Chùa Lại Thượng (huyện Thạch Thất)
Chùa Lại Thượng hiện nay tọa lạc tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa Lại Thượng có tên chữ là Bảo Sơn tự gồm có Tiền đường, Thượng điện có kết cấu theo kiểu chữ “đinh”. Tiền đường chùa được làm 5 gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri. Hai gian bên được trang trí cửa sổ bằng hai chữ thọ, một bên chữ vuông còn 1 bên chữ tròn theo quan niệm xưa là trời tròn đất vuông. Hai bộ vì gian hồi làm kiểu “thượng chồng rường con nhị hạ kẻ bẩy”. Bốn bộ vì còn lại được làm theo kiểu “giá chiêng, kẻ, bẩy”. Bên cạnh tòa Tiền đường và Thượng điện về bên phải là hai dãy nhà tổ và nhà Mẫu.
Trong tòa Tam bảo vị trí cao. Lớp thứ 2 là bộ tượng Di Đà Tam tôn. Tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí được tạc đứng trên bệ sen. Ở lớp thứ ba là tượng Ngọc Hoàng cùng 2 pho Thị giả. Lớp thứ 4 là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài cùng của tòa Thượng điện tòa có Cửu long. Bên hữu của Thượng điện là bộ tượng Quan Âm cùng Kim Đồng, Ngọc Nữ. Bên tả là tượng Quan Âm tống tử. Sát tường hai bên hồi của Thượng điện Thập điện Diêm vương. Phía ngoài cùng của tòa Thượng điện có hai pho tượng Giám trai và Thổ địa. Tượng Hộ pháp đặt ngoài tòa Tiền đường. Ở về hai bên phía tượng Hộ pháp là ban thờ Đức Ông và Thánh Hiền. Dọc theo hai bên hồi Tiền đường có xây các bệ cao bằng gạch là nơi tọa lạc của bộ tượng Bát bộ Kim cương. Các pho tượng này có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII đến nay.
Chùa Lại Thượng còn lưu giữ được 1 quả chuông ra đời vào thời Nguyễn, 1 bát hương gốm Thổ Hà thế kỷ XVIII, 2 bát hương sứ thời Nguyễn.
Chùa đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02