Văn hóa – Di sản

Thái sư Trần Thủ Độ - nhà chính trị kiệt xuất, người kiến lập triều Trần

Tạ Ngọc Liễn 30/10/2023 10:30

Trong lịch sử Việt Nam có những nhân vật mà ngày nay giới sử học cần nhìn nhận, đánh giá lại theo tinh thần khách quan, khoa học. Đó là những nhân vật thường được xem là những trường hợp “phức tạp”; một mặt từng bị sử sách hoặc dư luận chê trách, thậm chí lên án, mặt khác người đời vẫn phải thừa nhận vai trò lịch sử của họ. Dù quanh họ có bao bọc bởi những định kiến nặng nề thì họ vẫn cứ sừng sững trước lịch sử. Đó là những người nếu không có họ thì không có lịch sử. Trần Thủ Độ chính là một người như thế.

Trần Thủ Độ (1194-1264) sinh ra ở làng Phương La, nay là xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tổ tiên Trần Thủ Độ làm nghề chài lưới ở vùng Đông Triều, Quảng Ninh. Sau chuyển tới Tức Mặc, Nam Định rồi định cư tại vùng đất Bát Xá - Tam Nông bên dòng sông Luộc. Dòng họ Trần ngày càng hưng thịnh và có thế lực lớn về chính trị trong triều Lý. Đặc biệt, Trần Thủ Độ nổi lên như một người xuất chúng trong dòng họ, giúp triều Lý đánh dẹp các thế lực cát cứ, bảo vệ cơ nghiệp nhà Lý.

tran-thu-do-tuong.jpg
Tượng Trần Thủ Độ.

Năm 1224, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy lực lượng quân đội bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Vào cuối triều Lý, trong triều vua quan ăn chơi sa đọa, ngoài dân mất mùa liên tiếp vì thiên tai, kinh tế suy thoái... Nhân cơ hội đó, các thế lực phong kiến nổi lên chống lại triều đình, đánh giết lẫn nhau. Ngoài biên thùy quân Nguyên - Mông đang chuẩn bị đại binh đánh chiếm Đại Việt. Trong khi đó vua Lý Huệ Tông lại truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới có 8 tuổi rồi bỏ lên tu ở chùa Chân Giáo. Trước tình hình đó, Trần Thủ Độ đã quyết định xóa bỏ triều Lý bằng cách đưa Trần Cảnh vào cung lấy Lý Chiêu Hoàng, rồi sắp xếp Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Đó là một cuộc đảo chính cung đình song không gây đổ máu, vẫn giữ được sự ổn định xã hội.

Tuy vậy, Trần Thủ Độ vẫn là nhân vật từng bị các sử gia phong kiến phê phán nhiều về việc ông đã mưu trừ Lý Huệ Tông, coi đó là hành động thất đức: “Đã lấy nước của người ta, lại giết vua người ta, thật bất nhân quá lắm” (Đại Việt sử ký toàn thư – Kỳ nhà Trần).

Theo quan điểm đạo đức của Nho giáo, bầy tôi giết vua là điều không thể dung thứ. Nhưng các bậc Tiên Nho lại nói, nếu giết một hôn quân thì cũng như giết một tên đạo tặc.

Đạo Phật là từ bi nhất, chủ trương một con kiến cũng không giết. Thế nhưng đạo Phật lại cổ vũ tinh thần chiến đấu, táo bạo, nhằm giải thoát mình và giải thoát mọi người. Trong kinh Kim cương ghi lời Phật dạy: “Hỡi các đệ tử, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy tự mình tinh tiến để tự giải thoát”. Kinh Niết bàn viết: “Những người cầm đao, cầm kiếm trừ kẻ hung ác, tàn ngược mới chính là người tu Đại thừa”...

Giai đoạn cuối triều Lý, đặc biệt là những năm Lý Huệ Tông trị vì, là thời kỳ đất nước suy thoái, tan rã trầm trọng, nhân dân đói khát, xã hội loạn lạc, triều chính mọt rỗng, bất lực. Vì vậy việc Trần Thủ Độ thực hiện kế hoạch thủ tiêu triều Lý, lập nên triều Trần là một hành động sáng suốt, dũng cảm, phù hợp với đòi hỏi khách quan của lịch sử, của thời đại. Với cuộc chính biến này, Trần Thủ Độ đã cứu đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng hiểm nghèo, vực nước Đại Việt lên thành một quốc gia mạnh mẽ để sau đấy có đủ sức đánh tan những cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên - Mông.

Đánh giá Trần Thủ Độ, trước hết phải đánh giá ở chỗ ông đã làm được những gì có lợi cho thời đại, cho lịch sử, chứ không phải chỉ căn cứ vào một hai hành vi, có thể là độc tài, song cần thiết.

Các sử gia phong kiến chê trách việc Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông, sau đó lại lấy Hoàng hậu nhà Lý là Trần Thị Dung và phong bà làm Linh từ Quốc mẫu (1226); nhưng cũng chính ngòi bút của các nhà viết sử xưa đã khẳng định công lao to lớn của Trần Thủ Độ đối với nhà Trần cũng như nhân cách, phẩm chất cao vời của ông. Ngô Sĩ Liên viết: “Trần Thủ Độ tuy không có học vấn song tài trí hơn người, làm quan dưới triều Lý được mọi người suy tôn”..., hay: “Trần Thủ Độ tuy làm Tể tướng mà phàm công việc không điều gì là không để ý tới. Vì thế đã giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trần Thủ Độ không chỉ đưa Trần Thái Tông lên ngôi vua mà còn có công rèn cặp một cậu bé khi bước lên ngai vàng mới 8 - 9 tuổi trở thành một ông vua anh hùng, một nhà Thiền học lỗi lạc. Năm 1237, vì giữa Trần Cảnh và Trần Liễu có chuyện khúc mắc riêng, Trần Cảnh bỏ kinh thành lên núi Yên Tử định đi tu thì Trần Thủ Độ đem tả hữu đi mời về và ông có nói với Thái Tông rằng: “Bệ hạ vì mục đích tu lấy cho riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia, xã tắc thì sao? Ví để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng lấy chính bản thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ” (Thiền Tông chỉ nam tự). Trần Thái Tông từ ý “muốn trút bỏ ngai vàng như trút bỏ đôi dép rách” (Lời sử gia Ngô Thì Sĩ) đã nghe theo lời khuyên của Trần Thủ Độ trở về triều. Hai mươi mốt năm sau (1258), Trần Thái Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt phá tan quân Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long.

Trong tư tưởng chính trị của Trần Thủ Độ, trách nhiệm đối với quốc gia, xã tắc là cao nhất, lớn nhất, nhất là khi quốc gia, xã tắc lâm nguy. Giữa lúc cuộc chiến đấu đang căng thẳng với quân Mông Cổ, khi nghe Trần Thái Tông hỏi kế sách, Trần Thủ Độ đã nói: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo?”. Câu nói đó thể hiện sự vững vàng, tin tưởng và quyết tâm chiến đấu đến cùng của Trần Thủ Độ để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Vương triều Trần theo định lệ hằng năm bắt các quan từ Tể tướng trở xuống phải hội thề sống trung thành và trong sạch. Khi Linh từ Quốc mẫu, vợ ông, muốn xin ông trừng phạt kẻ này, ban ân cho kẻ kia một cách không chính đáng, ông đã kiên quyết từ chối và trừng trị kẻ tham danh vọng bất chính ấy.

Trần Thủ Độ, người kiến lập triều Trần, sau được cử làm Thái sư (trong Tam công: Thái sư, Thái phó, Thái bảo), quyền lực lớn nhất triều đình, là vị quan rất thanh liêm.

Trần Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu. Một lần, vợ ông là Linh Từ quốc mẫu xin riêng cho một người làm chức câu đương, tức là chức dịch trong làng, phụ trách việc bắt bớ, tống giải.

Trần Thủ Độ gật đầu và ghi lại họ tên, quê quán của người ấy. Khi xét duyệt tới xã ấy, bèn hỏi tên ấy đâu. Người đó mừng rỡ chạy đến. Trần Thủ Độ nói: “Ngươi vì có công chúa (tức Linh Từ quốc mẫu) xin cho được làm câu đương, không so với người câu đương khác được, nên phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”. Người kia sợ hãi kêu van xin thôi, một lúc sau Trần Thủ Độ mới tha cho. Từ đấy không còn ai dám đến nhà thăm riêng nữa (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ cũng là người đầu tiên chống chủ nghĩa gia đình trị. Trần Thái Tông muốn cho người anh Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng nhưng ông không nghe và nói rằng: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền, thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền (tức giỏi) hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều sẽ ra sao?”.

Trần Thủ Độ là một nhà chính trị kiệt xuất, có những tư tưởng táo bạo; một nhà tổ chức tài giỏi, một người có ý chí gang thép và sống chí công, liêm chính.

Trong lịch sử triều Trần, Trần Thủ Độ đã để lại một dấu ấn vô cùng sâu đậm. Công lao Trần Thủ Độ cống hiến cho nước Đại Việt hồi thế kỷ XIII rất lớn và ở Hà Nội phải sớm có một đường phố to, đẹp mang tên Trần Thủ Độ./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi…
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • Thường Tín: Tập trung thực hiện phương án chống bão YAGI
    Do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 7/9 trên địa bàn huyện Thường Tín đã có mưa kèm theo gió giật mạnh. Từ chiều đến tối nay là thời điểm bão số 3 tác động mạnh nhất đến Hà Nội.
  • EVN khẳng định không cắt điện ở Hà Nội do bão số 3
    Trước tin đồn về ảnh hưởng bão số 3 đến tình hình cung cấp điện, EVN và các đơn vị thành viên khẳng định nội dung trên là tin thất thiệt. Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng cho biết, EVN Hà Nội không có lịch cắt điện để phòng chống bão số 3. Chính vì vậy, những thông tin cho rằng EVN Hà Nội cắt điện toàn TP vào tối nay là thông tin thất thiệt.
Đừng bỏ lỡ
Thái sư Trần Thủ Độ - nhà chính trị kiệt xuất, người kiến lập triều Trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO