Chùa Phú Xuyên (huyện Ba Vì)
Chùa Phú Xuyên hiện nay tọa lạc tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Chùa Phú Xuyên có tên chữ là Sùng Chân tự ở thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội. Xưa làng Phú Xuyên có tên là Vu Ma Hương ấp, sang thời Lê có tên là Phúc Xuyên, đến thời Nguyễn mới đổi thành xã Phú Xuyên.
Chùa được khởi dựng, từ đời vua Trần Dụ Tông (thế kỷ XIV), đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa (năm Long Đức nguyên niên 1732 và năm Minh Mệnh thứ 9 (1829). Diện mạo hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu năm 1839 (thời Nguyễn).
Trước đây chùa có quy mô khá lớn gồm: Chùa chính, Tam quan, gác chuông, nhà Tổ, nhà Hạ, nhưng nay chỉ còn lại chùa chính, các hạng mục khác đã bị mai một.
Chùa chính kiến trúc kiểu “Nội công - ngoại quốc”, cổng nhìn về hướng đông nam, gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Tiền đường 5 gian, tường hồi bít đốc, các bộ vì làm theo kiểu chồng rường trụ đấu, 4 hàng cột. Thiêu hương là ống muống chạy dọc 5 gian nối liền Tiền đường với Thượng điện. Thượng điện cao hơn nền Thiêu hương là 45cm. Thượng điện là ngôi nhà dọc 5 gian, tường hồi bít đốc, các bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng trên 4 hàng cột.
Theo tư liệu còn được lưu giữ tại chùa, chùa thờ hai vị anh hùng Bùi Đôn và Bùi Chân. Vào thời kỳ nhà Minh xâm lược nước ta (năm 1417), chùa Sùng Chân là nơi ăn ở hoạt động bí mật của Nguyễn Trãi và hai ông Bùi Đôn và Bùi Chân trước khi Nguyễn Trãi vào đất Lam Sơn tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Trong lần giặc đến đốt nhà cướp của và vây bắt ba ông tại chùa Sùng Chân, hai ông Bùi Đôn và Bùi Chân đã chiến đấu quyết liệt với giặc Minh để cứu dân làng và mở vòng vây để Nguyễn Trãi chạy thoát. Hai ông Bùi Đôn và Bùi Chân đã anh dũng hy sinh tại sân chùa ngày 6/2 âm lịch, được Lê Thái Tổ truy tặng là “Quận công Tả hữu nhị bộ Lang Suý” và giao cho dân làng Phú Xuyên xây chùa để tưởng nhớ công lao to lớn của hai ông.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa còn là nơi ăn nghỉ, hoạt động bí mật của cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền và du kích xã khi về bám sát cơ sở phá tề diệt nguỵ.
Chùa Phú Xuyên hiện nay còn giữ được nhiều di vật quý giá độc đáo. Đặc biệt là những tư liệu Hán Nôm ở hoành phi, câu đối và 65 bia đá. Hệ thống tượng tròn gồm 60 pho lớn nhỏ. Những pho tượng có niên đại tạo tác sớm như bộ tượng Tam thế, bộ Di Đà Tam tôn hay Tuyết Sơn, Di Lặc, Thích Ca là những tác phẩm nghệ thuật sáng giá.
Chùa được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02