Chùa Bà Nành (quận Đống Đa)
Chùa Bà Nành thuộc địa phận phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa có tên gọi là Bà Nành để ghi nhớ công của bà hàng nước trước cửa chùa, nơi những học sinh trường Quốc Tử Giám hàng ngày ra ăn chè đậu nành của bà. Bà cũng là người có công đứng ra xây dựng chùa thờ Phật. Chùa có tên chữ là Tiên Phúc tự (chùa Tiên Phúc). Ngôi chùa nằm sát đường phố Văn Miếu, cổng phụ của chùa nhìn thẳng sang cổng phụ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích mang biển số nhà 27 phố Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hiện nay chưa tìm thấy những tư liệu ghi chép chính xác về niên đại khởi dựng của chùa, nhưng căn cứ một số kết quả của các nhà nghiên cứu cho biết chùa được xây dựng vào thời Lê thế kỷ XV để thờ Bà Nành người có công xây dựng chùa. Trong một số sách nghiên cứu về chùa Bà Nành có chi tiết cho đây là nơi vua Lê Thánh Tông đã ghé thăm chùa khi nhà vua thăm trường Quốc Tử Giám. Ngôi chùa đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và được trùng tu nhiều lần, hiện nay tại chùa còn nhiều hạng mục kiến trúc mang dấu ấn kết quả của lần trùng tu lớn vào năm Đồng Khánh 2 (1887).
Trước đây chùa có diện tích khá rộng nhưng nay đã bị thu hẹp, đất chật chội nhưng nơi thờ Phật rất trang nghiêm.
Chùa Bà Nành hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật quý như: một phiến đá màu xanh đen trên mặt có chạm chìm các vân mây, phiến đá này được đặt trước tượng Bà Nành. Tương truyền đây là phiến đá xưa kia Bà Nành vẫn ngồi bán nước, bán chè đậu nành.
Pho tượng Bà Nành tạc ở tư thế ngồi trên bệ gỗ khuôn mặt phúc hậu, gần gũi với đời thường, mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ba tấm bia đá, một quả chuông đồng niên hiệu thời Nguyễn. Chùa Bà Nành nằm trong quần thể di tích: Bích Câu đạo quán, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Ngọc Hồ, chùa Phổ Giác... tạo thành một tuyến tham quan du lịch lý thú.
Chùa Bà Nành đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02