Chùa Đức Viên (quận Hai Bà Trưng)
Chùa Đức Viên toạ lạc tại số 4 phố Trần Xuân Soạn, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đây là đất của thôn Hương Viên sau khi bị đổi từ thôn Hoa Viên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, vì kiêng huý mẹ vua Thiệu Trị đổi thành Hương Viên (năm 1841), tổng Thanh Nhàn. Thời Pháp thuộc, gọi là Đức Viên.
Chùa Đức Viên có tên chữ là Hồng Đức tự (chùa Hồng Đức). Đối diện với chùa Đức Viên, số nhà 1 - 3 Trần Xuân Soạn hiện nay, xưa vốn là ngôi đình của làng Phương Viên, thờ Chu Văn An. Thời tạm chiến, đình bị phá huỷ. Bài vị và đồ thờ tự được chuyển sang chùa để thờ. Chùa được khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX. Tấm bia cổ nhất còn giữ được ở chùa mang niên hiệu Tự Đức (1850). Bài minh trên chuông “Đức Viên tự chung” được đúc năm 1890 có ghi: “Chùa hiển linh cả một vùng rộng lớn, người xưa cúng cầu tấp nập, rạng rỡ khắp trong triều nội, ngoại...”.
Năm 1947, chùa bị giặc Pháp đốt cháy. Các công trình kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm 1950 bao gồm Tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách. Tam quan xây 2 tầng, 8 mái, bờ nóc được trang trí mặt hổ phù, hoa lá, 2 cổng bên đắp nổi các đề tài tứ linh, tứ quý. Chùa chính kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm 3 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện xây dọc. Trang trí trong chùa chính tập trung ở các bức cốn nách với các đề tài hoa cúc cách điệu, lá lật, văn chữ triện, tứ linh, tứ quý. Chùa có nhiều bức đại tự, câu đối cửa võng, cuốn thư sơn son thếp vàng lộng lẫy. Gian bên phải tiền đường đặt long ngai, bài vị của Chu Văn An. Ba gian nhà Mẫu ở bên trái chùa, gian giữa thờ Tam toà Thánh Mẫu và Tứ phủ cộng đồng, hai gian bên thờ đức Thánh Trần và chúa Sơn Trang. Đặc biệt, chùa còn 5 tấm bia đá, 2 chuông đồng được tạo dựng từ thời Nguyễn và một cuốn sao thần phả về thành hoàng Chu Văn An.
Chùa Đức Viên đã được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02