Văn hóa – Di sản

Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân

Anh Chi 29/10/2023 16:37

Từ Đạo Hạnh là pháp danh, còn tên thật là Từ Lộ. Ông là thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Chưa thấy tài liệu nào ghi về ngày sinh của Từ Lộ, chỉ biết ông sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), và qua đời năm 1117. Ông người hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, một làng rất cổ ở ven thành Thăng Long xưa.

Thời Lê Sơ, Yên Lãng thuộc huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên, kinh thành Thắng Long (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (đời Trần) cho biết, đời Lý Thánh Tông (1054 - 1072) ở hương Yên Lãng có người con gái là Tằng Thị Loan lấy đạo sĩ Từ Vinh, sinh ra Từ Đạo Hạnh. Ngôi chùa Láng của hương Yên Lãng đẹp và cổ kính giữa vườn rừng thâm nghiêm, có cây thông già gần ngàn năm tuổi, từ xưa đã nổi tiếng là đệ nhất tùng lâm ở cổ đô Thăng Long. Chùa được lập từ đời Lý Thần Tông (1128 - 1138), trên nền cũ nhà ông, là Từ Vinh, Tằng Thị Loan. Đặc biệt, trong chùa có pho tượng Từ Đạo Hạnh, không tạc bằng gỗ hay đá, mà đan bằng mây, bên ngoài bó sơn ta, thật đẹp và hiếm thấy trong các chùa khác ở xứ bắc...

thien-su-tu-dao-hanh-2-1745.png
Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy. Ảnh: Internet

Truyền thuyết xuất thân và sự thực của gia thế họ Từ ở Yên Lãng nhiều khi được truyền tụng trong đời sống rất lạ lùng. Nhất là những chuyện truyền tụng về Tăng quan đô án Từ Vinh bị pháp sư Đại Điên giết chết, và con trai ông là thiền sư Từ Đạo Hạnh tu luyện đạo pháp trả thù cho cha. Điều đó không lấy làm lạ, vì thời nhà Lý người ta rất chuộng đạo Phật. Các vua Lý đều chăm việc làm chùa, đúc chuông, tô tượng; nhiều tăng sư được cử làm chức Quốc sư, được ra vào chốn triều đường, tham dự các việc triều chính. Vương triều Lý còn mở khoa thi Bạch liên hoa để kén chọn những vị sư hay các tín đồ có đạo học cao, để bổ dụng. Từ Vinh là người đỗ khoa thi ấy, và được bổ chức Tăng quan đô án ở kinh thành. Sau, ông lấy bà Tằng Thị Loan ở làng Láng, về sống ở đó và sinh được Từ Lộ. Từ Lộ thông minh, khi còn bé đã có chí khác thường, ban ngày thì cùng bạn lứa chơi các trò đá cầu, múa kiếm, tối đến đóng chặt cửa phòng, dong đèn nghiên cứu sách vở suốt đêm. Từ Lộ có bản tính hào hiệp, nghĩ sâu các lẽ, những hành động, lời nói thì không ai đoán trước được. Loại trừ lớp áo truyền thuyết về việc Từ Vinh hay dùng tà thuật làm việc không hay, bị pháp sư Đại Điên dùng pháp thuật giết chết, rồi Từ Lộ tu luyện thành đạo về báo thù…, ta thấy có một Từ Lộ với pháp danh là Từ Đạo Hạnh tu ở chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích (ở Quốc Oai, Hà Nội ngày nay). Loại trừ những truyền tụng về phép tu của Từ Đạo Hạnh gần với phái Mật Tông, tinh thông đạo pháp để rửa thù báo oán, rồi hóa Thánh..., có thể biết ông là thiền sư thuộc thế hệ thứ mười hai của dòng thiền Nam phương. Học giả Phan Huy Chú có viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: “Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu, là chỗ Từ Đạo Hạnh trút xác ở đây. Tại vách đá còn có dấu vết đầu và gọt chân. Trong núi có viện Bồ Đà, am Hương Hải đều là Từ Đạo Hạnh làm ra. Nay là chùa Phật Tích”. Để lại những dấu ấn như vậy ở một ngôi chùa nơi vùng núi Sài Sơn, chứng tỏ Từ Đạo Hạnh phải chuyên sâu việc thiền đạo đến ngần nào. Và Từ Lộ cũng là một văn nhân danh tiếng của thời đại ông, còn để lại cho đời bốn bài thơ, “đều là những tác phẩm giãi bày triết lý đạo Thiền”(Từ điển văn học, 1984). Đó là các bài Vấn Kiều Trí Huyền (Hỏi Kiều Trí Huyền), Thất châu (Mất hạt châu), Hữu không (Có và không) và Thị tịch cáo đại chúng (Sắp mất bảo mọi người).

Chúng tôi muốn lưu ý với bạn đọc rằng, trên tiến trình văn học nước ta, giai đoạn văn học thời Lý là giai đoạn rất đặc biệt, bởi đó là thời xuất hiện rất nhiều các văn nhân là những nhà sư và nhà chính trị. Vậy nên, những tác phẩm văn chương thời Lý còn lại với hậu thế cũng phản ánh khá rõ tâm hồn và ý thức xã hội đương thời. Xin đơn cử một đặc điểm mà chúng tôi mạnh dạn cho là duy nhất có ở thời Lý: về thơ, chủ yếu là thơ thiền (như thơ của Lã Định Hương, Thiền Lão, Mãn Giác...); còn về văn, chủ yếu ghi lại những việc lớn trong đời sống xã hội của đất nước hay của một vùng quê (như văn của Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông...). Thơ của Từ Lộ cũng là thơ thiền của thời Lý. Bài Hỏi Kiều Trí Huyền, có lẽ ông viết khi chưa đắc đạo, nên lời thơ bộc lộ nỗi băn khoăn đau khổ cùng lòng mong mỏi của một người đi kiếm tìm chân lý:

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim),

Bất tri hà xứ thị chân tâm.

Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,

Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.

(Lăn lóc giữa cõi trần mà chưa nhận rõ vàng (thau),

Chẳng biết chốn nào là chân tâm.

Mong người rủ lòng chỉ cho biết cách,

Thấy rõ chân tâm đỡ khổ công tìm)

Qua bài thơ, biết Từ Lộ đã phải trăn trở, day dứt nhiều ngày “giữa cõi trần”, để tìm tới chân lý ở cõi người. Và đến bài Mất hạt châu, thì ông đã nhận biết được chân lý. Nhưng, ông lại thấy buồn cho người đời không mấy ai đạt tới cái chân lý ở ngay giữa đời (bài Mất hạt châu):

Nhật nguyệt xuất nham đầu,

Nhân nhân tận mất châu.

Phú nhân hữu câu tử, Bộ hành bất ky câu.

(Mặt trời mặt trăng kế nhau mọc nơi đầu núi,

Cõi đời này người người đều đánh mất ngọc của mình,

Như anh nhà giàu có con ngựa quý,

Lại không cưỡi, mà chỉ đi chân không)

Có một nhà nghiên cứu đã đưa ra những con số thống kê rằng, từ các học giả xưa như Lê Quý Đôn (1726 - 1784), tiếp nữa là rất nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu các đời sau, cho đến nay mới tìm thấy được 126 bài thơ hoặc văn đời Lý. Nếu tính cả triều Lý dài 216 năm, đem lượng bài văn, thơ tìm được chia đều cho thời gian, thì khoảng 2 năm có được 1 bài! Như vậy mới hiểu, Từ Lộ để lại 4 bài thơ đến hôm nay là rất quý hiếm. Hơn thế, trong số đó, bài Có và không là một bài thơ thật hay trong kho tàng thơ ca dân tộc:

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu, không như thuỷ nguyệt,

Vật trước hữu không không.

Bài Có và không của Từ Lộ viết chín trăm năm trước, là thơ thiền, nhưng rất trữ tình, hình tượng lớn lao, xúc cảm sâu xa lạ thường. Đã không ít người dịch Có và không ra quốc văn, ở đây chúng tôi dùng bản dịch ra thể lục bát tương truyền là của Huyền Quang (1254-1334), thiền sư, cũng là nhà thơ danh tiếng đời Trần:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vầng trăng vằng vặc in sông,

Chắc gì có có, không không mơ màng.

Còn có truyền thuyết, khi trút bỏ xác trần, Từ Lộ đầu thai thành vua Lý Thần Tông. Có lẽ vì thế mà ở chùa Láng thờ cả Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông, là hai kiếp sống tại thế của Từ Lộ! Lại có chuyện lưu truyền trong dân gian vùng Sài Sơn, thiền sư Từ Đạo Hạnh do có những hiểu biết uyên bác về nho, y, lý, số nên thường làm thuốc trị bệnh cứu người. Ông còn thích múa, hát, và thường dạy dân diễn trò múa rối, nên dân chúng gọi ông là “Thầy”. Rồi ngôi chùa cùng ngọn núi mà Từ Lộ tu trì, tĩnh tọa cũng có tên là chùa Thầy, núi Thầy. Từ Lộ sống giữa cuộc đời, giữa những con người trong dân gian, đó là lẽ đời thực giản dị. Từ lộ đã lăn lóc giữa trần đời, như ông viết trong thơ, đó là lẽ đời thường tình. Và cuối cùng, tới cõi, ông cũng có bài thơ Sắp mất bảo mọi người:

Thu lại bất báo nhạn lai quy,

Lãnh tiểu nhân gian động phát bi.

Vị báo môn nhân hưu luyến trước,

Cổ sư kỷ độ tác kim si (sư).

(Mùa thu về không báo chim nhạn cùng về, Đáng cười người đời cứ nảy sinh buồn thương (trước cái chết). Khuyên các môn đồ chớ vì ta mà quyến luyến, Thầy xưa đã bao lần hóa thân thành thầy nay).

Bài thơ Sắp mất bảo mọi người là một sự thực cuộc đời Từ Lộ, đã được ông viết thành thơ. Thơ của một người sắp từ giã mọi người, ngoái lại nhìn cõi thế, nên thơ ấy điềm nhiên, bình thản và cũng sâu sắc vô cùng. Chính bởi vậy, ngót ngàn năm qua, thơ thiền của Từ Lộ vẫn sống trong đời sống tinh thần người Việt Nam ta!

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Hà Nội thưởng 300 triệu đồng cho học sinh đạt huy chương vàng quốc tế
    Sáng 10-12, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã xem xét thông qua nhiều nghị quyết về các mức chi. Trong đó, có quy định về mức tiền thưởng đối với giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế.
  • Lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình, Bắc Ninh
    Sân bay Gia Bình dự kiến hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân CAND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO