Chùa Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)
Chùa Hữu Bằng hiện tại tọa lạc tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Làng Hữu Bằng có cụm di tích đình, chùa và văn chỉ gần nhau. Chùa Hữu Bằng được khởi dựng từ thời Lê, niên hiệu Chính Hoà 2 (1681), trên thế đất cao hình con rùa. Trải qua hàng trăm năm thời tiết vùng xứ Đoài mưa nắng, bão lụt liên miên đã làm mai một ngôi chùa cũ, nhân dân đã trùng tu tôn tạo để còn một ngôi chùa như hiện nay, gồm Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Mẫu. Tam quan 3 gian 2 chái. Ngôi nhà Tiền đường gồm 5 gian xây dựng tường hồi bít đốc, bộ khung nhà cột gỗ với vì chồng rường mê cốn, thoáng qua kiến trúc và nghệ thuật thấy được nhiều lớp nối tiếp và kế thừa nhau.
Ngôi nhà Thượng điện nối liền gian giữa nhà Tiền đường thành hình chữ “đinh”. Trang trí trên lớp kiến trúc ở chùa Hữu Bằng chủ yếu là mảng chạm khắc gỗ, khá phong phú mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đáng lưu ý là nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVII được nghệ nhân thể hiện tài tình trên cách bức cốn nách ở hai vì kèo gian giữa.
Hình ảnh con người dáng uyển chuyển đang đùa vui cùng vật tứ linh (long, lân, quy, phượng). Hình ảnh con trâu đang đùa nghịch với con người tạo nên khung cảnh thân quen, bình dị, vui hoà ở chốn đồng quê. Chùa là nơi tôn nghiêm, có bản sắc riêng về tôn giáo, việc xuất hiện các cảnh sinh hoạt trên mang đượm chất văn hoá dân gian, cuốn hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Chùa Hữu Bằng còn lưu giữ 65 pho tượng của các thời Lê, Nguyễn, trong đó có 10 pho tượng Kim Cương, mỗi pho là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện dáng vẻ tư chất của từng vị. Chùa Hữu Bằng có thể coi là một bảo tàng nhỏ về tượng Phật Việt Nam ở thế kỷ XVII, XVIII và XIX, góp phần tìm hiểu truyền thống văn hoá của dân tộc ta ở các thế kỷ trước.
Chùa Hữu Bằng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02