Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Thương hoài xe sứ hàng rong

Nguyễn Duy Khánh 11:06 29/03/2024

Bố tôi bảo rằng, người Hà Nội sành sỏi chơi hàng gốm sứ, có đắt một chút mà món hàng ưng ý họ cũng sẽ mua. Mà gốm sứ Bát Tràng mang theo hồn cốt người Hà thành, dẫu đồ sứ nhập ngoại hay đồ nhựa, inox ào ạt thì gốm sứ Bát Tràng luôn có một vị trí trang trọng trong ngôi nhà của họ.

bat_trang_1.jpg
Nặng nhọc là vậy nhưng chưa bao giờ bố mẹ tôi tính chuyển nghề khác, Bát Tràng vẫn là thương hiệu mưu sinh của gia đình tôi... (ảnh minh hoạ: internet)

Bố mẹ tôi đều sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo, đông anh chị em ở ngoại ô Hà Nội. Sau khi về chung một nhà, ngoài trông vào mấy sào ruộng, bố mẹ tôi bảo nhau buôn bán. Nhưng trước bao nhiêu mặt hàng phổ biến, bố mẹ tôi lại chọn buôn bán gốm sứ Bát Tràng, một món hàng sang trọng nhưng dễ vỡ, dễ mất cả chì lẫn chài. Vốn liếng chỉ có vài chục nghìn đồng cùng chiếc xe thồ “cởi truồng” phanh bằng chân thời đó, bố mẹ tôi lao vào đời với sức trẻ và khát vọng mưu sinh.

Nhà tôi cách làng cổ Bát Tràng khoảng 30 km và phải đi đò ngang qua sông Hồng. Tôi còn nhớ, mỗi lần đi đóng hàng bố tôi phải đi từ rất sớm. Khi trở về nhà, xe hàng gốm sứ chất đầy, nặng trịch đến ngót 3 tạ vì chủ yếu là bát, đĩa. Trên cổ bố tôi chiếc khăn mặt ướt sũng mồ hôi cùng khuôn mặt ửng đỏ. Hồi đó do ít vốn, bố tôi chỉ nhập được hàng loại 2, đốt bằng than, có cái bị méo mó, cong vênh. Không ít người bạc miệng gọi bố tôi là “Luyện nát”, mỉa mai bố tôi đi nhặt hàng thừa bên Bát Tràng về bán. Nhưng đó là những những chuyến thồ vượt dốc mưu sinh, đi về phía nhọc nhằn cơm áo...

Ít năm sau, bố mẹ tôi tích cóp mua được chiếc xe máy Trung Quốc hiệu Lisohaka để chở hàng. Mẹ tôi bắt đầu đi theo bố tôi trên từng cung đường mưu sinh khắp phố phường Hà Nội. Mẹ tôi ngồi vào khung, phía sau chế một chiếc giá sắt để thồ hàng, bố tôi ngồi kẹp cứng ở giữa, xe hàng như một đống rơm mini chòng chành. Với tay lái lụa là, bố tôi đã chở hàng nghìn chuyến hàng sứ đi vào hàng trăm ngôi làng, ngõ ngách, phố phường để bán lẻ. Nặng nhọc là vậy nhưng chưa bao giờ bố mẹ tôi tính chuyển nghề khác, Bát Tràng vẫn là thương hiệu mưu sinh của gia đình tôi.

Bao năm trong nghề, mẹ tôi biết những con phố nào đông khách mua gốm sứ. Có phố họ mua nhiều lọ hoa, ấm chén, con giống để trang trí trong nhà như khu phố cổ. Có phố đông dân lại thường hay mua bát đĩa như Đê La Thành hay có phố đắt khách mua chậu trồng hoa khu vực ven hồ Tây. Với người Hà thành, thú chơi một món gì đó đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của họ, như một món ăn thư giãn trong lối sống nền nã, mực thước đã hàng ngàn năm.

Bố mẹ trở về nhà mỗi ngày khi màn đêm đã căng rủ. Anh em chúng tôi lớn lên trong tiếng loảng xoảng của gốm sứ. Tính tôi hậu đậu nên ở nhà thường hay đánh vỡ bát đĩa, có lần đá bóng trong sân còn làm vỡ cả chạn bát. Hoặc mỗi lần mẹ tôi sai tôi sắp xếp hàng trong nhà, kiểu gì tôi cũng làm vỡ một món mới chịu. Mẹ tôi thường phải dặn tôi rằng “nâng như nâng sứ, hứng như hứng gốm”, chứ cứ làm vỡ thế này thì chẳng còn lời lãi gì nữa...

anh-1-1-(1).jpg
Anh em tôi lớn lên nhờ những chuyến hàng gốm sứ Bát Tràng đầy nhọc nhằn của cha mẹ.

Trên bước đường cơm áo mưu sinh, đã không ít lần mẹ tôi ngấn lệ giữa đường. Một buổi sáng tinh sương, bố mẹ tôi chở hàng vượt một con dốc đứng để qua đường sắt. Nhưng do dốc cao, xe hàng nặng phía sau nên bị bổng đầu. Gốm sứ trên xe vỡ tan nát đến 1/3, bố mẹ tôi bị xe hàng đè lên người không ra nổi, vài phút sau mới có người đến trợ giúp. Chẳng nản lòng thoái chí, bố mẹ vẫn bám nghề, tiếng rao hàng sứ vẫn rền vang từ phố Trương Định lên đến đường phố Huế rồi lại quẩn quang lên đến Bờ Hồ... dâng hiến những món đồ đẹp nhất.

Tôi nhớ khi tôi bắt đầu vào đại học, một lần theo chân bố tới làng Bát Tràng. Một ngôi làng cổ thật đẹp, nhộn nhịp, nhà nhà làm gốm. Hôm đó, tôi thồ giúp bố tôi một sọt hàng nhưng vừa ngoặt ra đầu ngõ đã đổ rầm vì tay lái tôi quá yếu. Lúc đi qua đò, trời mưa đường đất nhão nhoét. Tôi nhìn con dốc lên đê mà hãi hùng. Ấy vậy bố tôi trên chiếc xe máy cũ kỹ đã dùng hết kỹ năng để phóng xe hàng lên dốc mà không cần người đẩy phía sau.

Anh em tôi lớn lên nhờ những chuyến hàng gốm sứ Bát Tràng đầy nhọc nhằn của cha mẹ. Sau này khi có đủ vốn, bố mẹ tôi nhập hàng loại 1 về buôn. Gốm Bát Tràng từ một làng nghề thủ công nghìn năm tuổi đã khẳng định thương hiệu quốc gia trong thời buổi kinh tế thị trường, mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền và lan tỏa hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Người Hà Nội nhìn thoáng qua đủ biết gốm sứ Bát Tràng hay hàng nơi khác, họ cũng đủ tinh tường phân biệt hàng đốt than hay hàng đốt bằng gas. Cái thú trưng đồ sứ trong nhà như một chi tiết không thể thiếu tạo nên không gian sống của người dân thủ đô. Còn với bố mẹ tôi, gốm sứ Bát Tràng đã trở thành chiếc cần câu cơm từ ngày cơ hàn tới ngày no ấm, đủ đầy. Đã nhiều lúc gốm sứ Bát Tràng phải cạnh tranh khốc liệt với đồ gốm sứ Trung Quốc hay cơn bão đồ nhựa, đồ inox nhưng, bố mẹ tôi vẫn chung thuỷ với nghề, sự cố gắng nào cũng xứng đáng được nhận trái ngọt.

Trên những xe hàng sứ rong ruổi phố phường, bố mẹ tôi có những “đồng nghiệp” không cùng cơ quan, gặp nhau đôi khi lúc trú mưa vội vã, tặng nhau cái bánh mỳ lúc quá bữa hay mượn nhau chiếc điếu cày thả khói giữa công viên. Thời gian xoay vần chuyển nhịp, mái đầu bố mẹ tôi đã phủ sương mai và chẳng thể đi bán rong hàng sứ khắp phố phường được nữa. Song, mỗi lần ngó ra từ ô cửa xe buýt, thấy những xe hàng sứ cồng kềnh, trĩu nặng mưu sinh, hình ảnh lam lũ của bố mẹ tôi lại hiện ra trước mắt.

Giọt nắng chiều cuối năm rót xuống vàng tươi xen lẫn những khấp khởi buồn vui, tôi cứ ngẩn ngơ bên Tháp Rùa linh thiêng nghĩ về những phận đời bé nhỏ, gắn bó với Hà thành mưu sinh cả cuộc đời, rồi nguyện dừng chân nơi này nhận quê hương. Hà Nội, dẫu có chật chội thì vẫn đủ chỗ cho tất cả mọi người./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Duy Khánh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hoài niệm thanh xuân
    Thỉnh thoảng, tôi vẫn về qua Hà Nội khi thì vì công việc, khi thì về "cội nguồn" ngày giỗ tổ bên quận Hà Đông, đôi khi chẳng có việc gì, nhớ quá có việc đi ngang qua cũng tạt té ghé vào ngồi gọi ly trà đá vỉa hè, lang thang đi bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, chỉ để thỏa một nỗi nhớ mong "nhớ Hà Nội" “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn", tôi đã trải qua quãng đời đẹp nhất, những kỷ niệm của tuổi thanh xuân sôi nổi ở nơi được mệnh danh là "trái tim" của đất nước.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Hà Nội ra mắt Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo
    Tối 10/12, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 và Ra mắt trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội. Việc cho ra đời Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo cho thấy cam kết của Hà Nội với UNESCO khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.
  • Thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình
    Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết có hiệu lực từ 1-1-2025.
Đừng bỏ lỡ
Thương hoài xe sứ hàng rong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO