Văn hóa – Di sản

Trịnh Sâm – nhà chính trị và nhà thơ tài hoa

Lê Thị Dương 28/11/2023 08:32

Trịnh Sâm sinh năm Kỷ Mùi (1739), là con trai cả của Trịnh Doanh. Theo Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Hán Nôm, ngay từ nhỏ “Vương tử đã thông minh lại ham học, ngày ngày chăm lo luyện văn rèn võ... Tâm hồn văn thơ hàm súc, nét bút phóng khoáng như có thần, báo hiệu một vị chúa anh minh quyết đoán, một hồn thơ lớn, một nhà văn hóa lỗi lạc tài hoa” (1971).

trinh-sam.jpg
Vào thời chúa Trịnh, nhà Lê đã mất thực quyền. Chúa Trịnh Sâm cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời Lê Trung Hưng. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)

Năm 14 tuổi, ông được chọn ngôi Thế tử. Năm 1767, Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm nối ngôi và tự xưng là Nguyên soái Tổng quốc chính Tĩnh Đô Vương, hai năm sau lại tự phong là Nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng sư, Tĩnh Vương. Năm 1770, ông còn thêm tôn hiệu là Thượng phụ Duệ đoán Văn công Võ đức Tĩnh Vương. Trong thời gian nắm quyền, Tĩnh Vương Trịnh Sâm đã lập nhiều chiến công, dẹp yên Hưng Hóa, Bình Hưng, Bình Ninh, Bình Nam, góp phần ổn định, thống nhất giang sơn. Ông mất năm Cảnh Hưng thứ 43 (Nhâm Dần 1782), thọ 44 tuổi, ở ngôi chúa 16 năm.

Nhận xét về sự nghiệp chính trị của Trịnh Sâm, Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí có viết: “Chúa cho phép tắc các triều trước là nhỏ hẹp, nên việc chính thường tự quyết đoán, phần nhiều không theo lệ cũ; cầm giữ chính quyền, cất nhắc người tài, văn trị sửa sang ở trong, vũ công chống chọi ở ngoài... chính giáo lừng lẫy khắp nơi, bốn cõi yên ổn, công lao rực rỡ hơn các đời trước” (1809-1819). Ngay từ khi mới lên ngôi, Trịnh Sâm đã quan tâm đến việc tuyển chọn hiền tài, nhờ vậy góp phần rất lớn trong việc chấn hưng văn hóa, giáo dục. Trong 16 năm tại vị, Chúa Trịnh Sâm mở 7 khoa thi, chọn được nhiều nhân tài có tiếng tăm. Đây cũng là thời kì văn hóa nghệ thuật nước nhà phát triển mạnh mẽ, xã hội thịnh trị, dân chúng yên bình.

Bên cạnh tư cách một nhà chính trị có tài thao lược, Trịnh Sâm còn là nhà thơ giàu cảm xúc, dồi dào thi hứng. Về thơ văn nghệ thuật, ông quan niệm: “Thơ là một thứ tâm học thôi có kể gì thanh âm niêm luật khéo vụng! Từ đấy, ta hết lòng suy nghĩ hàng ngày đêm những thứ có lời dạy về tâm của thánh hiền đời trước, suy đi xét lại kĩ càng, rồi tự xét vào thân mình, (...) ngăn lòng tà, giữ lòng thành, sửa mình theo lễ, để vun trồng lấy cỗi gốc” (Lược truyện các tác gia Hán Nôm, 1971). Trước tác còn lại của Trịnh Sâm khá nhiều, trong đó đáng chú ý là các tập thơ: Nam tuần kí trình thi, Tây tuần kí trình thi, đặc biệt có tập Tâm thanh tồn dụy tập gồm các bài thơ được sáng tác trong thời gian Trịnh Sâm còn là thế tử và được soạn lại khi ông đã lên ngôi chúa. Nội dung của tập thơ này có thể phân thành bốn loại: Thù phụng, Ban tứ, Cảm hứng và Đề vịnh, trong đó thơ Nôm chiếm đa số.

Nhắc đến Trịnh Sâm còn là nhắc đến một vị Chúa Thạch thi. Ông để lại rất nhiều bài thơ vịnh cảnh khắc trên đá ở khắp mọi miền đất nước.

Trịnh Sâm cũng là người có công trong việc lưu giữ lại khá nhiều tư liệu lịch sử quan trọng thông qua các ghi chép trong những năm tháng chinh chiến: Bình Hưng thực lục, Bình Ninh thực lục và Bình Nam thực lục.

Thơ Trịnh Sâm phản ánh tình yêu thiên nhiên, đất nước, ngợi ca những tấm gương hi sinh anh dũng bằng những rung cảm chân thực và cách miêu tả tinh tế, gột bỏ được những ngôn từ sáo rỗng, ý tứ rườm rà. Ông chủ yếu sáng tác trên đường đi, khi chợt bắt gặp một cảnh đẹp, một sự vật, sự việc nào đó. Điều đáng nói là cả ở mảng thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm, Trịnh Sâm đều rất nhuần nhuyễn và có không ít bài chứng tỏ tài hoa của vị chúa này.

Con người chính trị và con người nghệ sĩ hòa lẫn trong thơ khiến cho thơ Trịnh Sâm có lúc cứng cỏi, gãy gọn, có lúc mềm mại, tinh tế. Nhãn quan chính trị giúp ông có được một cái nhìn sắc sảo đối với sự vật sự việc:

Thủy bình điệp điệp trĩ nam duy,

Động tạc sơn yêu thiết tạo kì.

Triện xuất thần tung kim thời giáp,

Ngưng thành tuyết thụ ngọc chi phì.

Phong chuyển linh lại phân tùng hưởng,

Tuyết hộ tình song điểm nguyệt khuy.

Nhất lạp khả năng tàng thế giới,

Đăng lâm liêu ngộ tận trung thi.

(Trịnh Tĩnh Vương đề động Tuyết Sơn)

(Một dải xanh ngắt lớp lớp phía nam,

Động được tạc ở lưng núi thật lạ kì .

Dọc xuất ngang chia khắp mọi nơi,

Sương tuyết đọng lại trên ngọn cây trông như ngọc.

Gió lay động trên các cành tùng,

Tuyết rơi bên song cửa sáng lại điểm thêm ánh trăng trong.

Một hạt có thể che được thế giới,

Tới rừng mới hiểu hết được ý thơ)

Theo sử sách ghi chép, Trịnh Sâm vốn là người ưa thích du ngoạn và qua mỗi nơi, ông vẫn thường để lại bút tích với phong vị riêng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khá nhiều bút tích đề vịnh của Trịnh Sâm, trong đó có những bút tích có giá trị quý báu như thơ đề ở núi Sài Sơn, động Hương Tích... Những bài đề vịnh đó, theo nhà sử học Đinh Xuân Lâm, đều có chung một “phong cách bình dị” (Kỉ yếu Hội thảo Trịnh Sâm, cuộc đời và sự nghiệp, 2009). Có thể thấy rõ điều này qua bài Vịnh núi Bình Phong:

Ẩn ước nham yêu xưởng phạm quynh,

Vân vi liêm mạc, thạch vi bình.

Châu lưu thủy dịch truyền song phái,

Ngọc tích sơn lâm, nguyệt nhất hoành.

(Thấp thoáng chùa xây cạnh núi xanh,

Mây như màn trướng, đá như bình.

Nước trôi sóng gợn, khe đôi phái,

Ngọc chứa, giăng soi, sững một mình)

Qua chùa Hương, Trịnh Sâm cũng để lại những câu thơ đề vịnh khéo léo trong bài:

Chợt khỏi Thiên Trù thoắt rẽ lên,

Che che cửa động một đường len.

Chở mây quanh quất lồng hương Phật,

Khua đá vang lừng suối nhạc tiên.

Bảo cái đùn đùn lên Bảo tọa,

Kim quan chễm chễm trước Kim liên.

Thanh sa dấu cũ còn di để,

Quyến được xe loan biết mấy phen.

(Đại Nguyên soái Tổng quốc chính Soái thượng Tĩnh vương ngự chế. Canh Dần quý xuân thần Cao Bác phụng tả – Đại nguyên soái Tổng quốc chính Soái thượng Tĩnh vương ngự chế. Cuối mùa xuân năm Canh Dần, thần Cao Bác kính cẩn chép)

Đi nhiều, quan sát nhiều, Trịnh Sâm đặc biệt thích mô tả cảnh đẹp của quê hương đất nước. Dường như mỗi nơi đi qua đều gợi cho ông thi hứng. Nhân một lần qua Tây Hồ, Trịnh Sâm đã có bài thơ Tây Hồ tức cảnh:

Lọ là đồn hỏi chốn Bồng Doanh,

Này thú này âu cũng có tình.

Đôi đóa nhị hồng in dáng tía,

Một doành nước biếc ánh trời xanh.

Làu làu các nọ phong rèm nguyệt,

Văng vẳng chiền kia dõi tiếng kinh.

Lần trải nắng sương đà mấy tá,

Kim ngưu dấu trước hãy rành rành.

Câu cuối của bài thơ gợi nhắc về lịch sử hồ Tây. Theo các sách Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái, Tây Hồ xưa kia chỉ là một khu rừng hoang, ở đó thường xuất hiện một con yêu quái chuyên hại người. Vào thời Lý, ở núi Phao Sơn (Bắc Ninh), Nguyễn Minh Không đúc xong một quả chuông, đem gióng thử ba tiếng đã khiến con yêu khiếp sợ, phải trốn đi nơi khác. Tiếng chuông còn vang xa đến tận đất Trung Quốc, có con trâu vàng nghe tiếng chuông tưởng tiếng trâu mẹ gọi, vội chạy về phía nước ta, đến khu rừng, không thấy mẹ, nó lăn lộn vùng vẫy, làm cho khu rừng sụt xuống thành cái hồ, từ đó hồ có tên là hồ Tây.

Thơ Trịnh Sâm vì vậy chứa đựng cả niềm tự hào đối với đất nước, với lịch sử ngàn xưa. Qua thơ ca, chúa Trịnh Sâm còn thể hiện sự quan tâm đến quần chúng, gửi gắm niềm cảm thông với nỗi gian khổ của quân sĩ:

Hành hồi cảng đạo dạ thiều thiều,

Lãnh khí xâm nhân đới vũ triều...

Mại chinh dĩ hướng tam đông vãn,

Xu phó hà kham vạn lí diêu.

Cố thử đồng bào tâm tự thiết,

Trắc nhiên bản ý bút nan miêu.

(Bình Nam thực lục)

(Đường cảng quanh co, đêm dài dằng dặc,

Khí lạnh thấm vào người mang theo cả mưa và nước triều...

Cuộc chinh phạt xa này đã vào tháng cuối đông,

Theo đòi việc vua nào ngại đường xa vạn dặm.

Ngoái nhìn quân lính đồng bào lòng như được cứng rắn thêm,

Mà nỗi niềm thương cảm không bút nào miêu tả được)

Không chỉ được biết đến với tư cách nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ, Tĩnh vương Trịnh Sâm còn là người sáng tạo ra điệu Thổng cho ca trù bằng chữ Nôm theo thể lục bát. Dưới đây là một bài Thổng của ông:

Cỏ cây chẳng chút bụi trần,

Lối vào không biết rằng gần hay xa.

Xinh thay hỡi thủ yên hà,

Nguồn đào ướm hỏi ai là chủ nhân?

Theo một số tài liệu nghiên cứu, đương thời Trịnh Sâm là người có công nâng trà sen Tây Hồ của Thăng Long lên vị thế nghệ thuật cao siêu trong đời sống văn hóa Đại Việt, đồng thời đề xướng thuyết Trà nô tửu tướng có thể sánh với trà kinh Trung Quốc và trà đạo Nhật Bản. Đáng tiếc nét đẹp độc đáo này trong văn hóa trà truyền thống đã không còn được lưu giữ. Một đóng góp nữa về mặt văn hóa của Trịnh Sâm là ông đã để lại dòng đồ sứ cổ xanh trắng độc đáo và quý hiếm, trong đó nhiều sản phẩm được chế tác và trang trí hình họa theo ý tưởng và thơ của ông.

Cho đến nay, xung quanh nhân vật Trịnh Sâm vẫn tồn tại nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, không tránh khỏi những đánh giá sai lệch. Trên thực tế, trong cuộc đời, Trịnh Sâm để lại những “dấu ấn” không tốt đẹp như sự việc ông phế truất và giết hại Hoàng thái tử Lê Duy Vĩ của nhà Lê, sau đó tiếm phong làm Đại nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng sư, Thượng phụ, Duệ đoán Văn công Võ đức Tĩnh Vương. Đương thời ông còn tiến hành nhiều cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nông dân như Lê Duy Mật, Nguyễn Danh Phương, Trấn Ninh, Hoàng Công Chất... Về cuối đời, ông ham mê hưởng lạc, ăn chơi xa xỉ. Mối tình của ông với Đặng Thị Huệ và việc ông bỏ con cả (Trịnh Khải) lập con thứ (Trịnh Cán), tạo cơ hội cho kiêu binh làm loạn, dẫn tới cơ nghiệp chúa Trịnh suy vi và mở đường cho Nguyễn Huệ ra Bắc diệt nốt họ Trịnh cũng khiến cho các sử gia tốn không ít giấy mực. Song những công lao của vị chúa này vẫn được lịch sử ghi nhận. Những năm tháng tại vị của Trịnh Sâm vẫn được xem là thời kì khá thịnh trị trong quá trình tồn tại cục diện chính trị lưỡng đầu Lê - Trịnh. Về lĩnh vực văn học nghệ thuật, Trịnh Sâm là một nhà thơ có tài, người vừa kết hợp được những rung cảm dạt dào và trí tưởng tượng phong phú của một hồn thơ “đậm hương sắc” với tầm nhìn rộng lớn, sắc sảo của một nhà chính trị. Ngoài di sản văn chương, Trịnh Sâm còn mang đến cho thi đàn đương thời một quan niệm mới mẻ về thơ ca - “thơ là một thứ tâm học mà thôi, có kể gì thanh âm, niêm luật là khéo hay vụng”, “nếu muốn thể hiện ngôn từ, ta đâu có ý biên chép tập thơ này” (Tâm thanh tồn dụy tập). Và cho đến tận hôm nay, cái “tâm thơ” đó của Tĩnh Vương Trịnh Sâm vẫn là một mạch ngầm làm nên hồn thơ dân tộc./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trịnh Sâm – nhà chính trị và nhà thơ tài hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO