Chùa Chòng - di tích lịch sử cách mạng (huyện Ứng Hòa)
Chùa Chòng thuộc thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà, Hà Nội - là một ngôi chùa từng nổi tiếng về kiến trúc nghệ thuật và cảnh đẹp tự nhiên trong vùng. Đây cũng là địa điểm cách mạng quý giá, trung tâm An toàn khu của Xứ uỷ Bắc Kỳ năm 1942.
Chùa Chòng toạ lạc trên khu đất rộng đầu làng, được xây dựng năm Giáp Dần (1674) dưới triều nhà Lê, có tên chữ là Hồng Phúc tự. Đình và chùa được xây dựng trên cùng một khu đất, theo kiểu tiền Thánh, hậu Phật. Năm 1942, khu đình chùa được chọn là địa điểm trung tâm hoạt động của ATK. Nơi đây đặt xưởng in tại nhà Tổ, Bái đường chùa là nơi hội họp sinh hoạt của Xứ uỷ. Đặc biệt quả chuông chùa Chòng đồng chí Đỗ Mười đánh một hồi dài là mệnh lệnh cho vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở huyện Ứng Hoà. Từ chùa Chòng, thiết lập đường dây liên lạc đến các địa điểm trong an toàn khu. Hiện trong chùa Chòng còn giữ được một số kỷ vật của đồng chí Đỗ Mười khi hoạt động cách mạng ở đây.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chùa đã bị tàn phá, chỉ còn lại phần móng. Gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và do nhu cầu văn hoá tâm linh, ngôi chùa đã được phục dựng lại trên nền móng cũ gồm các hạng mục công trình: Cầu đá, cổng Nghi môn, tượng đài, đình thờ 6 vị lạc tướng thời Hùng Vương, đền thờ đức Thánh cả, nhà khách, nhà lưu niệm ATK Xứ ủy Bắc Kỳ (1942), gác chuông, Tam bảo thờ Phật, nhà Tổ, Nhà bia tưởng niệm, giếng Long Trì và một số công trình phụ trợ khác.
Với những sự kiện lịch sử và văn hóa tiên, chùa Chòng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, theo Quyết định số 03/2000/QĐ-VHTT ngày 01/02/2000./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02