch, tại đây tổ chức các nghi lễ tế thánh trang nghiêm của 16 xã trong vùng liên quan đến Đức thánh cả như Tây Đằng, Chu Quyến, Thanh Lũng, Đông Viên, với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đấu vật, chọi gà, hát xẩm đậm đà hương vị làng quê.
Chùa Thanh Chiểu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02