Danh thắng & Di tích Hà Nội

Chùa Sơn Đồng (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 06/09/2023 14:34

Chùa Sơn Đồng hiện nay tọa lạc tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

chau-son-dong-hd.jpg
Chùa Sơn Đồng

Chùa Sơn Đồng có tên chữ là Diên Phúc tự. Xa xưa địa danh này thuộc tổng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Sau chuyển sang huyện Hoài Đức. Chùa quay hướng nam, chung cửa ngoài với đền Thượng.

Tam quan đồng thời cũng là gác chuông, nằm ngay sát đường liên huyện gồm 3 gian 2 tầng 4 mái theo kiểu chồng diêm. Bộ khung làm bằng gỗ đặt trên những trụ gạch, chính giữa trổ 3 cửa xây cuốn. Tầng trên treo quả chuông đề chữ Hán: “Diên Phúc tự chung” cao 1,33m, đúc năm Thành Thái thứ 3 (1891) và chiếc khánh đồng đề chữ: “Diên Phúc tự khánh” cao 0,50m, rộng 1,19m đúc năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Chùa chính được phân làm 2 khu riêng biệt, khu bên phải là điện Mẫu, nhà Tổ, nhà khách, trai phòng; khu bên trái là phần chùa cổ kính bao gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện gắn kết với nhau tạo thành kiểu chữ “công”. Tiền đường 7 gian xây tường hồi bít đốc, vào bên trong các bộ vì đặt trên 5 hàng chân cột, hàng cột hiên rộng để tạo không gian thoáng đãng và chuyển tiếp. Trên 2 câu đầu ghi dòng chữ Hán: Càn nguyên hanh lợi trinh và Phú quý thọ khang ninh. Thượng lương ghi năm tu sửa là năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Bảo Đại thứ 17 (1942). Đây là dấu ấn của lần tu sửa gần đây mà nhân dân địa phương mua một ngôi đình ở Phùng (Đan Phượng) về tu sửa lại, trong đó có tận dụng một số bộ phận cũ được dùng là kẻ và ván ; ở hiên chạm rồng, mây và hoa lá, có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII. Điều đặc biệt là tại lần tu sửa này tấm ván dong trên kẻ giáp hồi phải chạm gia đình hổ đang âu yếm vui vầy.

Từ gian giữa Tiền đường về phía sau là 3 gian Thiêu hương và nối với Thượng điện 3 gian nhà ngang. Bộ khung của hai hạng này đều thuộc giai đoạn Nguyễn muộn, song trên 2 vỉ ruồi của Thượng điện còn giữ được những hình chạm hổ phù, rồng và mây lửa có phong cách đầu thế kỷ XVIII.

Trong chùa còn giữ được nhiều pho tượng, tất cả đều sơn son thếp vàng rực rỡ, bài trí từ nửa trong Thiêu hương vào Thượng điện. Ngoài ra, còn có các bộ tượng Hộ pháp, Đức ông và Thánh tăng ở Tiền đường. Trên Phật điện, lớp thứ nhất là bộ Tam thế uy nghi, tiếp xuống là bộ Di Đà Tam tôn rồi đến Thích Ca, Di Lặc, phía trước có 2 hàng tượng Cửu Long. Nếu hàng trước có Phạm Thiên và Đế Thích ở hai bên thì hàng sau có Đại Diệu tường và Pháp Hoa lâm là 2 vị Bồ tát ở hai bên. Dọc tường hồi Thượng điện là bộ Thập điện diêm vương. Cuối 2 gian bên Thượng điện là bộ tượng Quan Âm chuẩn đề và Quan Âm tống tử. Hầu hết các tượng ở đây đều mang phong cách thời Nguyễn muộn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, song pho Quan Âm chuẩn đề có phong cách sớm hơn, đồng thời còn một ít mảng chạm cổ, tượng cao 1,6m ngồi trên đài sen, dáng thanh thoát, đầu đội mũ có những bông sen nổi cao, ngực đeo anh lạc, tóc mai rủ xuống vai mềm mại.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chùa Sơn Đồng (huyện Hoài Đức)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO