Văn hóa – Di sản

Trần Thị Dung – từ cô gái làng Ngừ đến Linh từ Quốc Mẫu

Nguyễn Quang Ân 30/10/2023 10:36

Trần Thị Dung là con của người dân chài Trần Lý. Họ Trần vốn nối về đời làm nghề đánh cá ở vùng Yên Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh) sau ở hương Tức Mặc (Nam Định), rồi lại dời sang bên tả ngạn nơi ngã ba sông Hồng và sông Luộc, định cư ở Hải Ấp (Hưng Hà, Thái Bình). Thời ấy Hải Ấp đã là một vọng ấp trù phú, quê hương của những danh thần đời Lý như Thái úy Lưu Khánh Đàm, Tướng quân Đàm Phùng Thị, Thái phó Đàm Dĩ Mông.

Về huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thăm lại những di tích thời Trần trên đất Ngự Thiên - Long Hưng xưa, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi đến xã Liên Hiệp. Nơi đây hơn bảy trăm năm đã qua đi với biết bao biến động của thiên nhiên, xã hội, nhưng lòng người vẫn nhớ cô gái đẹp nhất làng Ngừ năm xưa với lời ca ngợi:

Trợ Lý, hưng Trần phù Ngự chúa,

Cổ lại hãn kiến thử tài nhân.

(Giúp Lý, dấy Trần bà Chúa Ngự,

Xưa nay ít thấy người phụ nữ tài năng như vậy)

Trong chính sử nước nhà, khi bình về vai trò của Linh Từ quốc mẫu đối với nhà Trần, sử thần Ngô Sĩ Liên phải thốt lên rằng: “Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần” (Đại Việt sử ký toàn thư).

tran-thi-dung-01-1687348023186936792812.jpeg
Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Ảnh DT

Trần Thị Dung là con của người dân chài Trần Lý. Họ Trần vốn nối về đời làm nghề đánh cá ở vùng Yên Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh) sau ở hương Tức Mặc (Nam Định), rồi lại dời sang bên tả ngạn nơi ngã ba sông Hồng và sông Luộc, định cư ở Hải Ấp (Hưng Hà, Thái Bình). Thời ấy Hải Ấp đã là một vọng ấp trù phú, quê hương của những danh thần đời Lý như Thái úy Lưu Khánh Đàm, Tướng quân Đàm Phùng Thị, Thái phó Đàm Dĩ Mông.

Chuyện bắt đầu từ khi Hoàng tử Sảm chạy về quê ngoại ở Hải Ấp năm Kỷ Tỵ (1209) thấy con gái Trần Lý có sắc đẹp bèn lấy làm vợ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm sau vua cha là Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm mới 16 tuổi lên ngôi vua là Lý Huệ Tông, đem thuyền rồng về Hải Ấp đón Trần Thị lập làm nguyên phi. Năm Bính Tý (1216) sách phong bà làm Hoàng hậu. Đến năm 1226 nhà Lý mất ngôi. Năm 1226 Huệ Tông chết, nhà Trần giáng Huệ hậu làm Thiên cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, lấy châu Lạng làm ấp thang mộc. Sau đó bà được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ quốc mẫu, về xe kiệu, áo mũ, người hầu đều ngang với Hoàng hậu. Bà mất tháng giêng năm Kỷ Mùi (1259).

Về vai trò của Trần Thị Dung trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần, có thể nêu lên mấy điểm chính như sau:

Góp phần quan trọng lập nên vương triều Trần, đưa nước nhà qua khỏi cuộc suy loạn cuối thời Lý

Như sách sử đều chép, vào cuối triều Lý, nhất là dưới thời vua Lý Cao Tông (1176-1210) và Lý Huệ Tông (1211-1224), tình hình nước nhà cực kỳ rối ren. Chính quyền trung ương bất lực trước cuộc suy thoái về kinh tế và hỗn loạn về chính trị.

Trước thế nước nghiêng đổ nguy ngập như vậy, Trần Thị Dung dù giữ quyền nhiếp chính thay con gái còn trẻ thơ, nhưng bà cũng nhận biết được sự suy vong không thể nào cứu vãn nổi của nhà Lý. Những suy nghĩ sáng suốt của bà trước vận mệnh đất nước thể hiện rõ trong chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng như sau: “Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề?”.

Bà cùng với Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ xếp đặt việc nữ chúa Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào tháng chạp năm Át Dậu (1226), trao quốc quyền cho dòng họ Đông A là một lực lượng mạnh nhất lúc ấy trỗi dậy từ nền kinh tế biển ở miền Hải Ấp. Đạo diễn một cuộc thay đổi triều đại như vậy, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung tỏ ra là những nhà chính trị sáng suốt, khôn khéo.

Vương triều Trần được thành lập đã mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Đại Việt, đủ sức đánh bại ba cuộc xâm lược tàn bạo của đế quốc Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII. Công ấy thuộc về những người con ưu tú của họ Trần: từ Trần Lý đến Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ... mà Trần Thị Dung là nhịp cầu thứ nhất đưa họ từ địa vị người dân chài trở thành những cận thần của nhà Lý, rồi loại dần được những lực lượng chống đối, thực hiện cuộc chuyển giao triều đại từ Lý sang Trần.

Hóa giải hiềm khích, đoàn kết nội bộ vương triều Trần

Nhà Trần mới lập, đang phải lo việc đánh dẹp các thế lực cát cứ, tập trung quyền lực cho chính quyền trung ương và đẩy mạnh công cuộc xây dựng lại đất nước, chuẩn bị lực lượng đối phó với nguy cơ xâm lược từ phía bắc thì nẩy sinh mâu thuẫn trong nội bộ, có nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong hoàng tộc. Bấy giờ Hoàng hậu Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) không có con mà Thuận Thiên (chị của Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu) thì có mang Quốc Khang ba tháng, vua Thái Tông (em ruột Trần Liễu) bèn lấy Thuận Thiên lập làm Hoàng hậu và giáng Chiêu Thánh làm công chúa, về sau lại đem gả cho Lê Phụ Trần.

Do vậy, Trần Liễu họp quân ra sông cái làm loạn. Khởi binh được hai tuần, Liễu tự biết thế cô khó lòng đối lập được, giả làm người đánh cá đến chỗ vua xin hàng. Trần Thủ Độ nghe tin đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét to rằng: “Giết tên giặc là Liễu”. Nhờ có Linh Từ quốc mẫu điều đình, hòa giải mới trở lại tình anh em, chú cháu, vua tôi như trước. Linh Từ là người có uy tín lớn trong hoàng tộc, được mọi người vị nể, bà đứng ra gánh vác phần nội trị của vương triều, thực hiện được sự đoàn kết, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận là một trong những kế sách giữ nước thời Trần, mà sau này Trần Hưng Đạo đã tổng kết làm bài học lớn cho đời sau.

Tổ chức sơ tán, bảo vệ được hoàng gia và vợ con, tướng sĩ. Thu thập vũ khí gửi cho quân đội

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ nhất, trước thế giặc ồ ạt tấn công, quân Đại Việt bị đánh lui. Nhà Trần phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Trong tình thế ấy, Linh Từ nhận lấy trách nhiệm thực hiện kế “thanh dã” đưa người, vũ khí, lương thực ra khỏi kinh đô để lại vườn không nhà trống khi giặc tiến vào. Đồng thời bà còn lo thu thập vũ khí gửi cho quân đội.

Ngày nay ở các xã Cộng Hòa, Liên Hiệp, Phúc Khánh, Thái Đường thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình) nơi quê hương bà vẫn còn những tên làng mang địa danh gắn liền với cuộc sơ tán này: làng Nội (dành cho nội tộc nhà vua ở), làng Triều Quyến là nơi gia quyến triều thần ở, làng Chúa (nơi ở của các công chúa), đình Ngự là nơi vua ở khi về thăm. Trong ký ức truyền đời của nhân dân các làng, có niềm tự hào đã được cùng với Linh Từ quốc mẫu che chở, bảo vệ hoàng gia khi nước nhà lâm nạn.

Về việc này sử gia Ngô Sĩ Liên cho biết: “Linh Từ... giữ gìn Hoàng thái tử, cung phi công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp”.

Làm được những công việc to lớn ấy, có thể nói Linh Từ quốc mẫu là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có tài tổ chức hậu cần, hậu phương trong chiến tranh giữ nước.

Từ cô gái làng Ngừ đến Linh Từ quốc mẫu, trải qua hai vương triều Lý - Trần đã khẳng định tài năng, nghị lực của Trần Thị Dung, một trong những người phụ nữ xuất sắc nhất trong lịch sử Việt Nam./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Hà Nội ra mắt Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo
    Tối 10/12, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 và Ra mắt trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội. Việc cho ra đời Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo cho thấy cam kết của Hà Nội với UNESCO khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.
  • Thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình
    Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2025.
Đừng bỏ lỡ
Trần Thị Dung – từ cô gái làng Ngừ đến Linh từ Quốc Mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO